Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 17/12/2014 04:47
Nhớ về chợ tết trong những trang văn thương nhớ của Vũ Bằng

Đã đón 30 cái tết trong đời, với bao kỷ niệm nhớ thương, nhưng mỗi khi đọc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, cảm xúc lại trào dâng trong tôi. Đó là cảm xúc về cái tết truyền thống của dân tộc được Vũ Bằng dành nhiều tình cảm đặc biệt nhất. Có lẽ không chỉ riêng Vũ Bằng, đối với bất kỳ người con xa xứ nào, tết vẫn là thời khắc thiêng liêng nhất trong tâm hồn mỗi con người, bởi đó là không gian đầm ấm, là thời khắc gia đình sum họp, dù ai đi đâu về đâu, tết là lúc hướng về cội nguồn, về tổ ấm gia đình, về tình thân…

 
Vũ Bằng đã dành hai chương cuối cùng của Thương nhớ mười hai để viết về cái Tết của quê hương, của đất nước với bao tập tục, lễ hội, bao nghi thức thiêng liêng. Sở dĩ ông ưu ái cho cái Tết bởi nó gắn với không gian gia đình, quê hương, với người vợ hiền đã đi xa của ông. Nhớ đến tết, ông nhớ, thương và cảm thấy có lỗi nhiều hơn với người vợ đầu gối tay ấp. Đó là người với mà “vì làm việc mà quên mệt, vì thương chồng con mà không quản ngại vất vả”. Đó là người vợ mà có cái vui đơn giản là “khi thấy năm hết tết đến, nhà cửa bình an, vui vẻ mà trong mình lại có một số tiền dành dụm được từ trong năm, tạm đủ để mua bán cho bằng chị bằng em hầu ăn một cái Tết không to nhưng cũng không lúi sùi”.

Đặc biệt khi nói đến tết, Vũ Bằng dành nhiều tình cảm cho chợ tết. Nói đến chợ tết là nói đến một nét văn hóa rất độc đáo trong Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Bởi vậy chợ Tết đã đi vào tâm thức của Vũ Bằng thật sinh động để rồi tạo nên những trang văn đẹp nhất, lung linh nhất trong Thương nhớ mười hai. “Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết” đã cho thấy chợ Tết trở thành một cảm hứng chủ đạo, để từ đó nhớ về những vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết được thể hiện qua những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội dân gian… cùng với những lo toan, những buồn vui trong đời người mỗi khi tết đến, xuân về. Với ý nghĩa ấy thì chợ tết là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc và nó cũng là một biểu tượng văn hóa truyền thống thấm sâu vào tâm thức của mọi người. Có lẽ vì thế mà chợ tết “có một sức hấp dẫn kỳ lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, đi để xem chợ tết…”. Chợ tết có sức hấp dẫn với người phụ nữ, là dịp để người phụ nữ thể hiện thiên chức và thiên năng của mình. Với người phụ nữ là cả một niềm đam mê, hạnh phúc. Đó là lý do vì sao người chồng thấy vợ “đột nhiên đẹp trội hẳn lên y như một thiên thần”, và không hiểu tại sao trong những ngày gần tết “vợ mình lại nhanh nhẹn hơn, đoi mắt sáng hơn mà má cũng hồng hơn”, rồi “những buổi theo vợ đi chợ Mới Mơ, chợ Bằng, chợ Ô Cầu Dền, chợ Đồng Xuân, chợ Đần, chọ Ngăm, chợ Đệp… đông quá, chen chân không được mà so vợ mình cứ đi dẻo quẹo, không tỏ vẻ gì mệt mỏi, dừng chỗ này một thứ, rẽ ra dãy kia mua thứ khác, ôm đồm trăm thứ mà vẫn tươi cười như thường”.

