Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 03/02/2015 02:45
“Giải mã” một số biểu tượng văn hóa nghệ thuật Hà Nội xưa

Hà Nội - mảnh đất đế đô ngàn năm - có lịch sử bắt đầu từ những bước chân đầu tiên của con người thời cổ đặt chân đến khai phá vùng châu thổ, khúc giữa của đoạn sông Hồng đi qua miền Bắc nước ta. Năm 1010, trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn đã từng nhận xét về thế đất nơi đây: “Đã trúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi”. Để hiểu được ngọn nguồn của mảnh đất Hà Nội và nhất là hiểu được các biểu tượng văn hóa nghệ thuật của người xưa, không chỉ dừng bước ở niên điểm cách đây ngàn năm khi nơi đây được chọn là đất đế đô mà phải ngược dòng lịch sử xa xôi hơn nữa. Công trình Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nộicủa hai nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, Trịnh Sinh chính là chìa khóa giải mã tầng sâu văn hóa phi vật thể trên nền tảng văn hóa vật thể của đất Kinh kỳ. Ở đây bên cạnh việc phác họa những giá trị biểu tượng qua những di sản văn hóa Hà Nội xưa còn có sự khảo sát cẩn trọng, đầy đủ các biểu tượng văn hóa nghệ thuật nơi đây ngay từ thời đại đồng thau - sắt sớm.

 
Ở nước Việt, biểu tượng xác định vẻ đẹp tâm linh thánh thiện, phản ánh tâm thức của người nông dân trồng lúa nước. Thông qua biểu tượng, chúng ta có thể tìm về “bản thể chân như” thuộc vẻ đẹp người xưa, để con người nhờ đó mà nâng cao thêm được tinh thần yêu nước, yêu quê hương xứ sở, yêu quý lẽ nhân bản, đồng thời có ý thức trọng đức đẹp của cả đạo và đức. Và những biểu tượng văn hóa nghệ thuật thời tiền - sơ sử cũng mang một “mã ngôn ngữ” riêng gợi mở cho người đọc thế giới tâm linh, đời sống tâm hồn phong phú của người Hà Nội cách đây hàng ngàn năm.
 
Ở thuở sơ khai, cách nay 4.000 - 3.000 năm, thiên nhiên, vũ trụ đóng một vị trí quan trọng trong đời sống con người. Thế nên tìm hiểu về biểu tượng văn hóa nghệ thuật Hà Nội không thể không nhắc đến biểu tượng vũ trụ, thiên văn và quyền lực. Vật truyền tải bức thông điệp của biểu tượng này chính là trống đồng. Theo kiến giải của bà M. Colani - nhà địa chất học, cổ sinh vật học và khảo cổ học người Pháp - người Đông Sơn đã khắc họa vị thần Mặt trời của họ lên mặt trống đồng, thậm chí hướng đi của người và động vật trên trống đồng là hướng quay của quả đất quanh mặt trời. Việc biểu tượng mặt trời có mặt ở giữa tâm trống cho thấy người Việt cổ trong đó có người Hà Nội xưa đánh giá vai trò của vị thần mặt trời quan trọng như thế nào đối với cư dân làm nông của vùng châu thổ sông Hồng. Còn theo nhà nghiên cứu Bùi Huy Hồng, trống đồng ở Hà Nội là một phương tiện để người Hà Nội xưa đo lịch pháp phục vụ nghề nông. Một số học giả khác lại cho rằng qua một loạt hoa văn trang trí trên trống có thể thấy trống đồng chứa đựng tư duy lưỡng phân và lưỡng hợp. Và cũng dựa trên những hoa văn được khắc trên trống đồng, cũng có kiến giải trống đồng Cổ Loa là một mô hình của biểu tượng vũ trụ. Nhưng theo giả thuyết của một số nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu trống đồng, đây chỉ đơn thuần là công cụ biểu tượng cho quyền lực tối cao và nó biểu hiện qua hoa văn trang trí ở trống mang vẻ đẹp và sự đặc biệt, không giống với những đồ đồng khác.
 
Không chỉ biểu tượng cho thiên nhiên, vũ trụ và quyền lực, những hiện vật khảo cổ học còn cho thấy, trong thế giới biểu tượng của Hà Nội, chính con người cũng là đối tượng được hướng tới, được khắc tạc trên các đồ đồng như trống đồng, âu đồng, thạp đồng, rìu đồng… Qua những hoa văn còn lưu lại trên đồ đồng, ta biết rằng người Hà Nôi cổ rất ưa thích trang sức lông chim, coi đây là một trang sức quan trọng, thậm chí mang ý tưởng thiêng liêng, liên quan đến tín ngưỡng “vật tổ”. Qua thời gian, hình người hóa trang lông chim đã được cách điệu, trở thành “hoa văn cờ bay” - theo cách nói của các học giả Trung Quốc. Cũng qua những tài liệu xưa, các tư liệu khảo cổ học, có thể thấy, biểu tượng về vẻ đẹp của người Hà Nội xưa mang chuẩn mực khá gần gũi, thậm chí có nét trùng lặp với ngày nay về khuôn mặt trái xoan, đôi mắt mở to thông minh, đôi tai dài quyền quý, thân hình cân đối... Đặc biệt có thể thấy, người Hà Nội rất chú ý đến trang sức và trang phục để nhằm tôn lên vẻ đẹp của bản thân.
 
Bên cạnh các biểu tượng về vũ trụ, con người còn có các biểu tượng: biểu tượng ngôi nhà sàn, biểu tượng thuyền trên trống Cổ Loa, biểu tượng “chim Lạc” và các loại chim, biểu tượng hươu cùng các loài thực, động vật, biểu tượng hoa văn hình học hay biểu tượng tín ngưỡng Sa Man giáo trên đồ đồng Hà Nội… Tất cả những biểu tượng này đã cho thấy một đời sống tinh thần, một cuộc sống sinh hoạt phong phú, một thế giới tâm linh, văn hóa nghệ thuật cao của người xưa.
 
Trên một khối lượng hiện vật khổng lồ có được từ các cuộc khai quật và điều tra thám sát, có thể nói, hai nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền và Trịnh Sinh đã giải mã được phần nào tâm thức của người xưa và biểu tượng văn hóa nghệ thuật mà người Hà Nội thời tiền - sơ sử đúc kết và gửi gắm trong từng nét vẽ hoa văn, từng bức tượng tròn tinh xảo… Nó chính là khởi nguồn cho dòng chảy văn hóa bền bỉ, mạnh mẽ của Thăng Long - Hà Nội sau này.
 
 
Trà Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)