Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 25/02/2015 04:51
Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Biểu tượng văn hóa Việt Nam

Trong gần một ngàn năm qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn được coi là một biểu tượng về sự trường tồn của tinh hoa văn hóa giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến đức, khuyến tài của dân tộc Việt. Và bởi vậy, tìm hiểu và đánh giá một cách khoa học, nghiêm túc về công trình này luôn là đề tài được nhiều học giả, các nhà nghiên cứu quan tâm. Và trong cuốn sách Văn bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long, PGS.TS. Ngô Đức Thọ đã dành rất nhiều công phu để khảo cứu và giới thiệu những giá trị to lớn của hệ thống văn bia tại trường đại học đầu tiên của nước ta cũng như khẳng định vị trí biểu tượng cho văn hóa Việt của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 
Nếu lựa chọn một số sự kiện của Việt Nam tiêu biểu trong cả thiên niên kỷ vừa qua thì cuộc dời đô năm 1010 hẳn được chọn xếp là sự kiện nổi bật hàng đầu. Nhưng không chỉ một việc ấy, nhà Lý còn có một quyết sách văn hóa cũng không kém phần lớn lao với tầm vóc thiên niên kỷ: Đó là sự kiện vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu (năm 1070) và sau đó Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long (1076). Về sự kiện này quốc sử chỉ ghi vài dòng vắn tắt: “Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ năm thứ 2 (1070)… Mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đặp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ ảnh Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây” (Toàn thư, BK 2-5). Thế nhưng, qua thời gian, sự kiện này ngày càng được nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn. Nó không chỉ khép lại quá khứ cả ngàn năm Bắc thuộc mà đã mở ra một thời kỳ phục hưng văn hóa dân tộc, cải biến nước ta từ địa vị một bang ấp “man di” trở thành một nước độc lập có nền văn hiến đáng tự hào ở Đông Á.
 
Việc xây dựng Văn Miếu, thành lập Quốc Tử Giám không chỉ là minh chứng ghi nhận quyết sách về đường hướng của nền giáo dục mà còn thể hiện cả lý tưởng xây dựng nền trị đạo nhân nghĩa trên đất nước ta. Sau khi làm cuộc thiên đô vĩ đại, triều Lý cần có sự mở rộng tương ứng về quy mô các thiết chế của triều đình cùng với đó là việc cắt đặt các chức vụ đảm trách công việc binh dân, hình chính, gọi tên các tướng võ quan văn sao cho quy củ và hệ thống. Chưa kể việc soạn định các luật lệ cũng là một đòi hỏi gay gắt. Vậy nên yêu cầu cấp thiết ở đời Lý là phải có một đội ngũ trí thức đủ trí đủ tài đảm đương công việc của triều đình. Nhà vua nêu gương trước bằng cách cho hoàng thái tử đến học tập ở Văn Miếu và vào năm Giáp Dần niên hiệu Thái Ninh thứ 3 Lý Nhân Tông đã cho mở khoa thi Nho học đầu tiên. Sau khoa thi mở đầu nói trên, nền giáo dục khoa cử chữ Hán có lịch sử hơn 900 năm ở nước ta thực sự đã bắt đầu.
 
Từ triều Lê về sau quy chế giáo dục thi cử ngày càng đầy đủ hoàn bị. Từ đời Lê Thánh Tông, triều đình quy định 3 năm mở một khoa thi. Và có thể nói triều Lê là một trong những vương triều khát cầu hiền tài. Tấm bia đầu tiên trong loạt bia tiến sĩ có đoạn văn nổi tiếng có thể coi như một tuyên ngôn của triều đại này khẳng định vai trò của giới trí thức và kỳ vọng của một đất nước đối với họ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước suy yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là công việc trước nhất”. Qua các triều Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Lê trung hưng, Nguyễn, nền giáo dục Nho học ngày càng lan tỏa đến tận các làng quê xa xôi, khẳng định được vị thế của mình trong đời sống xã hội, đời sống chính trị Đại Việt.
 
Ý nghĩa của Quốc Tử Giám đã hẳn quan trọng nhưng đó chỉ là cụ thể của một thiết chế giáo dục, còn Văn Miếu thờ Khổng Tử lại chính là biểu tượng khái quát cho cả thiết chế chính trị - xã hội và ý thức thượng tầng của một quốc gia dân tộc bởi đây là bậc thầy đã mở mang học vấn, mở mang văn hóa không chỉ cho Trung Quốc mà còn cả các nước đồng văn. Thờ Khổng Tử, cũng như ở Nhật Bản, Triều Tiên, những quốc gia dựng Văn Miếu tôn thờ “Vạn thế sư biểu” để thể hiện nội dung tông chỉ của nền giáo dục quốc gia, ở Việt Nam, Khổng Tử có ý nghĩa rất lớn, tiêu biểu cho nền văn hóa của cả dân tộc. Thế nên, Văn Miếu chắc chắn không thể chỉ dược coi đơn thuần là nơi thờ cúng.
 
Từ khi thành lập cho đến đầu đời Trần, Văn Miếu vẫn phụng thờ Khổng Tử, Chu Công, Thất thập nhị hiền của Trung Hoa. Nhưng đến cuối đời Trần có một bổ sung quan trọng đó là việc vua Trần Nghệ Tông xuống chiếu quy định việc Văn Trinh công Chu An được tòng tự ở Văn Miếu. Đây là lần đầu tiên một nhà Nho nước ta được lập thờ ở Văn Miếu, một quyết định đúng đắn hợp lòng người vì Chu Văn Trinh không chỉ là thầy học của thái tử mà còn là nhà giáo dục rất tiêu biểu của nước ta. Ông là một nhân cách lớn xứng đáng được nhiều thế hệ nhà nho Việt Nam tôn thờ.
 
Qua thời gian và những biến cải của lịch sử, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long càng khẳng định được giá trị là nơi lưu dấu quá trình hình thành và phát triển của tầng lớp trí thức Nho học Việt, những người đã tiếp thu và phát huy xuất sắc tinh hoa của các nền văn minh phương Đông để sáng tạo ra cả kho tàng di sản văn hiến Hán Nôm giàu đậm tinh thần yêu nước và bản sắc dân tộc. Và nó chính là yếu tố làm nên hình ảnh một biểu tượng uy nghi, tôn nghiêm cho nền văn hóa Việt Nam.
 
 
Nguyễn Dung
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)