Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 25/02/2015 04:55
Một số ngôi chùa tiêu biểu của Hà Nội

Trải qua tiến trình lịch sử từng thời kỳ, chùa ở Hà Nội, bên cạnh những nét chung, còn có những nét riêng của Thăng Long – Hà Nội. Hiện nay, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, xen kẽ giữa những phố phường tấp nập có 130 ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

 
Với hơn hai trăm năm của vương triều Lý vốn trong Phật giáo nên chùa thời Lý có những dấu ấn đặc biệt, phần lớn đều có quy mô hơn các ngôi chùa được xây dựng vào các đời sau. Nhà Lý đã dành một phần ngân quỹ để xây chùa, vua Lý Thái Tổ đã phát tiền kho hai vạn quan thuê thợ làm chùa Sở ở phủ Thiên Đức, Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã đứng ra xây dựng 100 ngôi chùa. Năm 1031, nhà Lý phát tiền kho để xây cất 950 chùa, quán ở các nơi. Phần lớn các ngôi chùa thời Lý, qua thăng trầm thời gian đã bị đổ nát, hư hại, chỉ còn là phế tích. Đền chùa Bà Tấm (huyện Gia Lâm) là một di tích liên quan đến Phật giáo thời Lý mà dấu vết hiện tồn là đôi sư tử đá, thành bậc chim phượng, và hàng hoa dây chạm nổi, tại chùa Huỳnh Cung (Văn Điển, huyện Thanh Trì) còn một pho tượng của thời Lý. Thời nhà Trần, chắc chắn trên đất Hà Nội có nhiều chùa, nhưng đã hư hại, mất mát mà đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm ra được dấu vết như sử sách ghi chép. Thế kỷ XVI, Phật giáo phục hưng với sự phát triển nhiều của tượng Quan Âm, tượng tam thế như tượng Quan Âm ở chùa Đa Tốn, tượng tam thế ở chùa Nành, chùa Lệ Mật (quận Long Biên). Thế kỷ XVII, nhiều chùa với kết cấu mặt bằng khá lớn xuất hiện, trong đó có nhiều tượng như tượng ở các chùa Phúc Nương, Kiêu Kỵ, Quảng Bá… Từ thế kỷ XIX về sau, nhiều chùa ở Hà Nội được tu bổ lại như chùa Trấn Quốc, chùa Bà Đá, chùa Hoè Nhai…  Dưới đây xin giới thiệu một vài ngôi chùa tiêu biểu:
 
* Chùa Trấn Quốc là một ngôi chùa cổ nhất ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng. Được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (541-547), chùa có tên là chùa Khai Quốc, thời Lê Thái Tông (1440-1442) chùa đổi tên thành chùa An Quốc, thời Lê Hy Tông chùa đổi tên là chùa Trấn Quốc, năm 1842 vua Thiệu Trị tới thăm đổi tên là chùa Trấn Bắc, nhưng dân gian vẫn gọi là chùa Trấn Quốc cho tới bây giờ. Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa còn giữ được lối kiến trúc độc đáo với phía trước là nhà bái đường, rồi đến nhà tam bảo, phía sau mới là hai dãy hành lang thập điện và gác chuông. Trong chùa có một số tượng đẹp như bộ tam thế, Thích Ca nhập Niết Bàn bằng gỗ sơn son thếp vàng, trong chùa có 14 bia, chùa còn có một vườn tháp với nhiều tháp. Chùa Trấn Quốc là một di sản văn hoá góp phần tôn thêm vẻ đẹp của thắng cảnh hồ Tây.
 
