Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 29/01/2015 05:09
Giá trị lịch sử văn hoá Đông Sơn chứng nhân cho những sáng tạo bản địa từ thời cổ xưa

Kể từ khi mảnh đất mang tên Thăng Long chính thức đi vào lịch sử với sự dời đô của nhà Lý cho tới nay, Thăng Long – Hà Nội đã có bề dày tròn 1000 năm. Với thăng trầm của ngàn năm lịch sử, nơi đây đã tích tụ một kho tàng văn hoá vật thể và phi vật thể chứa trong đó nhiều yếu tố văn hoá được kế thừa của những thời kỳ trước đó - thời kỳ Tiền Thăng Long. Là trung tâm kinh tế - văn hoá lớn nhất nước với bề dày lịch sử lâu dời nhất nước nên đây là nơi tập trung nhiều nhất những tinh hoa văn hoá nói chung, văn hoá phi vật thể nói riêng của dân tộc trong suốt chiều dài phát triển cho tới ngày nay, vì thế đây là một kho báu chứa đựng nhiều báu vật tinh thần của dân tộc.

 
Theo nhiều công trình nghiên cứu, có nhà nghiên cứu đã từng nói đến sự biến đổi của nền văn hoá Việt ở những giai đoạn đầu trong lịch sử dân tộc: sau thời Bắc thuộc, nền văn hoá cổ đại mà tổ tiên ta đã xây dựng nên dưới thời các vua Hùng đã chịu nhiều thay đổi dưới những ảnh hưởng của các nền văn minh Trung, Ấn, tuy nhiên những mảnh vụn của nền văn minh Đông Sơn cổ đại vẫn không mất mà vẫn tiếp tục được bảo lưu trong đời sống văn hoá tinh thần của các cư dân trên đất nước ta. Thực tế cho thấy rằng, những mảnh vụn ấy không những được tìm thấy rải rác trong đời sống văn hoá tinh thần của các cư dân trên đất nước ta mà không phải tìm đâu xa, chúng có mặt ngay trên mảnh đất Thăng Long – Hà Nội.
 
Thực vậy, người Việt nói chung và người Thăng Long – Hà Nội nói riêng đã gìn giữ cho tới tận ngày nay một số trong những mảnh vụn của nền văn minh Đông Sơn cổ đại. Đó là những hiện tượng văn hoá, những sinh hoạt âm nhạc và nhạc khí hiện còn được lưu giữ tại Hà Nội có mối liên quan với các di vật hoặc hình ảnh để lại trên các di vật của văn hoá Đông Sơn:
 
+ Những đền, miếu gắn với tục thờ thần Đồng Cổ (thần Trống đồng) trên đất Thăng Long cùng hội thề Thăng Long tại đền Đồng Cổ đã được ghi trong quốc sử.
 
+ Việc sử dụng tù và sừng trâu trong các đám rước - nhạc khí đã từng được sử dụng với chức năng tương tự trong hình mô tả đoàn người hoá trang vũ trang trên trống đồng thời Đông Sơn.
 
+ Việc sử dụng sênh phách hai lá ở trẻ hát rong - dạng gần nhất với nguyên bản của loại phách hai lá đã được mô tả trên trống đồng thời Đông Sơn.
 
+ Việc sử dụng sênh tiền - một biến thái cải tiến của sênh phách hai lá trong đoàn người múa hát vũ trang thời Đông Sơn – trong ngày hội của cộng đồng.
 
+ Việc sử dụng những trống lớn hai mặt, tang phình, đặt nằm ngang trên giá và diễn tấu bằng cách đứng gõ vào một mặt trống trong những cuộc tế lễ linh thiêng và long trọng.
 
Hiện tượng đầu tiên được nhắc tới trong số trên cho thấy vị trí của trống đồng trong tâm thức của người Thăng Long nói riêng, người Việt nói chung: đó là một vật thiêng gắn liền với sự tồn vong của quốc gia Đại Việt. Để có được một vị trí như vậy trong đời sống tâm linh của người Việt và sự trọng vọng của những triều đại phong kiến trên đất Thăng Long, trống đồng phải có mặt trên đất này từ lâu đời và hẳn đã từng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Việt.
 
Và trên thực tế, nếu quả miếu Đồng Cổ “đã có từ đầu công nguyên (thời Hai Bà Trưng)” như lời tương truyền mà nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Long đã dẫn trong cuốn Đình và đền Hà Nội, Nxb văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.151, thì trống đồng và vị thần trú ngụ trong đó theo quan niệm dân gian, đã có mặt trên đất này từ trước công nguyên, thậm chí từ rất xa xưa. Với rất nhiều trống đồng cổ có gắn tượng cóc - loại đã được tôn làm “cậu ông trời” cùng với câu chuyện cổ tích và câu ca dao vẫn được người Việt truyền tụng từ bao đời nay, ở cái thời xa xưa đó hẳn trống đồng đã được sử dụng như một vật thiêng để cầu mưa. Còn khi giặc đến hoặc khi có binh biến, thần trống đồng sẽ luôn hiển hiện để phù trợ cho việc bảo vệ đất nước, giữ yên sơn hà. Những truyền thuyết về việc báo mộng của thần Đồng Cổ ở thời Lý phải chăng chỉ là sự huyền thoại hoá vai trò của trống đồng trong các cuộc chiến bảo vệ đất nước và giữ yên xã tắc nhằm mục đích nhấn mạnh, củng cố và “thời sự hoá” tính thiêng của trống đồng mà cội nguồn của tính thiêng đó chính là hiện thực lịch sử và vai trò của báu vật này trong những buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bài thơ của Trần Cương Trung sau khi đi sứ ở nước ta vào thời Trần là chứng thực cho sự tiếp nối tập quán sử dụng trống đồng trong quận sự của người Việt…
 
Chính đó là lý do, trải qua hàng ngàn năm, trống đồng luôn được tôn thờ, được coi là biểu tượng của khí thiêng đất Việt, của sự cố kết cộng đồng và gắn liền với cội nguồn dân tộc. Cư dân Thăng Long – Hà Nội nói riêng, nhiều thành phần cư dân trong cộng đồng Việt Nam nói chung, chính là hậu duệ của những chủ nhân văn hoá Đông Sơn và những trống đồng nổi tiếng thế giới. Vì họ vẫn tiếp nối những sinh hoạt văn hoá – âm nhạc và vẫn sử dụng một số nhạc khí mà tổ tiên họ đã sáng tạo và để lại hình ảnh trên những di vật khảo cổ từng có mặt trên đất nước Việt Nam từ cách đây trên dưới 2.500 năm. Vậy nên, những trống đồng tìm được ở Việt Nam chính là một sản phảm gắn liền với nền văn hoá Việt, là sản phẩm bản địa của người Việt đồng thời là đại diện cho nền văn hoá cổ đại của cả cộng đồng cư dân Đông Nam Á nói chung. Di sản văn hoá vật thể và phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội đã giúp chúng ta thêm vững tin và khẳng định điều đó.
 
 
Dũng Trần
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)