Thập Tam Trại qua những trang viết “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”
Khu “Thập Tam Trại” tương truyền có từ thời Lý. Thần phả đình Vĩnh Phúc Thượng - còn gọi là đình Thái Tể - có ghi lại lịch sử khai khẩn trong khu vực này. Đình thờ một vị thần họ Hoàng gốc ở làng Lệ Mật, bên Gia Lâm. Người họ Hoàng này có công chiêu tập một số gia đình người cùng làng sang lập nghiệp ở khu vực phía tây thành Thăng Long, mở ra mười ba trại chuyên nghề nông. Dân mười ba trại còn giữ nhiều truyền thống nghề nghiệp của quê cũ Lệ Mật là nghề làm thuê đi tìm lá thuốc nam và nghề bắt rắn. Truyền thuyết thì như vậy, nhưng thực tế thì đến đầu thế kỷ XIX, sách địa lý cũ tổng Nội huyện Vĩnh Thuận có mười thôn trại kể cả Hào Nam (sau là phường Thịnh Hào), như vậy chỉ có chín thôn trại ở trong khu vực giữa Đường Thành và Giảng Võ.
Ở Thập Tam Trại, nghề trồng hoa của hai làng Ngọc Hà - Hữu Tiệp có tiếng từ lâu đời. Thời kỳ đầu, hai làng chỉ trồng hoa cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, ngâu, thiên lý… Khi người Pháp đem các giống hoa nước ngoài đồng thời với nghề trồng rau tây, nhiều người Ngọc Hà - Hữu Tiệp làm công cho họ và đem nghề trồng rau, hoa mới này về làng. Vì Ngọc Hà có đặc điểm là một làng hoa, đáp ứng nhu cầu không thể thiếu được của người Hà Nội, người ta hay nghĩ đến Ngọc Hà trước, với cái tên Trại Hàng Hoa. Ngọc Hà chia làm nhiều xóm: Xóm Giữa, xóm Trên, xóm Trong, xóm Ngoài. Về mặt kinh tế, Ngọc Hà không có nhiều ruộng đất vậy mà trồng trọt lại là một nghề chính. Và do ở sát thành phố nên cũng có nhiều người làng vào phố đi làm công nhân ở các nhà máy. Còn làng Hữu Tiệp nằm sát Đường Thành (nay là phố Hoàng Hoa Thám) cũng có điều kiện sinh hoạt dễ chịu với nghề trồng hoa truyền thống.
Đại Yên là một xã trung bình về diện tích và dân số (năm 1928 dân số có 1.339 người - Ngô Vi Liễn, Les communes du Tonkin). Thuộc địa phận Đại Yên có núi Voi, trên núi có một ngôi chùa. Người làng, ngoài nghề làm ruộng trồng hoa còn có nghề trồng cây thuốc và đi hái thuốc Nam, nhiều gia đình chuyên bán thuốc lá ở các chợ trong thành phố. Nghề trồng hoa ở Đại Yên có sau do bắt chước người làng Ngọc hà, Hữu Tiệp. Khi có Nhà máy Rượu bia Hommel ở trên núi Voi thì nhiều phụ nữ của làng làm công nhân cho nhà máy. Còn đàn ông vào phố làm công.
Liễu Giai là làng có vị trí ở giữa khu Thập Tam Trại, tức là đất tổng Nội thời Pháp thuộc. Làng có ít ruộng, hầu hết lại là ruộng công, chia ra mỗi suất đinh chỉ có nửa sào. Người làng phải ra ngoài kiếm ăn, thường đi làm công tại các nhà máy và chủ yếu là những công việc lao động tạp vụ chứ không có nghề chuyên môn.
Làng Vĩnh Phúc cũng là một trong số các xã của Thập Tam Trại, nằm ở phía tây bắc tổng Nội, trải dài theo con Đường Thành. Làng không lớn về cả diện tích và dân số và là một làng nghèo so với Đại Yên, Ngọc Hà. Phụ nữ trong làng không biết chạy chợ, chỉ biết cày cấy, đôi khi làm thuê cho bên Bưởi với đồng công rẻ mạt. Còn đàn ông thường đi làm công cho các nhà máy Thuộc da và Bia rượu. Làng Cống Vị thuộc loại làng nhỏ nhất của “mười ba trại”. Làng nhỏ nhưng số ruộng trên số dân không ít lắm nên nghề nông là nghề chính của người làng Cống Vị. Làng không có gia đình nào giàu có xây được nhà ngói sân gạch, chánh, phó lý, hương hội cũng chỉ ở nhà tranh. Cùng nằm ở phía tây tổng Nội, Thủ Lệ là một làng nhỏ vì diện tích thổ canh thổ cư không quá 100 mẫu. Làng nghèo, dân ít, lệ làng ở Thủ Lệ cũng nhẹ. Về kinh tế, chỉ có nghề làm ruộng và không có nghề phụ nên cuộc sống người làng tương đối khó khăn.
Về phía nam Thập Tam Trại là một số làng: Vạn Phúc, Kim Mã, Ngọc Khánh, Giảng Võ. Làng Vạn Phúc có tên cũ là Vạn Bảo. Dân làng khá đông nhưng ít ruộng nên chỉ có dăm gia đình chuyên nghề trồng trọt cấy lúa. Đàn bà trong làng chuyên đi chợ, buôn rau ngoại thành đem vào bán ở các chợ trong phố, bán cho Tây, đàn ông thì vào phố làm công. Làng Kim Mã không lớn nhưng đất đai lại rải rác thành nhiều nơi cách nhau rất rộng. Người làng Kim Mã sống về nghề ruộng và số đông vì ở gần phố nên ra tỉnh làm các nghề thợ nề, thợ mộc… vì thế cuộc sống có khấm khá hơn các nơi khác chỉ trông vào đồng ruộng. Giảng Võ là xã lớn nhất trong số mấy xã ở phía nam Thập Tam Trại (tức tổng Nội). Diện tích xã này khá rộng, khoảng 400 mẫu, dân số là 4.185 nhân khẩu. Người làng Giảng Võ có truyền thống thượng võ. Thời phong kiến làng cũng có người học hành thi đỗ làm quan, thời Pháp thì đi lính chào mào... Kinh tế trong làng lấy nông nghiệp làm chủ yếu và đời sống nhân dân thuộc vào loại trù phú. Còn Ngọc Khánh là một làng nhỏ, trước kia vốn chỉ là một thôn của xã Giảng Võ, sau được tách ra làm xã riêng. Đời sống kinh tế của Ngọc Khánh cũng ít phát triển. Làng có nhiều ruộng nhưng chỉ có năm sáu nhà sống chuyên về nghề nông vì ít gia đình có khả năng vốn liếng để làm ruộng. Dân trong làng chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, bắt cua ốc để đem bán.
Cùng với sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội, hầu hết các làng trong Thập Tam Trại ngày nay đều đã được đô thị hóa, trở thành những khu phố sầm uất. Bởi thế, những trang viết của Nguyễn Văn Uẩn về khu dân cư này như đã đưa ta vào cuộc hành trình ngược thời gian về một miền đất xưa cũ nơi có những con người lam lũ, tần tảo của Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX.
Nguyễn Dung
Nhà xuất bản Hà Nội