Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 28/01/2015 03:38
Thăng Long – Hà Nội với vấn đề quản lý di sản văn hoá vật thể

Quản lý văn hoá là một khoa học, nhưng ở mỗi vùng, mỗi khu vực công tác này lại có những đặc thù riêng. Kho tàng di sản văn hoá vật thể Thăng Long – Hà Nội gắn bó chặt chẽ với quá trình hình thành phát triển của Thăng Long – Hà Nội, với tư cách là một thành thị, rồi một đô thị, trải qua 1000 năm lịch sử với tư cách là một kinh đô, di sản văn hoá vật thể Thăng Long – Hà Nội trong hiện tại và tương lai đang đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý di sản văn hoá của một đô thị là thủ đô của một quốc gia.

 
Hiện nay, ở Hà Nội việc phát triển đô thị một cách tự phát những năm qua đã phá vỡ dần cấu trúc đô thị của thủ đô. Cái văn hoá cơi nới đã được thể hiện qua những ngôi nhà siêu mỏng, những hẻm siêu hẹp, những ngõ ngách nhếch nhác, những khu dân cư tự phát đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm quan môi trường và di sản văn hoá. Hàng trăm di tích lịch sử bị người dân xâm lấn để làm nhà ở, như ở chùa Quang Minh (hiện nay thuộc số nhà 13, phố 224, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội). Có thể thấy trước kia chùa có vườn rộng, sân lớn lại còn có cả giả sơn mang hình ảnh núi Tuyết Lĩnh phật tu, nhưng hiện nay sân vườn chỉ còn trong ký ức. Gian tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu đều bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm hết, nhìn từ xa chỉ còn thấy một phần nóc chùa và một đầu cột hành mã. Ngay cả cửa Tam quan cũng bị trưng dụng làm nhà ở và lối đi. Cửa Thánh Hiền bị một ngôi nhà 2 tầng xây bịt lại. Mảnh sân nối tam bảo xuống nhà Mẫu chỉ còn rộng chưa được 1 mét. Thượng toạ Thích Thanh Hy, trụ trì chùa bùi ngùi cho biết: “Nhà Tổ, nhà Mẫu được thế này là tốt lắm rồi, trước kia dân họ ở vào tận bệ thờ kia, chúng tôi phải bỏ tiền ra mua lại đấy”. Hơn nữa, phần Hậu cung cũng bị dân xây đè lên làm nơi sinh sống… Với hiện trạng hiện nay, nhiều di tích đã bị xoá sổ bởi chính nhu cầu đô thị trong quá trình phát triển, với một diện tích quá chật hẹp gần như không còn đảm bảo về cảnh quan và chất lượng của công trình và bị xuống cấp trầm trọng như khu ấp Hoàng Cao Khải (còn gọi là ấp Thái Hà) được xây dựng vào năm 1893, gồm 14 công trình kiến trúc lăng mộ, đình chùa… nằm rải rác trên tổng diện tích 17ha ở phía tây gò Đống Đa, cách đường Tây Sơn (Hà Nội) 200 mét. Theo tài liệu nghiên cứu của nhà khoa học người Pháp Philippe Papin, phía trước lăng mộ Hoàng Cao Khải hồi đầu thế kỷ XX có hai dãy tượng gồm 8 chiến binh cao 1,3 mét cầm gươm đứng gác. Thế nhưng hiện nay số tượng này chỉ còn lại 3 vị và cả 3 đều mất… phần chân do người dân đã tôn nền xi măng trùm lên cả chân tượng! Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải đã bị biến thành trụ sở tuần tra cụm dân cư số 9 của UBND phường Trung Liệt… Trên đây là vài nét khái quát về hiện trạng của một số di tích văn hoá vật thể tại Hà Nội đã bị người dân lấn chiếm và thậm chí hiện nay một số đã bị xoá sổ hoàn toàn như khu miếu Trung Liệt.
 
Với những gì mà mặt trái của cuộc sống đô thị đem lại cho các di tích, danh thắng tại Thủ đô đã làm hỗn loạn cấu trúc văn hoá truyền thống của không gian đô thị. Chính bản thân các khu phố cổ được quan tâm bảo tồn nguyên trạng cũng ngày càng lộn xộn, chen chúc với mật độ dân số dày đặc. Hơn nữa, việc chỉ chăm chăm vào gìn giữ các ngôi nhà, phố cổ mà ít quan tâm đến chiều sâu văn hoá tiềm ẩn bên trong từng không gian phổ cổ (Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, các nhà in đầu tiên của Hà Nội, phố Hàng Đàn – nơi làm ra những cây đàn tranh…) đang từng ngày từng giờ làm cho hồn cách của Hà Nội cổ kính trong ký ức ngàn năm dần bị phai nhạt đi và có khi nguy cơ bị biến chất, tiêu vong là điều sẽ sớm xảy ra nếu không có biện pháp khắc phục ngay. Là Thủ đô nên Hà Nội là nơi làm việc của tất cả các cơ quan đầu não về chính trị, hành chính quốc gia. Đây cũng là nơi tập trung trụ sở của các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của nước ngoài. Những chủ trương, đường lối của Đảng, những hiệp định quốc tế của Chính phủ, những hiệp ước quốc tế do Quốc hội phê chuẩn đều được hình thành tại Thủ đô. Vị thế của Hà Nội còn thể hiện ở chỗ là tấm gương phản chiếu về ổn định chính trị, về phát triển văn hoá, kinh tế của Việt Nam và là biểu tượng về con người và văn hoá Việt Nam trong quá khứ và hiện tại trong con mắt người nước ngoài. Đó là những yếu tố thuận lợi về vị thế của Hà Nội mà không địa phương nào có được. Bởi vậy, quản lý di sản vật thể ở đô thị, nhất là ở Thủ đô lại khó khăn và đặt ra nhiều vấn đề so với quản lý di sản văn hoá vật thể ở những vùng không là đô thị, hoặc không là đô thị giữ vai trò Thủ đô như Hà Nội.
 
Quá trình đô thị hoá là một tất yếu lịch sử, đô thị hoá đặt ra nhiều bài toán về không gian, đất đai, dân cư… sẽ tác động mạnh mẽ tới di sản văn hoá vật thể. Với một đô thị như Hà Nội, vùng đất Thăng Long với nghìn năm lịch sử dày đặc di sản văn hoá vật thể thì bên cạnh việc đẩy mạnh quá trình đô thị hoá, bảo tồn, giữ gìn, bảo vệ di sản văn hoá vật thể ở đây là một thách thức lớn, và đặc biệt công tác quản lý di sản văn hoá vật thể hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Và để bảo tồn và phát huy, giữ gìn di sản văn hoá vật thể cha ông để lại thì công tác quản lý di sản văn hoá cần được quan tâm và thực hiện chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương của Thủ đô.
 
 
Quang Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)