Thế giới tâm linh Thăng Long - Hà Nội nhìn từ giá trị các công trình kiến trúc
Tìm hiểu giá trị các công trình kiến trúc, hai tác giả đề cập tới các phần cơ bản như không gian, mặt bằng, mặt đứng… của kiến trúc và dựa trên các kết quả nghiên cứu điền dã cũng như qua điều tra hồi cố ở nhiều nơi, nhất là các huyện ngoại thành và một số quận, vốn xưa là ngoại thành Hà Nội.
Về không gian, người Việt nhìn nhận trong bao la có một khối sinh lực nào đó, bàng bạc khó xác định được. Dòng sinh lực này dần dần được đồng nhất với mọi nguồn hạnh phúc. Song dòng chảy sinh lực vũ trụ này chủ yếu xảy ra ở một số mảnh đất và đó chính là nơi thường được chọn để xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo. Chọn được thế đất, người Việt thường quan tâm đến hướng xây dựng. Theo quan niệm, hướng bắc gắn với đen tối, hắc ám; hướng đông là nơi của các thần; hướng tây thường được quan tâm khi phù hợp với quy luật đối đãi âm dương; và hướng nam thường được chú ý hơn cả bởi mang tính dương, gắn với hạnh phúc và điều thiện. Ngoài ra đối với một di tích kiến trúc thường còn được quan tâm tới không gian xa và không gian gần để tạo thế cân bằng, hài hòa của âm dương đối đãi.
Nói tới không gian, kiến trúc của các di tích lịch sử văn hóa cổ truyền, ngoài những điều nói trên, một trọng điểm luôn được người xưa chú trọng chính là cây cối. Cây cối không chỉ như một bộ quần áo đẹp để trang hoàng cho di tích, làm cho kiến trúc được hòa quyện với môi trường mà nó như một sự xác nhận mảnh đất có di tích là tươi tốt, ứng với đất thiêng, đất lành của muôn loài. Với chùa và đền, cây cỏ được trồng thông thường là bồ đề, đại, sung, thông, tùng, mít,... Tất cả làm nên một không gian riêng, góp phần đồng nhất với tư tưởng “kiến tính” của Phật giáo. Cùng với đó, cây cối sẽ hài hòa cùng kiến trúc làm thành một tổng thể thống nhất, tạo nên nét đối trọng với cuộc sống ồn ào ô trược bên ngoài.
Nghiên cứu về các giá trị biểu tượng khác trong kiến trúc đình, đền, chùa, hai tác giả Trịnh Sinh, Trần Lâm Biền còn tập trung vào một số yếu nghĩa cơ bản có tính chất biểu tượng, đó là tam quan, nghi môn, các toà phương đình, các cây tháp.
Tam quan, có thể được nhìn nhận như cửa vào chùa. Song ở mặt ý nghĩa nó mang đậm chất biểu tượng vì người xưa mượn âm “quan” là cửa để ẩn và chữ “quan” là để chỉ nhận thức. Ở Hà Nội, những tam quan gần với gốc xưa có thể kể đến là tam quan chùa Kiến Sơ - Phù Đổng - Gia Lâm, chùa Kim Liên - Nghi Tàm, chùa Láng - Cầu Giấy. Tam quan ở chùa như một “tuyên ngôn” về Phật triết, biểu hiện một khía cạnh sâu sắc về trí tuệ đối với thế giới nhân sinh, có chức năng tẩy rửa sự ngu tối.
Nghi môn, hoàn toàn khác với tam quan, tuy phần nhiều cũng có ba cửa, song cửa giữa bao giờ cũng là cửa thần, làm to rộng, đủ độ mở và cao để rước kiệu (Văn miếu môn, nghi môn đền Quan Thánh, đền Gióng…). Các nghi môn thường xây theo kiểu cổng thành/dinh thự, đôi khi phụ thuộc vào vai trò của các vị thần, thánh mà số lượng cửa có khác nhau (một, ba, năm). Số lượng nghi môn này như một sự đề cao hoặc các vị thần mang tư cách “anh hùng văn hóa” hoặc thể hiện sự chi phối của triều đình… Nhiều khi phía trước hoặc sau cửa nghi môn có bức bình phong. Mục đích của bình phong là để chống luồng khí độc thổi vào nơi của thần, thánh.
Rời nghi môn, tam quan, kẻ hành hương bước chân vào ngôi chính điện. Các công trình kiến trúc tín ngưỡng của người Việt thường không vươn theo chiều cao với tư duy thần thánh gần gũi để che chở, bảo hộ chúng sinh, dù vậy chính điện vẫn là biểu tượng cho tam tầng vũ trụ với mái như tầng trời, thân là nơi con người và thần linh tiếp cận qua việc hành lễ và tầng dưới gắn với nền gốc của thế giới âm.
Bên cạnh các bộ phận trên, trong di tích tín ngưỡng truyền thống còn nhiều giá trị biểu tượng rất đáng được quan tâm như các “ngôi nhà” hai, ba tầng mái và các cây tháp cổ. Khảo sát một số không gian kiến trúc, các tác giả cho rằng đây đều là những công trình giàu giá trị biểu tượng như chùa Một Cột là biểu tượng nảy sinh từ tư duy nông nghiệp để cầu cho mùa vụ bội thu, cầu cho sự trường tồn của dân tộc hay chùa Kim Liên lại tiêu biểu cho sự giao hòa giữa Nho và Phật ở thế kỷ XVIII…
Trải qua bao đắp đổi thăng trầm, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đã có ít nhiều thay đổi. Song tìm hiểu những giá trị biểu tượng của các công trình kiến trúc này, hai nhà nghiên cứu Trịnh Sinh và Trần Lâm Biền như đã làm cuộc “hành hương” để giải đáp ẩn số về tư duy và ước vọng của người xưa, đồng thời là lời khẳng định giá trị bền vững của các biểu tượng trong di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói riêng.
Nguyễn Dung
Nhà xuất bản Hà Nội