Mùa xuân Hà Nội trong tác phẩm Thương nhớ mười hai
“Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng giêng là tháng bắt đầu mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió, ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”. Đó là đoạn văn mở đầu những trang văn thương nhớ mười hai của Vũ Bằng nhưng cũng là sự giãi bày cho một tình yêu từ sâu thẳm trái tim ông, tình yêu cho mùa xuân Hà Nội, mùa xuân đất Bắc.
Mùa xuân của tôi – Mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân Hà Nội. Mùa xuân của đất trời, của mọi người, nhưng phải khẳng định đó là “mùa xuân của tôi”. Nghe như lời của con trẻ reo vui khi nhận lấy phần quà cho mình. Phải chăng Vũ Bằng cũng đang muốn nói đến mùa xuân của lòng mình trong nỗi nhớ da diết về quê hương. Trong nỗi nhớ đó, tác giả đã cảm nhận được những nét đặc trưng về thời tiết, khí hậu của mùa xuân Hà Nội, mùa xuân miền Bắc. Đó là “mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng”. Chính vào những thời khắc ấy, “khoác một cái áo lông, ngậm một điếu thuốc, mở cửa đi ra ngoài” hoà vào không khí của mùa xuân mới “cảm” và “say” hết được “cái thú giang hồ êm ái như nhung” mà “không cần uống rượu mạnh cũng nghe như lòng mình say sưa một cái gì đó”. Chợt nhận ra cái say sưa ấy “có lẽ là sự sống”. Trong niềm giao cảm của đất trời mùa xuân, Vũ Bằng đã đưa bạn đọc đến với những thú vui tao nhã của người dân Hà thành để cảm nhận được cái tiết trời “gió lạnh riêu riêu ấy” đó là “có thể đạp cỏ trên Hồ Gươm, đợi đến sâm sẩm tối ra ngồi Thuỷ Tạ nhìn các cô gái đẹp như tiên sa mặc áo nhung, áo len trăm màu ngàn sắc, in bóng hình xuống đáy nước lung linh”; hay “có thể vào một nhà hát thưởng vài khẩu trống, mở quả mứt phong bao cho các chị em, rồi uống với mỗi em một ly rượu lấy may; và có “thể đi vào một ngôi chùa khói nhang nghi ngút…”.
Trong nỗi nhớ mùa xuân ấy, Vũ Bằng còn nhớ da diết cái không khí gia đình đầm ấm với “nhang trầm, đèn nến và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ thánh, bàn thờ tổ tiên làm cho lòng anh ấm lạ lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan”. Tết chính là giá trị văn hoá cổ truyền đẹp nhất, nhân văn nhất của dân tộc Việt Nam, là thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới, là thời điểm để gia đình, người thân dù đi đâu, ở đâu cũng nghĩ về nhau, nghĩ về cội nguồn của mình. Vì lẽ đó, người con xa xứ như Vũ Bằng tết luôn là thời khắc nhớ nhất. Đặc biệt là nhớ đến mùa xuân đất Bắc thân yêu.
Mùa xuân Hà Nội, mùa xuân Bắc Việt mang lại sức sống kỳ diệu cho thiên nhiên và con người, làm say lòng người con xa xứ, làm trẻ lại tâm hồn người sầu cảm. Mùa xuân đẹp, nhưng yêu nhất là “vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng, tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng nhưng trái lại nức một mùi hương man mác”. Vào khoảng thời gian đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ”. Vào “cữ” đó, mùa xuân đăng căng tràn nhựa sống, nhìn ở đâu cũng thấy đẹp, thấy yêu “nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy một niềm vui rạo rực, sáng sủa. Trên giàn hoa lý, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột”. Có lẽ nỗi nhớ da diết đã làm nên mạch sống hồi sinh trong con người Vũ Bằng để hoá thân thành cỏ cây để được tắm mình trong mùa xuân, để “nhựa sống trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai”. Và chắc chắn chỉ có Vũ Bằng mới cảm nhận được cái đẹp của mùa xuân sau ngày rằm tháng giêng. Đó là khi “thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng”. Vũ Bằng đã tìm ra cái đẹp trong những điều bình thường của cuộc sống, từ trong những bữa cơm gia đình không cao lương mĩ vị nhưng đậm đà hương vị cuộc sống. Đặc biệt hơn nữa khi ông thấy vẻ đẹp mùa xuân sau ngày rằm như vẻ đẹp tâm hồn, cái duyên thầm của người con gái “đẹp không phải vì quần áo, vì son phấn mà chính vì cái chất đẹp ở trong người tiết ra”. Đó mới là cái đẹp “thành thực, hồn nhiên mộc mạc” nhất. Đẹp như thế mới gọi là đẹp, yêu như thế mới gọi là yêu.
Có thể nói, tình yêu quê hương, đất nước luôn là tình cảm thiêng liêng cao quý trong mỗi con người, nhưng yêu để viết, để cảm nhận được những tinh hoa của đất trời, những đặc trưng của vùng đất quê hương không phải ai cũng làm được. Đối với Vũ Bằng, có lẽ tình yêu, nỗi nhớ đã vượt qua giới hạn của tình yêu thương thông thường, nó luôn thường trực và hoá thành những suối nguồn cảm xúc trong Thương nhớ mười hai.
Hoàng Minh
Nhà xuất bản Hà Nội