Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 27/01/2015 11:58
Dòng sông thêu sóng đỏ trên áo dài Hà Nội

Xin được mượn ý của nhà thơ Hy Lạp Luđêmít trong bài thơ ông tặng Hà Nội cách đây mấy thập kỷ làm tựa đề cho bài viết về dòng sông Hồng - dòng sông được cố nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn dành nhiều bút lực khi phác họa về Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX. Quả thật nếu Hà Nội là một tà áo dài duyên dáng thì dòng Nhĩ Hà chính là sợi chỉ từ bao đời thêu dệt sóng thắm lên tà áo ấy. Nhĩ Hà đâu chỉ là dòng sông của thiên nhiên mà đó là dòng sông Mẹ góp phần tạo tác nên cảnh sắc đất này. Tìm hiểu về sông Hồng, Nguyễn Văn Uẩn đã có sự khảo sát công phu, bao quát đầy đủ các phương diện: địa lý tự nhiên, vị trí chính trị - quân sự, kinh tế… của dòng sông này.

 
Kinh đô Rồng từ thuở thành hình đã được tô điểm bởi biết bao cảnh sắc mỹ lệ. Hà Nội ngày nay tự hào về cảnh thiên nhiên của hồ Tây và những nét mỹ miều của hồ Gươm, về nét thanh tú của hồ Thủ Lệ, về vẻ đẹp đa dạng của hồ Bảy Mẫu, cũng như dòng sông Tô, sông Kim Ngưu cũng từng là thắng cảnh của Thăng Long khi chúng còn là dòng sông rộng trên bến dưới thuyền. Mấy ai đã tường tận rằng những hồ, những sông đó đều là sản phẩm của sông Hồng.
 
Sông Hồng chảy qua khu vực trước kia là thành Tống Bình - Đại La - Thăng Long, và nay là Hà Nội - đã nhiều lần đổi dòng. Có thể là cách nay vài nghìn năm, hồ Tây chỉ là một khúc uốn của sông Hồng, sau một trận lụt lớn, chỗ uốn khúc bị cát lấp hai đầu, sông chảy theo dòng khác và chỗ uốn khúc thành hồ lớn. Hồ Gươm - di tích còn sót lại của hồ Thủy Quân trong chuỗi hồ Tả Vọng - Hữu Vọng - trước kia là những lạch nước cạnh đê sông Hồng, rồi cát bồi đẩy lòng sông ra quá xa về phía đông, lại thêm có đê mới đắp bao quanh, lạch nước cũ đã thành hồ. Hệ thống hồ ở phía nam thành Thăng Long - hồ Văn Chương, Trung Phụng, Bảy Mẫu, Thanh Nhàn - cũng do cùng một nguồn gốc đó. Những không gian mây nước cây cỏ tô điểm cho thành phố Hà Nội đều là sản phẩm của sông Hồng. Dòng sông thật có công trong việc làm đẹp cho đất Thăng Long.
 
Phát nguyên từ Ngụy Sơn, một ngọn núi ở phía hồ Đại Lý thuộc tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, trên một độ cao 2.500m, chảy theo hướng tây bắc - đông nam, sông Hồng chảy phía trên Bát Xát thì thành con đường biên giới chung giữa hai nước Việt - Trung, đến thị xã Lao Cai, chỗ hợp lưu với sông Nậm Thi thì sông Hồng đi hẳn vào đất Việt Nam ở độ cao 73m. Suốt dọc dài hành trình của mình, con sông đã đóng một vị trí quan trọng trong quân sự và kinh tế của Thăng Long - Hà Nội, góp phần tạo nên cảnh tượng phố phường sầm uất trải qua hàng chục thế kỷ, không có một thành phố nào ở trong nước có thể cạnh tranh được với nó, tuy bao phen đã có những bước thăng trầm lịch sử, đắp đổi phong ba, bồi, lở....
 
Về phòng thủ đất nước nói chung và Hà Nội ngày xưa nói riêng, do đặc thù địa hình, sông Hồng luôn luôn là con hào thiên nhiên phòng thủ cho Hà Nội. Lịch sử còn ghi dấu chiến công của nghĩa quân Lam Sơn tấn công bao vây thành Đông Quan, đại bản doanh của Lê Lợi - Nguyễn Trãi đóng ở bến Bồ Đề; quân của Trịnh Tùng (1492) và quân của Nguyễn Huệ (1786) từ Nam ra Bắc hạ thành Thăng Long đã ngược sông Hồng, từ phía đông nam tiến đánh vào thành. Đến thời kỳ cận đại (thế kỷ XIX), trước nguy cơ xâm lược của bọn thực dân Pháp, chúng có tàu đồng súng lớn, con sông Hồng là đường hành quân duy nhất và thuận lợi của chúng để hạ thành Hà Nội. Ta không giữ được thành nên phải cắt cho Pháp một phần đất Hà Nội làm nhượng địa.
 
Sông Hồng vốn là đường giao thông thủy quan trọng, là một con sông lớn nhất ở miền Bắc, thêm địa hình miền Việt Bắc xòe hình nan quạt, những đường giao thông đã theo thung lũng các con sông chảy từ bắc xuống nam hướng về đồng bằng, qua điểm trung tâm, đầu mối giao thông thủy bộ, là Hà Nội. Thuyền chở hành khách đi lại, vận chuyển nguyên liệu lương thực cho Hà Nội, hàng tiêu dùng sản xuất ở Hà Nội về địa phương, chức năng về kinh tế của sông Hồng thật quan trọng. Không chỉ thế, hàng vạn người Hà Nội sống ở trên bãi dọc sông đã sinh sống về nghề trồng màu ngô khoai, trồng dâu tằm và có cả cấy lúa; gần sông nước họ còn sinh sống về chài lưới, nghề vớt củi trôi mùa nước lũ, khai thác cát ven sông. Và cũng phải nói rằng, cả một nền văn hóa rực rỡ của ta cũng nhận phần đóng góp của sinh lực kinh tế của Hà Nội, trong đó có nguồn lợ từ dòng sông Hồng lịch sử.
 
Nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn đã gọi sông Hồng là “dòng nước mẹ” bởi con sông không chỉ làm nên cảnh sắc trong mát, làm nên bãi bồi phù sa mà còn dự một phần quan trọng vào lịch sử hình thành và phát triển ngàn năm của kinh thành Thăng Long xưa, thủ đô Hà Nội nay. Và bởi thế đây chính là dòng sông thiêng của mảnh đất thượng đô này.
 
Nhà thơ Cao Bá Quát, trong một buổi chiều tà ngắm nhìn dòng sông Nhĩ Hà, cảm khái trước cảnh sông nước đã thốt lên rằng:
 
Bức thành xây trên bụng rồng thời hùng tráng
Dòng sông cuộn theo đất đỏ, thành làn sóng hoa đào
 
Câu thơ của bậc thánh thi vừa nói được vẻ đẹp của dòng sông mà cũng toát lên được khí chất bao đời của Thăng Long - Hà Nội: vừa hào hùng vừa hào hoa, vừa hùng tráng vừa thơ ca mĩ lệ!
 
 
Trà Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)