Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 28/01/2015 03:35
Di sản văn hoá vật thể Thăng Long – Hà Nội: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản – Lý luận và thực tiễn

Trải qua nghìn năm lịch sử, Thăng Long – Hà Nội hôm nay đã có một kho tàng vật thể giàu có, đa dạng chứa đựng những thông điệp quý giá mà các thế hệ tiền nhân gửi lại cho thế hệ hôm nay. Giá trị của các di sản cũng như vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của nó là những vấn đề lớn, bức xúc cần phải giải quyết một cách khoa học. Cuốn sách “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể Thăng Long – Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Chí Bền chủ biên đã làm rõ những giá trị và kinh nghiệm bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hoá - cách mạng tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị di tích lịch sử - văn hoá - cách mạng tiêu biểu phục vụ phát triển Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

 
Với vị thế địa - chính trị, địa - văn hoá của Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm lịch sử, vùng đất này đã khiến các thế hệ tiền nhân xây dựng, sáng tạo để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những di sản văn hoá vật thể vô giá. Hệ thống di tích lịch sử - văn hoá - cách mạng, các kiến trúc cổ và mới, các danh lam thắng cảnh đa dạng, phong phú giàu giá trị của mảnh đất nghìn năm văn hiến này hiện nay đang trong tình trạng xuống cấp, thậm chí có những di tích đã trở thành phế tích. Tuy đã có nhiều di tích trong số đó dù được phục chế, tái tạo nhưng hầu như tất cả đều không được bảo đảm tính nguyên gốc trong quá trình tôn tạo. Sự chồng lớp, đan xen của nhiều mốc thời gian, sự biến mất của những bộ phận, cấu kiện, thậm chí cả di tích gốc là điều thường gặp. Vậy, bảo tồn căn cứ vào mốc thời gian nào?, phục dựng cấu kiện nào?,… là những câu hỏi lớn khi tiến hành bảo tồn di sản văn hoá.
 
Di sản văn hoá vật thể Thăng Long - Hà Nội cần phải được bảo tồn và hoạt động bảo tồn di sản/ di tích cần được nhìn nhận trên những nội dung:
 
- Nghiên cứu để hiểu biết sâu sắc về di tích lịch sử văn hoá, tìm hiểu phát hiện, đánh giá giá trị tiêu biểu của di tích.
 
- Những hoạt động nhằm đảm bảo an toàn về vật chất, có thể hiểu đó là những giải pháp kỹ thuật tác động vào các cấu kiện vật chất làm cho các yếu tố nguyên gốc của di tích tồn tại lâu dài với thời gian và trong không gian. Tuy nhiên khi di tích ở trong tình trạng đặc biệt có thể khôi phục lại.
 
- Tìm ra các phương thức khai thác giá trị của di tích và tạo điều kiện cho rộng rãi công chúng được tiếp cận, hưởng thụ các giá trị văn hoá tiêu biểu của di tích góp phần phát triển đời sống kinh tế, văn hoá xã hội.
 
Với những nội dung trên, để thực hiện tốt mục tiêu gìn giữ di tích lâu dài, phục vụ khai thác giá trị của di tích cần phải thực hiện một số giải pháp đồng bộ:
 
- Cần có các văn bản pháp lý của Nhà nước (cụ thể như Luật Di sản Văn hoá và các văn bản dưới luật) phải được đưa vào thực tiễn cuộc sống để cán bộ và mọi người dân hiểu biết và thực hiện nghiêm túc các văn bản đó.
 
- Nhà nước cần thiết lập các tổ chức, các thiết chế văn hoá và trao quyền cho các tổ chức, các thiết chế đó quản lý các di tích lịch sử văn hoá.
 
- Tổ chức nghiên cứu khoa học, đánh giá khách quan giá trị của di tích để thực hiện tư liệu hoá các loại hình di tích, xuất bản thành sách giới thiệu về một hoặc nhiều di tích. Xây dựng những bộ hồ sơ khoa học cho từng di tích và có chế độ bảo quản và phổ biến hồ sơ một cách hợp lý, rộng rãi, lâu dài có hiệu quả cao.
 
- Thường xuyên theo dõi, khảo sát nghiên cứu thực trạng và tình trạng kỹ thuật ở các di tích để kịp thời đưa ra các giải pháp kỹ thuật hợp lý, chống xuống cấp, tu bổ, phải giữ gìn tối đa yếu tố nguyên gốc cho di tích.
 
- Thực hiện tốt việc tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hai mục tiêu chính: Một là tăng cường sự nhận biết sâu sắc về giá trị của di sản văn hoá và có ý thức cao trong việc bảo vệ di tích lịch sử văn hoá. Hiến chương Athens (1931) về bảo tồn và trùng tu di tích cũng đã khẳng định rằng: sự đảm bảo hữu hiệu nhất cho các vấn đề bảo tồn di tích lịch sử và công trình nghệ thuật phải là xuất phát từ lòng tôn trọng và gắn bó của chính bản thân công chúng đối với di tích. Hai là công chúng sẽ có ý thức đóng góp tài chính để góp phần tu bổ tôn tạo di tích.
 
- Cần có kế hoạch lâu dài trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di tích.
 
Thăng Long xưa, Hà Nội nay là nơi tập trung nhiều di sản văn hoá vật thể với đầy đủ các loại hình di tích (loại hình di tích khảo cổ, loại hình di tích lịch sử - văn hoá, và loại hình di tích danh lam thắng cảnh). Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể tiêu biểu của thủ đô Hà Nội chính là làm cho các di sản văn hoá ấy đồng hành cùng con người hôm nay bước vào tương lai. Có thể thấy, trong những năm qua, công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hoá vật thể Thăng Long – Hà Nội đã có được những thành tựu nhưng không phải không còn những hạn chế, thiếu sót cần được khắc phục. Thực tế cho thấy là tư duy của chúng ta chưa bắt kịp tư duy của thời đại, của quốc tế về giá trị của di sản văn hoá, về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá, và cũng do chúng ta thưa thấy được rằng những di sản văn hoá vật thể ấy chứa đựng một tiềm năng to lớn cho chúng ta phát triển bền vững, chí ít là với sự phát triển của ngành du lịch. Bởi vậy, những nghiên cứu trong cuốn sách “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể Thăng Long - Hà Nội” do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010 thuộc Chương trình khoa học cấp nhà nước KX.09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hoá, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” là cơ sở lý luận và thực tiễn để các nhà khoa học có những khuyến nghị về giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hoá vật thể của Thăng Long - Hà Nội.
 
 
Trần Quang
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)