* Chùa Một Cột được xây dựng vào năm Kỷ Sửu (1049) thời Lý Thái Tông (Đại Việt sử ký toàn thư) nhưng theo văn bia dựng năm Cảnh Trị thứ 3, chùa được dựng từ thời thuộc Đường, nhưng được sửa sang vào thời Lý Thánh Tông… Chùa đã qua nhiều lần tu sửa. Đến năm 1954, khi người Pháp rút quân khỏi Hà Nội đã đặt mìn phá nổ chùa, sau ngày tiếp quản thủ đô Bộ Văn hoá đã cho tu sửa chùa theo mẫu cũ của chùa vào thời nhà Nguyễn. Về phương diện kiến trúc có thể thấy toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá, cột hình trụ cao 4 mét chưa kể phần chìm dưới đất, có đường kính 1,2 mét đó là sự độc đáo riêng của ngôi chùa này. Chùa Một Cột là một di sản văn hoá vật thể chứa đựng tư tưởng của Phật giáo, nhưng gắn bó với vương triều có vai trò định đô ở Thăng Long. Chùa có tên chữ là “Diên Hựu tự”, từ tên chùa đến các nghi lễ trước đây đều gắn với các đời vua nhà Lý, lại ở trong vườn cấm phía Tây nên gần như là chùa riêng của hoàng gia. Kiến trúc của ngôi chùa này là một sáng tạo của các nhà kiến trúc giữa thế kỷ XII.
 
* Chùa Quán Sứ: Thời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), cạnh khu vực này có nhà công quán của triều đình dùng để đón tiếp sứ giả của các nước như Chiêm Thành, Vạn Tượng. Sứ giả của các nước theo đạo Phật nên cạnh công quán có một ngôi chùa để các sứ thần đến hành lễ, về sau công quán bị phá bỏ, nhưng chùa thì còn, do đó chùa mang tên chùa Quán Sứ. Năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ lấy chùa này làm hội quán và năm 1942, chùa được xây dựng như quy mô và trang trí nội thất như hiện nay.
 
* Chùa Kim Liên nằm trên phần đất làng Nghi Tàm phường Quảng An, quận Tây Hồ, chùa Kim Liên còn có tên gọi là chùa Đại Bi. Theo tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý nhưng đã qua nhiều lần tu bổ, trùng tu, do đó, về cơ bản chùa Kim Liên là kiến trúc đời Tây Sơn. Kết cấu kiến trúc, trang trí trên kiến trúc chùa rất độc đáo, nhất là tam quan. Đây là một công trình kiến trúc khác hẳn các chùa nổi tiếng khác trong nước bởi nó được kết cấu theo kiểu chồng diềm hai tầng tám mái, đặt trên một hàng bốn cột có các chân tảng đá hình cánh hoa sen đỡ dưới. Độc đáo hơn là những pho tượng đẹp, trong chùa có 47 pho tượng trong đó có 35 pho tượng Phật, có những pho tượng đẹp như tượng Tôn Ngộ Không, tượng Văn Thù và tượng Xá Lợi. Ngoài ra, chùa còn có những bia cổ rất có giá trị như tấm bia niên hiệu Thái Hoà năm thứ nhất (1443), Dương Hoà năm thứ 5 (1639)…
 
Qua một vài nét khái quát về một số ngôi chùa tiêu biểu của Hà Nội được phân tích, giới thiệu trên đây, có thể thấy điểm nổi bật chung của các ngôi chùa ở Hà Nội là thường được xây dựng cách biệt với khu dân cư và hài hoà với cảnh quan thiên nhiên. Chùa là một quần thể kiến trúc (từ ngoài cổng vào) gồm tam quan, gác chuông, tiền đường, nhà thiêu hương, thượng điện. Có chùa có thêm các kiến trúc khác như tả vu, hữu vu, nhà tổ, nhà tăng, nhà khách, nhà bếp, các tháp, nhà bia, các bia… Về bài trí, các tượng trong chùa thường có ông Thiện, ông Ác, tượng Thích Ca Mâu ni, tượng Bồ Tát, ở thượng điện có tượng Di Lặc, Phổ Hiền, Văn Thù, Thế Tôn, Đại Thế Chí, tam thế… Trải qua hàng trăm năm, những ngôi chùa vẫn giữ nguyên được dáng vẻ nguyên sơ, cổ kính. Những ngôi chùa ở Hà Nội là sản phẩm văn hoá chứa đựng tinh thần khuyến thiện, lẽ nhân bản, sự bao dung và là nơi thoả mãn nhu cầu tâm linh của người dân các thế hệ.
 
 
Bảo Thy
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)