Chợ tết còn là biểu hiện cho sự sinh động của cuộc sống và cái đẹp. Một cái đẹp bình dị trong sáng nhưng cũng lý thú và thi vị: “Cái yếm sồi của cô gái quê khéo đa tình lại đeo một lá bùa vàng; chiếc quần là ống sớ của chàng trai chống chiếc gậy tre làm nổi bật cái áo tam giang của cô gái bán dừa; ông thầy bói chít khăng nhiễu nước dừa có nhìn thấy quái gì đâu mà sao cứ nghển nghển trông vào những bức câu đối đỏ của ông đồ bán chữ? Đây là tiếng ới, đó nọ câu cười; mấy ông lái trâu nói tiếng gì mà nghe như tiếng xạ phang, còn các bà bán cây sao hôm nay ăn trầu tươi thế? Nhưng tất cả... tất cả đều thua hai chị em cô hàng bán chiếu cạp điều cười đã xinh, ăn nói lại tình, ô hay, sao chiếu chất cao gần nóc chợ mà mình lại thấy như có hoa nở ở chung quanh?”. Không những thế chợ Tết còn mang một ý nghĩa văn hóa tâm linh rất đặc biệt: “Có những người đến phiên chợ cuối năm thường cố mang một thứ hàng, bất kì nhiều ít, bất kì tốt xấu đi bán, chỉ mong bán chạy chứ không mong lấy tiền, bán như thế là bán cái xúi quẩy của năm cũ đi”. Không chỉ cầu được may mắn, an lành mà năm mới họ còn cầu mong cho mọi người được khôn ngoan, sáng suốt, nên ở một số vùng miền còn có tục “đến phiên chợ Tết thì đem đồ đi bán và rao “có ai mua dại ra mua” và không cần bán mà cũng không cần ai trả lời mua hay là không mua”. Thật kỳ lạ một phiên chợ Tết, lại có những người đi bán đồ mà không cần người mua. Thật ra: “Tất cả những tục lệ ấy, truy tầm ý nghĩa sâu xa của nó, chỉ là biểu hiện nguyện vọng của dân tộc muốn cho mọi sự trong năm mới phải hơn năm cũ”.

Có thể thấy, trong Thương nhớ mười hai, cùng với nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong ngày Tết cổ truyền dân tộc như: phong tục thờ cúng tổ tiên, phong tục đưa ông Táo chầu trời, phong tục kiêng kị và những lễ hội trong ngày Tết như hội Chọi trâu, hội Lim.. thì chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ. Đó là sức hấp dẫn của cái đẹp được hình thành từ những điều bình dị của cuộc sống, một cuộc sống không màu mè, không làm dáng, không giả tạo… Và từ đó, ta càng thấy yêu hơn cái “bình dị”, “quê mùa” nhưng vô cùng ấm áp của những phiên chợ Tết truyền thống dân tộc “nhìn vào cái gì cũng thấy đẹp, trông người nào mình cũng thấy tươi, thấy cái gì mình cũng muốn mua. Cái ống bương cắt chéo góc, ngày thường ai mà thèm để ý, ấy thế mà mình cũng muốn mua để về trồng mấy giò lan “đồng tiền”; cái chút chít bằng đất ra cái chết gì, ấy thế mà mình cũng muốn mua cho trẻ vì bây giờ ở phố phường không có bán, mà cả hai chị em cô bán chiếu nọ mình cũng muốn mua luôn đem về vì nó ngộ quá, y như thể một cặp búp bê Nhật Bản. Nhưng mà nghĩ một cách tội lỗi thế thôi, chỉ vì tán láo tán lếu tí thôi, chớ đâu dám đi sâu quá”. Qua đây để thấy rằng chợ Tết cũng là một giá trị văn hóa truyền thống mà chúng ta cần phải bảo tồn và phát huy. Tìm về với chợ Tết, phải chăng là tìm về với một nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm cảm mỗi người như một phần không thể mất trong tinh hoa văn hóa dân tộc. Bỗng dưng thấy vang vọng đâu đây những câu thơ trong bài thơ Chợ Tết của thi sĩ Đoàn Văn Cừ ngày xưa ấy…

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,

Sương hồng lam, ôm ấp nóc nhà gianh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết


Minh Vũ

Nhà xuất bản Hà Nội
 
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)