Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 29/01/2015 04:57
Những tập tục đậm tính nhân văn của người Thăng Long – Hà Nội

Di sản văn hoá phi vật thể Thăng Long – Hà Nội bao gồm nhiều loại hình: văn học dân gian, di sản Hán Nôm, nghệ thuật biểu diễn, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, văn hoá ẩm thực… trong đó có nhiều tục lệ cổ mà người Thăng Long – Hà Nội gìn giữ chứa đựng đầy tính nhân văn. Trong nội dung bài viết chỉ xin nhấn mạnh vào hai tục lệ liên quan tới những người đã khuất và người già. Đó là những đối tượng mà khả năng đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng và gia đình ngày càng giảm hoặc hoàn toàn không còn giá trị đóng góp thực tế nữa, thậm chí người già có khi còn là gánh nặng cho con cháu. Tuy nhiên với người Việt Nam, người già không bị “bỏ rơi” hoặc bị hắt hủi. Trái lại, tuổi càng cao họ càng được con cháu và cộng đồng chăm sóc, càng được hưởng những ưu đãi của cộng đồng cũng như của Nhà nước và càng được tôn quý.

 
Bia Yến lão ở Từ Chỉ Hà Nội có ghi như sau:
 
“Mảng nghe:
Ba điều mà thiên hạ thường suy tôn, “tuổi” kể là một,
Năm điều hoàng trù ban phúc, “thọ” đứng hàng đầu.
Tuổi tác được tôn quý đã từ lâu vậy.
Kính trọng người lớn tuổi, ai cũng đồng lòng.
Lấy tuổi tác định dưới trên, nghi lễ từ xưa sẵn có.
 
Kính trọng và chăm sóc người cao tổi là một nếp sống luôn được gìn giữ, kế tục và bộc lộ bằng những hành động thiết thực, cụ thể trong đời sống. Nó cũng được bộc lộ qua những bài đồng dao mang tính giáo dục sâu sắc cho các thế hệ trẻ ngay từ thuở niên thiếu:
 
“Bà còng đi chợ đường xa,
Cái tôm cái tép nó đưa bà còng…”
 
Sinh thời, Bác Hồ khi nhắc nhở giới phụ lão về vai trò của họ trong cuộc sống: “Lão lai mà không tận” đồng thời cũng thể hiện sự đánh giá vai trò của người già trong xã hội và thái độ trọng thị của vị đứng đầu Nhà nước. Mặc dù bận nhiều việc nhưng Hồ Chủ tịch vẫn luôn dành cho phụ lão những tình cảm đặc biệt. Cứ mỗi khi nhận được tin tức về chiến công hay những việc làm có ý nghĩa của các cụ phụ lão trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Hồ Chủ tịch đều kịp thời có thư động viên, thăm hỏi. Từ đánh giá đúng đắn tiền năng và vai trò của người cao tuổi, Bác Hồ khẳng định: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”. Bác đã dành tình cảm quý mến, kính trọng người cao tuổi và nhắc nhở mọi người: “Với cụ già phải cung kính”. Trong Đảng, Bác cũng xác định: “Các đồng chí già là rất quý, các cụ là tấm gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ”…
 
Bởi vậy, kính trọng và chăm lo cho người cao tuổi chính là sự phản ánh của tính nhân văn trong nếp sống của người Thăng Long – Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung, một nếp sống đã trở thành truyền thống được tiếp nối không ngừng.
 
Trong đời sống tâm linh, đối với vong hồn người đã khuất, người Việt Nam nói chung, người Thăng Long – Hà Nội nói riêng cũng luôn quan tâm, chăm sóc thông qua việc cúng lễ. Phong tục tín ngưỡng của người Việt, thờ cúng tổ tiên và những người đã khuất trong gia đình là thể hiện đạo hiếu, tưởng nhớ của con cháu đối với ông bà tổ tiên, không chỉ đối với tổ tiên dòng họ mà họ còn cúng cho các chiến sĩ tử trận, các liệt sĩ đã hy sinh vì dân vì nước theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mà họ còn cúng cho những cô hồn không nơi nương tựa, không người chăm lo hương khói và thậm chí họ còn cúng cả cho những kẻ xâm lăng bị tử trận trên đất nước mình. Có thể thấy, trong lễ hội Gò Đống Đa tưởng niệm chiến công của vị anh hùng áo vải và các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến lừng lẫy thì người Thăng Long – Hà Nội còn cầu cúng cho cô hồn của những kẻ bại trận. Việc làm này một phần là để các cô hồn khỏi quấy nhiễu, nhưng điều chính yếu là xuất phát từ lòng vị tha của con người Việt Nam. Lối sống thêm bạn bớt thù, kiên quyết và phân biệt rõ thù - bạn trong chiến đấu, nhưng người Việt Nam cũng bao dung và tha thứ, bỏ qua quá khứ hận thù với kẻ địch khi không còn ở hai chiến tuyến. Đây là một lối sống tốt đẹp trở thành truyền thống ăn sâu vào văn hoá sinh sống của người Việt mà chúng ta vẫn còn được chứng kiến trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
 
Với lối sông bắt nguồn từ tính nhân văn thấm đẫm trong con người Việt Nam từ bao đời nay thể hiện sâu sắc trong tục cầu hôn, cúng vong trong những dịp Xá tội vong nhân, trong ngày tất niên, trong hành động xây đền, miếu cúng các cô hồn hoặc để thờ những con người giàu lòng nhân ái ngay trên đất Hà thành. Đền Am xưa (nay là số nhà 15 Hàng Bún) – nơi thờ bách linh - những người chết vô thừa nhận, đền Phúc Hậu trên phố Hàng Bông – cái tên mà dân phố tặng cho ông tổ nghề tráng gương thời Trần giàu lòng yêu thương trẻ và luôn giúp người tìm trẻ lạc là những ví dụ minh chứng cho tập tục, lối sống nhân ái, nghĩa tình thể hiện tính nhân văn của người Thăng Long – Hà Nội. Lối sống giàu tình nhân ái ấy là cội nguồn cho sự ra đời những câu ca dao tục ngữ đậm tính nhân văn mà người Hà Nội còn lưu truyền tới tận ngày nay:
 
“Thương người như thể thương thân”
“Lá lành đùm lá rách”
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…
 
Minh Thy
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)