Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 26/12/2014 04:50
Khu vực Hồ Tây và những làng nghề trong Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX

Sang đầu thế kỷ XXI, thủ đô Hà Nội có rất nhiều đổi thay với dáng vẻ và tầm vóc mới. Thế nhưng đằng sau sự hiện đại, những phố xá kiểu cách đan xen nhiều phong cách kiến trúc, qua bao thăng trầm dâu bể, Hà Nội vẫn giữ được nét cổ kính, duyên dáng, giản dị của thiên nhiên và con người với bao danh thắng, trầm tích văn hóa… Tái hiện hình ảnh một đô thị mới với đầy đủ các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, địa dư sau khi có sự du nhập của phương Tây, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX là một công trình ý nghĩa, mang tình yêu, nhiệt tình, tâm huyết của tác giả, nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn, dành cho Thủ đô. Và khu vực Hồ Tây với những truyền thuyết, những làng nghề cũng lưu ở đó bao tình cảm, bao luyến nhớ của Nguyễn Văn Uẩn.

 

Nơi có phong cảnh quyến rũ bậc nhất với người Hà Nội là hồ Tây. Trời nước bao la, bóng cây rợp mát, con đường Cổ Ngư đã trở thành con đường tự tình, “hẹn non thề biển” của người Thủ đô. Nhưng theo truyền thuyết xưa, địa điểm hồ Tây là nơi có núi đất, núi đá, có hang động, có rừng già lim và bàng. Đó là một nhánh sông vòng cung, cạnh bờ là đất trũng đã trải qua bao phen lụt lớn, nơi đó càng bị khoét sâu dần thành hồ rộng. Con Trâu Vàng từ Tiên Du lồng đến bờ Nhị Hà quằn quẫy đào đất thành hố sâu, hố to hóa thành hồ nước. Hay con Cáo Trắng yêu tinh đặt sào huyệt trong hang hốc nơi đây, quấy nhiễu sự làm ăn yên ổn của dân lành, phải nhờ đến uy linh của một vị thiên thần, thánh Trấn Vũ dùng phù phép đánh nhau với yêu tinh, đuổi nó đến sào huyệt và phá phách tan tành hang động, chỗ ấy hóa thành một dải hồ lớn mênh mông. Những chuyện đó là sự lý giải thần kỳ cho nguồn gốc, sự ra đời của hồ Tây theo trí tưởng tượng của nhân dân. Mỗi một truyền thuyết của hồ Tây thể hiện một nét tình cảm của người Hà Nội dành cho nơi đây. Cảnh và người, thực mà hư, hư mà thực, nhưng có một điều thật rõ là vùng hồ Tây chính là một mảnh tâm hồn của người chốn Kẻ Chợ, Kinh kỳ xưa và nay.

Không chỉ có nhiều truyền thuyết, danh thắng, Hà Nội còn nổi tiếng với nhều làng nghề, phố nghề. Ca dao có câu: “Khéo tay hay nghề - đất lề Kẻ Chợ”. Và chung quanh hồ Tây cũng có biết bao làng nghề: nghề dệt vải lụa, làm giấy và nghề trồng hoa trồng rau.

Vùng Bưởi cổ truyền có nghề làm giấy:

 Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ

Ca dao viết thật thi vị về nghề giấy nhưng thực sự nghề này rất vất vả, nhọc nhằn. Đàn ông giã vỏ dó từ tinh sương lúc gà gáy đến tận ban trưa khi mặt trời đứng bóng. Đàn bà seo giấy phải đứng suốt ngày bên bể nước, cầm liềm xeo hết tờ giấy này đến tờ giấy khác: “Xeo đêm rồi lại xeo ngày/ Đôi tay tê buốt vì mày giấy ơi”. Còn các cụ già lại tranh thủ từng chút nắng can giấy lên tường phơi. Nhiều làng ở vùng Bưởi có nghề làm giấy như làng Yên Thái, làng Hồ Khẩu… Đặc biệt ở Nghĩa Đô chỉ có họ Lại được độc quyền làm giấy sắc cho triều đình. Tuy nhiên, những năm đầu thế kỷ, trong họ Lại cũng chỉ có mươi mười lăm gia đình làm giấy sắc.

Bên cạnh nghề giấy, vùng Hồ Tây còn có nhiều làng làm nghề dệt lĩnh. Nguyên do nghề dệt lĩnh phát triển là nguyên liệu có sẵn ở các làng Bái Ân, làng Dâu (thôn Vạn Long, xã Nghĩa Đô), nơi phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm kéo tơ. Dệt lĩnh cũng lắm công phu: tơ mùa về quay ra ống để phân loại (tơ mành sợi nhỏ chập lại để làm ngang, tơ mặt sợi to làm dọc, tơ một tơ gốc dùng làm go hoặc dệt vào đồng tấm), quay tơ, mắc cửi rồi mới hồ và dệt (công đoạn đòi hỏi tập trung cao). Lĩnh có nhiều loại. Lĩnh trơn nhồi tía dùng để may váy quần phụ nữ. Lĩnh hoa nhuộm màu dùng để may áo dài, áo kép. Vùng Bưởi nổi tiếng về nghề dệt lĩnh trơn, nhất Trích Sài rồi đến Bái Ân, Võng Thị, Nghĩa Đô.

Vùng hồ Tây còn có nghề trồng hoa, cây cảnh, nổi tiếng là các làng Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá. Xa xưa, làng Yên Phụ không có nghề trồng hoa. Nhờ học được nghề trồng hoa Tây, biết cách mua giống của Pháp, một người làng tên Trưởng Trụ đã đem nghề trồng hoa về làng và nghề phát triển thịnh đạt những năm 1924 - 1925. Làng Nghi Tàm bắt chước bên Yên Phụ cũng trồng hoa bán trong những dịp lễ tết và nhờ đó cuộc sống ngày càng thịnh đạt, hơn hẳn làm nghề tằm tang xưa kia. Còn làng Quảng Bá làm nghề trồng hoa muộn hơn và cũng ít nhà làm nghề hơn.

Một số làng của vùng hồ Tây không theo nghề giấy, nghề dệt, nghề trồng hoa mà nấu rượu, nổi tiếng là thứ rượu sen, thứ hoa sen thơm mát vùng hồ Tây (làng Thụy Chương), đánh cá (làng Quảng Bá), nghề tằm (Nhật Tân)… Làng Yên Phú, một làng nhỏ có độ 70 - 80 gia đình (thuộc Nghĩa Đô) không dệt lụa mà chuyên làm ruộng, nấu kẹo mạch nha và nuôi lợn. Ca dao có câu: “Yên Phú, dẻo kẹo mạch nha, lợn hồng da mượt như là trong tranh”. Kẹo mạch nha Yên Phú đã cung cấp một số lượng đáng kể cho những cửa hàng làm kẹo bánh trong thành Hà Nội, nhất là bánh kẹo hàng Đường.

Nguyễn Văn Uẩn đã viết thật khiêm nhường về công trình của mình: “Bộ sách này là do công sức chung của các bạn gom thành. Tôi chỉ là người chấp bút tái hiện lại những ký ức của các bạn (…)”. Vậy nhưng với một tình cảm sâu nặng, một mối cảm hoài trước những đổi thay từng ngày của vùng đất đế đô, nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn đã có sự khảo cứu công phu, đầy đủ, chính xác về Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, và những trang viết về Khu vực Hồ Tây chính là một phần tiêu biểu, góp phần làm nên cái hay và đẹp của bộ sách.


Nguyễn Dung

Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)