Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 03/02/2015 02:59
Yên Hoà, Yên Thái - Kẻ Bưởi: Làng giấy nổi tiếng của chốn Kinh kỳ

Thăng Long – Hà Nội trải qua 1000 năm thăng trầm biến thiên của lịch sử đã để lại một kho tàng di sản văn hoá vật thể mà các thế hệ tiền nhân gửi lại cho thế hệ chúng ta hôm nay. Di sản văn hoá thủ công nghiệp của Thăng Long xưa với những làng nghề truyền thống vẫn tồn tại và phát triển, nhưng cũng có những làng nghề do sự phát triển của khoa học và công nghệ giờ chỉ còn là những chứng tích một thời như làng giấy Yên Hoà - Kẻ Bưởi.

 
Vào thế kỷ XIII, ở phía tây kinh đô Thăng Long, có một xóm thợ chuyên nghề làm giấy. Tương truyền, thời nhà Lý, làng Dịch Vọng đã có nhiều gia đình chuyên nghề làm giấy. Lúc bấy giờ sông Tô Lịch còn chảy qua đây, chiếc cầu bắc qua sông được đặt tên là Cầu Giấy để ghi nhớ nghề nghiệp của quê hương. Ngày nay, cầu cũ không còn, nhưng dấu tích về nghề làm giấy ở cố đô Thăng Long vẫn còn mãi với địa danh trên. Đến thế kỷ XV, lại xuất hiện thêm phường làm giấy Yên Thái (vùng Bưởi ven hồ Tây). Tiếng chày giã dó ấy đã đi vào ca dao mà những người Hà Nội có lẽ không mấy ai không thuộc:

Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.

Người thợ giấy Thăng Long đã đáp ứng được nhu cầu khá lớn của xã hội, đặc biệt là đối với triều đình phong kiến. Giấy làm ra vừa đẹp lại bền, đẹp đến mức trong các vật phẩm vua Lý Cao Tông (1176-1210) cống nạp cho nhà Tống, bên cạnh ngà voi, sừng tê giác, vàng lụa, có cả giấy tốt của Việt Nam:

Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô
Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ.

Nghề làm giấy phát triển góp phần thúc đẩy nghề in mộc bản, từ đời Lý nhà sư Tín Học đã khắc rất nhiều ván in cho các chùa in kinh Phật. Năm 1734 đời vua Thuận Tông nhà Lê, chúa Trịnh Giang đã cho in Tứ Thư Ngũ Kinh bằng giấy sản xuất trong nước, không phải mua của phương Bắc. Nghề làm giấy phát triển được là do nhu cầu của thị trường, song một phần cũng được sự quan tâm, khuyến khích của nhà nước phong kiến.

Hàng năm, số lượng giấy sản xuất ra ngày càng nhiều, điều đó đã thể hiện qua mức thuế bằng hiện vật mà người thợ làm giấy phải nộp cho triều đình hàng năm. Ví như dân các làng Yên Thái, Hồ Khẩu… mỗi năm phải nộp cho triều đình một xuất đinh là 5.500 tờ giấy các loại. Đến thời Tự Đức, số thuế có giảm đi chút ít, nhưng mỗi người vẫn phải nộp một năm là 4.800 tờ gồm 3.000 tờ giấy thị, 1.500 tờ giấy lệnh, 200 tờ giấy rộng khổ hạng nhì và 100 giấy hội hạng nhất.

Để làm ra được những tờ giấy này người thợ Yên Thái, Hồ Khẩu… vùng Bưởi phải có tay nghề thành thục và phải lao động rất cực nhọc. Giấy được làm từ nguyên liệu chính đó là vỏ dó tươi, người thợ phải lặn lội đi dọc sông Thao, lên tận phố Ẻn để mua nên có câu ca:

 

Ai ơi mua dó khó lòng
 

Không đi lên Ẻn thì mong nỗi gì.

Vỏ dó tươi đem về ngâm nước lã một ngày, sau đó vớt lên ngâm vào nước vôi loãng hai ngày, rồi cho vào vạc nấu cách thuỷ liền trong bốn ngày. Xưa kia làng Yên Thái thường đắp lò nấu ngay bên bờ sông Tô, vì địa thế này thuận tiện cả cho việc ngâm, dặm và đãi vỏ dó. Ở đây có một cái giếng làng, người dân vừa lấy nước để ăn, lại vừa lấy nước để sản xuất, cứ vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm dân làng lại vét giếng cho nước thêm sạch, thêm trong.

Chiếc liềm seo là một loại công cụ đặc biệt để làm giấy của làng Xuân Đỉnh. Người Xuân Đỉnh làm liềm seo để bán cho người làng giấy không chỉ vùng Bưởi mà còn nhiều nơi khác. Những chiếu nan nếu để mộc thì khi seo bột giấy không bám, cho nên phải đem hun. Kỹ thuật hun đòi hỏi khá công phu, dùng mùn cưa trộn với phân bò khô để đốt lò, vì hỗn hợp này cháy có khói không bốc thành ngọn lửa. Mỗi lò xếp chừng 6.000 nan, cứ hai giờ đồng hồ lại đảo một lần. Hun như thế hai ngày, lúc nào thấy nan vàng đều là được. Công đoạn tiếp theo là đan, khung đan làm bằng gỗ, có thanh ngang bào nhẵn chia đều thành những rãnh nhỏ cách nhau hai phân.

Ngày nay, do công nghệ sản xuất giấy hiện đại đã khiến nghề làm giấy dó cổ truyền của vùng Kẻ Bưởi như Yên Hoà, Yên Thái… không còn nữa nhưng làng Yên Hoà, làng Yên Thái đất Kẻ Bưởi vẫn còn đó như một chứng tích về một vùng ven đô với nghề giấy dó từng nổi tiếng đất Thăng Long khi xưa.
 
 
An Nhiên
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)