Cơ chế khoán tài chính - đôi điều suy nghĩ
Cơ chế khoán tài chính, buộc người lao động ngoài thực thi nhiệm vụ, công việc chuyên môn của mình còn phải tự tìm việc để tạo nguồn thu nhập, đảm bảo mức thu nhập được nhận với mức đóng góp cho cơ quan. Mục đích của cơ chế khoán tài chính để mọi người cùng tháo gỡ khó khăn, để cán bộ, biên tập viên, công nhân viên phát huy tính chủ động, sáng tạo, tạo động lực và huy động ở mức cao nhất mọi tiềm năng của các tập thể, cá nhân người lao động trong Nhà xuất bản. Bên cạnh đó còn là gắn thu nhập của người lao động với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của cá nhân, chống bình quân chủ nghĩa trong phân phối thu nhập.
Cũng từ cơ chế khoán, ban lãnh đạo muốn tạo động lực cho người lao động phấn đấu không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn, mà còn thông thạo mọi quy trình và chủ động trong khai thác và thực hiện công việc của mình. Bởi trước đó, cán bộ, biên tập viên, công nhân viên chỉ thông thạo ở giới hạn công việc của mình mà không biết các công việc liên quan. Một biên tập viên chỉ dừng lại ở thạo trong công tác biên tập mà không biết gì về việc in ấn, tính giá, thương thảo hợp đồng…; còn các bộ phận khác chỉ dừng lại ở thực thi nhiệm vụ được giao… Bộ máy hoạt động ở các khâu, công đoạn bị lệ thuộc nhau, không hoạt động được độc lập.
Từ mục đích cùng chung tay tháo gỡ khó khăn và xây dựng cơ quan cũng như khắc phục các hạn chế của người lao động thì việc đưa ra cơ chế khoán tài chính có thể nói là một cách làm đúng. Nhưng trong quá trình áp dụng và triển khai thực tế thì cơ chế khoán tài chính lại bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập mà nguyên do ở cả khách quan lẫn chủ quan.
Hoạt động xuất bản là một ngành đặc thù, sản phẩm cũng mang tính đặc thù, đơn chiếc, không có sản phẩm đồng loạt. Vậy nên, áp dụng cơ chế khoán tài chính với công tác xuất bản như một loại hình sản xuất kinh doanh thông thường là việc không thể áp dụng.
Nhận thấy những bất cập từ cơ chế khoán, năm 2012, sau 5 năm thực hiện, Nhà xuất bản tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện những mặt được và chưa được từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Cuộc tổng kết đã chỉ ra những bất cập như cơ chế khoán được triển khai trong bối cảnh chưa có sự chuẩn bị, còn nóng vội, duy ý chí và mang tính áp đặt hành chính. Tỷ lệ những người chịu khoán thấp (dưới 50%) tạo nên thực trạng khu vực lao động gián tiếp -biên tập viên - nặng nề, cồng kềnh. Hơn thế, người lao động chưa được hướng dẫn, tập huấn về các kỹ năng, kiến thức để nắm rõ quy trình xuất bản, in ấn hay cho đi thực tế nhà in... Do không được trang bị những hiểu biết cần thiết khiến cho người lao động khi gặp đối tác đã không biết cách tư vấn hay tính giá cho một ấn phẩm cụ thể. Giá như thay việc để người lao động tự bươn trải tìm việc thì ban lãnh đạo giao cho cá nhân đi liên hệ với sở, ban ngành - giao đầu mối việc - để người lao động có điều kiện, cơ sở thực thi mang tính chất “học việc” rồi mới chính thức áp dụng.
Do áp lực chỉ tiêu tài chính lớn, lại không có định hướng một cách rõ ràng, cụ thể, người lao động tự mò mẫm tìm việc nên khi thực hiện đã có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh. Nhà xuất bản đã có những mất mát nhất định, có những hiểu lầm, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh... ở trong nội bộ cán bộ, biên tập viên và công nhân viên.
Cũng bởi cách triển khai và áp dụng không có tính bài bản nên hiệu quả mang lại thì ít mà hậu quả để lại thì lớn đó là từ sản xuất tập trung chuyển sang manh mún, nhỏ lẻ, không tạo nên tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, tâm lý người chịu khoán nặng nề. Những người trong diện khoán chỉ mải lo gánh nặng chỉ tiêu khoán nên việc trau dồi chuyên môn bị hạn chế, một nghề chính không được rèn giũa mà biết nhiều nghề cũng dở dang.
Qua những phân tích, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn, cơ chế khoán tiếp tục được áp dụng với những điều chỉnh hợp lý, sát với thực tiễn hơn. Cơ chế khoán hiện tại không áp dụng định mức tài chính mà từ công việc chuyên môn cụ thể, điều đó giảm áp lực tâm lý người lao động, phát huy đúng sở trường ở mỗi cá nhân góp phần xây dựng thương hiệu Nhà xuất bản Hà Nội ngày một vững bền.
Đàm Ly
Nhà xuất bản Hà Nội