Vẻ đẹp Hà Nội, Bắc Việt qua những trang văn thương nhớ của Vũ Bằng
Với mười bốn phần (hay mười bốn chương) của cuốn sách, Vũ Bằng đã dựng lên một bức tranh với nhiều mảng màu văn hoá của Bắc Việt hoà cùng đất trời, cảnh vật, sản vật và con người Bắc Việt… Qua những trang văn của Vũ Bằng tất cả đều toát lên vẻ đẹp thanh lịch, tinh tế, quý phái… Những quang cảnh thiên nhiên, thời tiết bốn mùa; những phong tục tập quán, lễ hội, lễ tết; những cách ứng xử, ăn mặc của người Bắc Việt… được Vũ Bằng khéo léo hoà trộn làm toát lên cái thần, cái hồn cốt của quê hương Bắc Việt nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung.
Với cách thụ cảm thiên nhiên vô cùng tinh tế, những cảnh quan thiên nhiên trong Thương nhớ mười hai” hiện lên vô cùng “mộc mạc” mà “thần tiên”. Thiên nhiên dù là tháng nào, mùa nào, thời khắc nào thì từ bầu trời đến mặt đất, từ triền núi đến suối khe, từ gió mây đến cỏ cây hoa lá… tất cả đều như ngọc như ngà, như lau như ly, tươi tắn sắc màu, ngan ngát hương thơm, sống động âm thanh, vừa trong trẻo vừa mộng mơ, tình tứ. Đó là bầu trời những buổi sáng “trên nền trời trong trong có những làn sóng hồng hồng rung động như cánh con ve sầu mới lột”, buổi trưa “trời trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh”, đêm về “bầu trời vẫn phẳng lỳ màu xanh ngắt, xanh biêng biếc “sáng lung linh như ngọc”; những đêm trăng, bầu trời càng huyền diệu hơn. Tháng giêng “trăng không vàng mà trắng như sữa, trong như nước ôn tuyền. Đi vào tháng mơ hồ ấy, mình cảm thấy như mình bay trong không gian vô bờ bến”. Đến tháng tám “ánh trăng mới thực lung linh kỳ ảo… đi trong ánh trăng lúc ấy mới cảm thấy mình đi ở trên trần thế mà dường như có cánh ở dưới chân, không bước mà có cái gì đẩy chân đi nhè nhẹ vào trong cõi mê ly”… Dưới vòm trời lấy úc nào cũng “xanh lên hy vọng”, làn nước xanh mơ, nghiêng mặt ngọc lưu ly, hồ thì “đáy nước lung linh, nước trong văn vắt”…, cùng với đó là mây hồng, gió tím, mưa xanh, làm cho đất trời, cỏ cây cứ tươi hơn, xanh hơn, những căn nhà “xanh um cây cối”, những hàng thuỳ dương “xanh biêng biếc”, những ruộng mạ “mơn mởn màu xanh cốm giót, những ao rau cần, những nõn khoai lang xanh ngăn ngắt, cuộn lại như tháp bút… Và đặc biệt hơn thiên nhiên, đất trời Bắc Việt được Vũ Bằng miêu tả trong những thời khắc bắt đầu, những buổi sáng, những khắc giao mùa hay những trạng thái viên mãn nhất: hoa mới nở, bướm ra ràng, cánh con ve mới lột,.… Chao ôi, đẹp và thương biết bao. Có lẽ không người con xa xứ nào cầm lòng được khi đọc những trang văn thương nhớ ấy, chỉ ước sao mình có đôi cánh thần kỳ để bay về hoà vào đất trời, cảnh sắc quê hương để thoả lòng thương nhớ, thoả nỗi ước ao bao ngày. Dường như nỗi thương nhớ trong Vũ Bằng thấm sâu vào cảnh sắc, lan toả vào không gian, làm cho nỗi nhớ càng da diết hơn.
Trong nỗi thương nhớ đặc biệt ấy, Vũ Bằng còn dành rất nhiều tình cảm cho những “thời trân”, những món ăn đặc biệt chứa đựng hồn cốt, văn hoá của Bắc Việt. Mùa nào thức ấy: tháng hai cá anh vũ Việt Trì nướng chả, tháng ba rau cần tươi nấu bát canh với tôm Thanh, tháng tư muối cà quả Nghệ ăn cùng canh trứng cua đồng vắt chanh cốm, tháng năm nhớ nhót, mận, rượu nếp, tháng sáu thèm nhãn Hưng Yên, tháng chín gạo mới, chim ngói, cốm hồng, tháng mười mưa phùn gió bấc có nồi cơm ba giăng ăn với cá mương đầm vạc, tháng mười một, thương về những ngày nhể bọng con rận rồng… Trong những “đặc sản” của Bắc Việt, có những thứ mang đặc trưng của trời đất, của thời gian, của con người đó là cốm hồng, rươi và cà cuống… Nghĩ đến đó thôi, ai mà không quặn lòng, bởi lẽ, những món ăn, những đặc sản ấy gắn với những bữa cơm gia đình đầm ầm, mọi người quây quần bên nhau sau những vất vả lo toan của cuộc sống. Chỉ nghĩ đến đó thôi nước mắt đã trào ra, buồn không để đâu cho hết. Nỗi lòng ấy, Vũ Bằng gửi cả trong Thương nhớ mười hai.
Làm nên vẻ đẹp Hà Nội nói riêng, Bắc Việt nói chung trong thương nhớ mười hai còn phải kể đến các tập tục, lễ hội, lễ tết mà ở đó những nét văn hoá truyền thống được hiện lên đậm nét. Đầu xuân lễ đền Ngọc Sơn, đền Quan Thánh, đền Quan Phước, chùa Dâu, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, chùa Bà Đá, hội chùa Hương, hội Lim, hội chùa Hương, đi liền với đó là hát quan học, hát đúm, hát tuồng… làng nào cũng có hội hè, đình đám, đèn chăng lá kết rợp trời, hương án, quạt cờ la liệt”…
Có thể nói, Thương nhớ mười hai đã đưa người đọc đến với quá khứ và hiện tại, nhập sâu vào tư tưởng và thế giới nội tâm của tác giả để tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn, để tìm về những vẻ đẹp hào hoa, sâu lắng của Hà Nội, của Bắc Việt, để phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ thương. Đó như là “liều thuốc giảm đau” cho mỗi người con xa quê, nhưng đó cũng là “sợi chỉ đỏ” kết nối tâm hồn những người xa xứ, những con dân đất Việt dù ở bất cứ đâu. Để rồi hôm nay, khi tác giả đã rời xa cõi trần 30 năm, nhưng Thương nhớ mười hai vẫn sống, vẫn gắn với không gian, thời gian, cảnh sắc, con người Việt Nam nói chung , người dân Hà Nội, Bắc Việt nói riêng.
Hoàng Tâm
Nhà xuất bản Hà Nội