Chợ và vai trò của nó đối với văn hoá ẩm thực Thăng Long – Hà Nội
Kẻ Chợ là nơi chợ búa, nơi thành thị, đối lập với kẻ quê là nơi thôn quê. Những hàng quà nổi tiếng trong chợ, những hàng rong len lỏi trong mỗi ngõ ngách của Kẻ Chợ - Kinh kỳ từ lâu đã trở thành một phần đặc trưng và ở góc độ nào đó, đây là những nét văn hóa không thể thiếu của Kẻ Chợ xưa, Hà Nội nay. Giới văn nhân cũng đã dành không ít giấy mực cho đề tài này, mỗi người có một cảm nhận riêng nhưng đều có chung nhận xét, dù là món ăn ở trong các chợ, trên vỉa hè hay những gánh hàng rong đều có phong vị và ẩn chứa những nét tinh tế.
Thạch Lam gọi chợ Đồng Xuân là cái bụng của thành phố: Trước khi nói đến những nơi ăn chơi của Hà Nội, tưởng cũng nên dạo qua chợ Đồng Xuân, - cái “bụng” của thành phố - là nơi mà những vật liệu cần thiết cho các cao lâu từ vùng quê và ngoại ô dồn đến. Tất cả của ngon vật lạ các nơi đều đem đến đây để hiến cho sự thưởng thức sành sỏi của người Hà Nội. Chợ Đồng Xuân là chợ của người Hà Nội, không giống các chợ nhà quê, cũng không giống các chợ Bến Thành Sài Gòn, hay chợ Mới ở Chợ Lớn. Chợ Đồng Xuân đã đi vào tiềm thức, nỗi nhớ của những người xa xứ. Nhà văn Vũ Bằng với tác phẩm “Miếng ngon Hà Nội” đã náo nức khi nhớ tới chợ Đồng Xuân: “Ôi nhớ biết mấy, cảm biết mấy! Tả làm sao được những cảm giác nhẹ nhàng và tế nhị của những buổi sáng chủ nhật lên chợ Đồng Xuân (…). Thật quả là “trên thì trời, dưới thì hàng quà” (…). Tôi đã biết những người trong một tuần chỉ chờ đợi mọt buổi sáng để dắt vợ, dắt con lên thưởng thức miếng ngon Hà Nội quy tụ ở dẫy hàng quà chợ Đồng Xuân”… Về chợ Hà Nội, đặc biệt là chợ Đồng Xuân, chúng ta còn được biết thêm qua sáng tác của các tác giả đương đại như Mai Thục với cuốn “Tinh hoa Hà Nội”, Băng Sơn với “Thú ăn chơi của người Hà Nội”…
Các chợ dân sinh ở Hà Nội là một phần của bản sắc văn hóa và lịch sử của thành phố. Ngoại trừ các khu đô thị mới, tất cả các khu dân cư ở Hà Nội đều có chợ họp vào buổi sáng. Chúng không chỉ cung cấp cho người dân những thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng mà còn tạo ra không gian thú vị làm nảy sinh các mối quan hệ xã hội trong các khu dân cư. Nhưng trong thời kinh tế thị trường, dáng vẻ chợ Hà Nội đã thay đổi theo quy hoạch văn minh đô thị của Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp. Quy hoạch chợ để đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường thì chợ “cóc” chợ “tạm”, chợ “xanh” họp tự do, tuỳ tiện sẽ bị loại bỏ dứt khoát. Một số chợ được xây dựng lại thành trung tâm thương mại như chợ Ô Chợ Dừa, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da… Và người Hà Nội cũng đang quen dần với các siêu thị hiện đại. Đồng thời, các chợ dân sinh đã bị loại ra khỏi các bản quy hoạch của các khu đô thị mới, thay vào đó là các siêu thị và đại siêu thị. Chợ Hà Nội đang có những biến đổi mang tính thời cuộc, ví như chợ Đồng Xuân được nói đến trong tác phẩm “Tinh hoa Hà Nội” của Mai Thục, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, H. 2009: “là đầu mối buôn bán bốn phương do một thế giới đàn bà điều khiển. Thế giới ấy hồn hậu và khôn ngoan, tinh tế và nhạy cảm với thị trường. Đó là thế giới của những bà mẹ thông minh. Sự thông minh có tính chất bản năng, mang một sức mạnh ghê gớm, vì nó sinh ra từ cuộc mưu sinh nhọc nhằn mà hồn nhiên, nó có sức sống mãnh liệt, vì nó kết thành tầng ngầm dưới đáy của cuộc vật lên sinh tồn. Vậy xin đừng quên cái thế giới đàn bà ở chợ Đồng Xuân”.
Cuộc sống hiện đại với nhịp điệu sống gấp, thời gian đối với mọi người là yếu tố quyết định nhiều đến cuộc sống. Do đó các trung tâm mua sắm, các siêu thị hiện đại đã đáp ứng nhu cầu tiết kiệm quỹ thời gian mua sắm cho mọi người. Tuy nhiên với những người hoài cổ, những người đã gắn bó với những phiên chợ quê truyền thống thì các trung tâm mua sắm hiện đại và các siêu thị không thể hiện được “hồn” quê truyền thống. Là bởi không gian ở đó bó hẹp, ít gắn bó với đời sống thiên nhiên, mọi người đến với chợ hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm nhiều hơn là nhu cầu trao đổi, gặp gỡ. Hơn nữa, ở các siêu thị đâu có tiếng râm ran mặc cả, ít có sự trao đổi giữa người bán kẻ mua và đặc biệt nó không thể hiện bản sắc văn hóa vùng miền mà thể hiện nhịp sống hiện đại nhiều hơn. Quan hệ “tình cảm” trong việc mua bán nhạt đi, mất đi… vì người bán “vô hình” mà chỉ có người tính tiền (ở nước ngoài đã có siêu thị người mua tự tính tiền, tự quẹt thẻ trả tiền). Siêu thị - chợ hiện đại phản ánh mối quan hệ của xã hội đô thị: coi trọng tính cá nhân, đặt giá trị vật chất của hàng hóa lên trên quan hệ tình cảm trong mua bán.
Đối với nhiều người, đến với chợ quê truyền thống không chỉ để mua sắm, nhất là đối với những người con xa quê đến với chợ để tìm lại những ký ức, những kỷ niệm một thời. Điều này ở các trung tâm mua sắm và các siêu thị hiện đại khó mà có được. Chợ truyền thống luôn có sức hút đối với mỗi người dân và đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Nhưng cải tạo, xây dựng chợ truyền thống theo hướng hiện đại là yêu cầu phát triển tất yếu. Do đó, không thể thay đổi hoặc xóa bỏ chợ trong một sớm một chiều!
Anh Thy
Nhà xuất bản Hà Nội