Di sản văn hoá thế giới: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội còn có tên gọi là Khu di tích Thành cổ Hà Nội và di tích khảo cổ học số 18 phố Hoàng Diệu. Nằm trên diện tích 183.957,3m2 thuộc địa bàn phường Điện Biên và phường Quán Thánh, quận Ba Đình, ranh giới của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long phía bắc giáp đường Phan Đình Phùng, đường Hoàng Văn Thụ, phía nam giáp đường Nguyễn Tri Phương, phía tây giáp đường Hoàng Diệu, đường Độc Lập và khuôn viên nhà Quốc hội mới, phía tây nam giáp đường Điện Biên Phủ.
Từ năm 1010 vua Lý Thái Tổ đã cho xây dựng kinh thành Thăng Long, trên cơ sở thành Đại La cũ. Thành Thăng Long có cấu trúc kiểu “tam trùng thành quách” nghĩa là có 3 vòng thành bao bọc lẫn nhau theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm có 3 vòng thành bao bọc lẫn nhau theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm có La thành, Hoàng thành và Cấm thành. Nhà Trần thay nhà Lý vẫn duy trì và tu bổ kinh thành này. Nhà Hậu Lê, sau khi đuổi giặc Minh, giành lại non sông đất nước, vua Lê Thái Tổ vẫn lấy Thăng Long làm kinh đô và xây dựng các cung điện. Đến thế kỷ XVIII, Hoàng thành không được tu bổ nhiều, do quyền hành thực chất nằm trong tay các chúa Trịnh. Thời Tây Sơn, Hoàng thành lại được tu bổ, sửa chữa. Đến thời nhà Nguyễn (1802-1945), kinh đô được chọn là Huế, ban đầu Thăng Long giữ vai trò là trị sở của bắc thành, sau trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Hà Nội. Trong hai năm 1803-1805, vua Gia Long cho xây lại thành Thăng Long theo kiểu Vauban của người Pháp. Sau năm 1884, người Pháp đô hộ Việt Nam, người Pháp đã phá thành Hà Nội, biến nơi đây thành trụ sở đóng quân, năm 1886, người Pháp lại phá điện Long Thiên xây trụ sở chỉ huy pháo binh của quân đội Pháp. Năm 1966, do chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ngày càng ác liệt nên Bộ Quốc Phòng đã cho xây dựng một ngôi nhà trong khu thành cổ gọi là nhà D67 để làm nơi họp của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, lãnh đạo, chỉ dạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với thăng trầm biến thiên của lịch sử, Hoàng thành Thăng Long biến đổi nhiều, hiện tại chỉ còn các di tích: Kỳ Đài, Đoan Môn, Nền Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Chính Bắc Môn, Tường bao và tám cổng Bắc Môn.
Khu di tích khảo cổ học tại số 18 phố Hoàng Diệu nằm trong lô D khu trung tâm chính trị Ba Đình với diện tích 45.300m2. Khu vực này được khai quật từ tháng 12/2002 đến tháng 3/2004 với diện tích rộng trên 19.000m2 được Viện Khảo cổ học Việt Nam phân định làm 4 khu đặt tên là khu A, B, C, D. Tại khu di tích đã khai quật 58 hố, cụ thể khu A đã khai quật 25 hố (từ hố A1 – A25), khu B đã khai quật 20 hố (từ B1- B20), khu C khai quật 6 hố (C1-C6), khu D khai quật 7 hố (từ D1-D7). Thông qua các cuộc khai quật, chúng ta có thể thấy các giá trị của Hoàng thành Thăng Long.
Kinh đô Thăng Long có bề dày lịch sử hơn 1.300 năm với quy mô to lớn biểu trưng cho sức mạnh tự lực, tự cường của dân tộc trong thời đại dựng và giữ nước sau hàng nghìn năm Bắc thuộc. Hoàng thành Thăng Long trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật nằm chồng xếp lên nhau qua các thời kỳ lịch sử. Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp nhưng phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long. Đó chính là giá trị nổi bật và độc đáo của khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Tại đây, các nhà khảo cổ học còn khai quật được một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong hoàng cung qua nhiều thời kỳ. Những khám phá này đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong hoàng cung Thăng Long qua các triều đại, là minh chứng cụ thể về trình độ phát triển cao của kinh tế và văn hoá. Có thể thấy, các kiến trúc và di vật Hoàng thành Thăng Long tại khu vực nội thành Hà Nội rất đa dạng, phong phú chứng tỏ trình độ kỹ thuật cao của dân tộc và khả năng tổ chức cao của các vương triều Đại Việt nhất là trong thời kỳ thịnh đạt của quốc gia Đại Việt. Ngoài ra, nhiều tiền đồng, đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á... được tìm thấy ở đây là bằng chứng cho thấy Thăng Long là trung tâm giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực và tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại.
Hơn 1.300 năm qua, đặc biệt từ khi Lý Thái Tổ định đô 1010, Thăng Long luôn luôn tiêu biểu cho sự vươn lên mạnh mẽ của cả dân tộc. Các di tích ở Cấm thành, Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã chứng minh được một kinh thành có bề dày lịch sử lâu dài liên tục, vừa mang sắc thái riêng của Thăng Long – Hà Nội, vừa hội tụ, kết tinh những tinh hoa và bản sắc của văn hoá dân tộc. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 2007, Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009 và năm 2010 đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Bảo Minh
Nhà xuất bản Hà Nội