Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 06/02/2015 11:25
Vài nét khái quát về khu phố cổ Hà Nội

Khu phố cổ Hà Nội là khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội nằm ở ngoài hoàng thành Thăng Long, ở phía đông bắc hồ Hoàn Kiếm. Khu đô thị này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ trong hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia khu vực khu phố cổ được khoanh lại trong phạm vi các phố ngày nay như sau: phía bắc từ đầu phố Hàng Đậu, Phùng Hưng tới Cửa Nam rồi chạy về hướng đông dọc theo các phố Hàng Bông – Hàng Gai lên nối vào phố Cầu Gỗ qua phố Hàng Thùng sau đó nhập vào phố Trần Quang Khải. Ngày nay khu phố cổ Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và cuốn sách “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể Thăng Long – Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Chí Bền chủ biên được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010 là cuốn tư liệu hữu ích để độc giả tham khảo khi tìm hiểu về di sản văn hoá vật thể Thăng Long xưa - Hà Nội nay.

 
Trên bản đồ, khu phố cổ Hà Nội có hình gần tam giác, trục giữa là các phố Hàng Giấy - Đồng Xuân – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào. Các phố đan nhau trông tựa như chiếc nan quạt (hoặc hình xương cá). Có thể thấy đây là một kiểu phân bố tự nhiên trong các làng quê Việt Nam, khác hẳn với lối quy hoạch đô thị theo ô bàn cờ mà người châu Âu thể hiện sau này. Theo hồ sơ di tích của thành phố Hà Nội tại thời điểm lập hồ sơ di tích (năm 2004) khu phố cổ này là nơi phân bố của 10 phường trong tổng số 18 phường thuộc quận Hoàn Kiếm: Cửa Đông, Cửa Nam, Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai và Hàng Mã. Theo thống kê trong khu vực phố cổ Hà Nội có 76 tuyến phố chia cắt, đan xen nhau, ở đó có 38 tuyến phố bắt đầu bằng chữ Hàng. Trên thực tế, khu phố cổ Hà Nội còn được bao gồm cả một số phố khác nằm ở ngoại vi của khu vực bảo vệ nêu trên. Căn cứ trên thực địa hiện nay, có thể thấy khu phố cổ Hà Nội tiếp giáp với khu trung tâm thành cổ Hà Nội (bao gồm Cửa Bắc - Lầu Tĩnh Bắc - Điện Kính Thiên – Đoan Môn - Cột Cờ) ở mạn phía tây khu phố cổ được tạm thời phân cách bằng phố Lý Nam Đế.
 
Quy hoạch không gian của thành Thăng Long theo bước chân ngựa thần được lưu trong sách cổ, dân gian có câu ca phác hoạ rằng:
 
Nhị Hà quanh Bắc sang đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này.
 
Ở phía đông thành Thăng Long là khu vực thị - khu vực thương nghiệp, khu phố cổ ngày nay nằm lọt vào một phần của khu thương mại này. Khu vực này từ thời Lý tập trung ở khoảng đất phía cửa Đông (Tường Phù) của thành Thăng Long chạy ra đến bờ sông Nhị (sông Hồng), gồm toàn bộ khu vực tây nam ngã ba sông Nhị và sông Tô Lịch, tạo nên một khu vực buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền với tâm điểm là chợ Bạch Mã (Cửa Đông) và một số dãy phố tại khu vực Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào. Phía trên ngã ba sông Nhị, sông Tô có bến Đông Bộ Đầu (giáp đầu cầu phía nam của cầu Long Biên hiện nay) là một bến cảng quan trọng cả về thương mại và quân sự, tạo nên sự nhộn nhịp trên bến dưới thuyền của khu vực đô thị Thăng Long xưa.
 
Các di tích trong khu phố cổ Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố văn hoá khác nhau, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và tín ngưỡng tôn giáo đương thời và mang phong cách riêng rõ nét. Trong quá trình xây dựng và phát triển khu phố cổ Hà Nội là nơi tụ cư, hợp cư, hỗn cư và giao lưu văn hoá không chỉ với các vùng trong nước mà với cả nước ngoài. Sự hiện diện của các hội quán Trung Hoa, nhà thờ Lớn, nhờ thờ Hồi giáo là những chứng cứ vật chất minh chứng rõ ràng cho giá trị này. Đó là chưa kể các thương điếm Hà Lan, Anh, các cửa hàng Ấn Độ... tại đây đã được nhắc đến trong thư tịch cổ. Các công trình kiến trúc trong khu phố cổ Hà Nội cũng phản ánh rõ mối quan hệ giữa kiến trúc với những quy định xã hội và các mối quan hệ khác. Hầu như các kiến trúc trong khu phố cổ không có quy mô lớn về không gian, chiều cao các công trình cũng vừa phải, phần lớn là các ngôi nhà hai đến ba tầng. Đối với nhà dân những nhà nào có điều kiện kinh tế hơn thì ngôi nhà hình ống được kéo dài hơn về phía sau một chút, về cơ bản các ngôi nhà hình ống có chiều ngang 2 mét đến 5 mét, chiều dài từ 10 mét đến 60 mét, độ chệnh lệch không lớn. Bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán tại khu phố cổ Hà Nội trước kia không mạnh mẽ đến mức xuất hiện những lớp người giàu có vượt trội và do tâm lý của những người dân từ thôn quê ra làm ăn sinh sống tại kinh dô, khi kiếm được một số vốn kha khá là họ lại đem về quê để tậu tài sản dự phòng cho lúc tuổi già, hơn nữa, cư dân của một làng quê khi ra Thăng Long làm ăn thường rủ nhau cư trú trên một đường phố để tiện giúp nhau và cũng là để cho việc làm ăn được dễ dàng vì họ thường làm chung một nghề.
Hiện nay, dạo quanh các công trình kiến trúc tín ngưỡng – tôn giáo tại khu phố cổ Hà Nội được xây dựng có sự hạn chế về quy mô, chiều cao nhưng không bị áp đặt về kiểu dáng kiến trúc, hoa văn trang trí và các hoạ tiết hoa văn trang trí, đồ thờ tự trong nội thất. Các công trình kiến trúc trong khu phố cổ Hà Nội là sự hội nhập từ nhiều yếu tố kiến trúc nghệ thuật do mang nét chung của kiến trúc đô thị nước ta và kiến trúc nghệ thuật của địa phương trên vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nét chung nhất là khu phố cổ nằm trong quy hoạch chung của kinh đô Thăng Long trong mối quan hệ giữa thành và thị. Và điểm chung thứ hai là tuy nằm ở kinh đô nhưng sự phát triển của khu phố cổ không được quy hoạch ngay từ đầu mà mở rộng một cách ngẫu nhiên tương tự như các làng quê và một số đô thị khác của Việt Nam.
 
Các di tích trong khu phố cổ có giá trị lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật cao. Với 1000 năm tồn tại và phát triển, khu phố cổ là chứng tích quan trọng minh chứng cho lịch sử phát triển của kinh đô Thăng Long và chứa đựng nhiều di sản văn hoá có giá trị cao. Đó là các di sản văn hoá vật thể cần được bảo tồn, các di sản văn hoá phi vật thể: lễ hội, hoạt động văn hoá truyền thống như hát ca trù, hát chèo… Khu phố cổ Hà Nội, nơi hội tụ của nhiều phố nghề với đội ngũ nghệ nhân đông đảo nắm giữ các bí quyết của nhiều ngành nghề thủ công truyền thống, và nơi đây là nơi tập trung điển hình nghệ thuật ẩm thực của đất nước với các món ăn truyền thống hấp dẫn từ hương vị đến màu sắc, hình dáng và nghệ thuật trình diễn khi thao tác nấu nướng. Và những nét đẹp văn hoá truyền thống đó xưa kia đã tạo nên sự thanh lịch nổi tiếng của người kinh kỳ.
 
 
Anh Vũ
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)