Di tích cách mạng – kháng chiến trên địa bàn Thủ đô
+ Quận Hoàn Kiếm: 40 di tích
+ Quận Ba Đình: 12 di tích
+ Huyện Đông Anh: 11 di tích
+ Quận Đống Đa: 10 di tích
+ Các quận, huyện ít nhất cũng có 1, 2 di tích.
Trên phương diện lịch sử, có 16 di tích gắn với thời kỳ trước năm 1930, 6 di tích gắn với thời kỳ 1930-1931; 2 di tích gắn với thời kỳ 1932-1935; 15 di tích gắn với thời kỳ 1936-1939; 5 di tích gắn với thời kỳ 1930-1945; 28 di tích gắn với giai đoạn 1940-1945; 24 di tích gắn với giai đoạn 1946-1954; 8 di tích gắn với giai đoạn 1956-1975. Theo TS. Nguyễn Doãn Tuân, vào năm 2002 đã có 21 di tích được công nhận xếp hạng (chiếm 20,19%) và 49 di tích được gắn biển (chiếm 47,11%).
Hà Nội là nơi đã diễn ra và ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với những hoạt động của Đảng và nhân dân ta, Đảng bộ và nhân dân thủ đô Hà Nội nói riêng, đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), tổng khời nghĩa Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh mùng 2/9/1945, Hà Nội mùa đông năm 1946 mở đầu cho những năm tháng toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hà Nội cùng cả nước 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Các di tích cách mạng và địa danh cách mạng, kháng chiến ở Hà Nội rất đa dạng và phong phú với:
- Những địa điểm, ngôi nhà, căn hầm, góc phố, con đường, trận địa, nhà tù, ngôi mội, nơi ghi dấu sự kiện lịch sử cách mạng có liên quan trực tiếp đến quá trình hoạt động của các tổ chức cá nhân, các vị lão thành cách mạng, các lãnh tụ của Đảng và Nhà nước.
- Nơi ghi dấu những chiến tích anh hùng, nơi tố cáo tội ác của kẻ thù xâm lược, đồng thời nêu cao khí phách anh hùng kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cách mạng cộng sản ở Thủ đô trong quá trình lịch sử từ những năm 20 của thế kỷ XX đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta.
- Ở thủ đô Hà Nội, còn nhiều di tích cách mạng quan trọng, có ý nghĩa như những mốc son đánh dấu sự ra đời, quá trình hoạt động phát triển và sự thành công của các phong trào cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào cách mạng của Hà Nội nói riêng.
Những di tích lịch sử cách mạng – kháng chiến ở Hà Nội phản ánh sự kiện:
+ Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh chủ yếu là những nơi diễn ra những trận đánh tiêu biểu tiêu diệt địch, những nơi đóng quân (như pháo đài Láng, rạp Tố Như, chợ Đồng Xuân…).
+ Cuộc kháng chiến của quân dân Hà Nội trong vùng tạm chiếm (đó là nơi diễn ra trận đánh sân bay Gia Lâm, Bạch Mai…)
+ Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và Điện Biên Phủ trên không (năm 1972) có phố Khâm Thiên, hồ Hữu Tiệp, Ngọc Hà…
+ Cùng với các di tích tiêu biểu nêu trên có những di tích từng là nơi kẻ thù giam giữ các chiến sĩ cách mạng như Nhà tù Hoả Lò, Nhà Tiền, Nhà tù Thanh Liệt… đồng thời cũng là nơi tố cáo tội ác dã man của kẻ thù đồng thời nêu cao khí phách kiên cường anh dũng bất khuất của các chiến sĩ cộng sản Việt Nam thời kỳ cách mạng đó.
+ Một đặc điểm nữa cũng cần được đề cập tới đó là các di tích cách mạng – kháng chiến trên địa bàn thủ đô Hà Nội hầu hết là những công trình có sẵn (như ngôi nhà, trụ sở, căn phòng, đường phố, kiến trúc hay là những công trình được nhân dân Thủ đô tạo ra cho phù hợp với mục đích sử dụng như: căn hầm bí mật. Vì vậy, về mặt niên đại xây dựng chúng có niên đại rất muộn so với niên đại xây dựng của các di tích kiến trúc - nghệ thuật khác.
Mỗi di tích ấy đều mang trong nó nhiều giá trị khác nhau mà ngày nay chúng ta cần phải bảo vệ và phát huy nhằm giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho các thế hệ đi sau. Di tích cách mạng - kháng chiến chứa đựng trong mình giá trị lịch sử to lớn:
Giá trị giáo dục truyền thống: Gắn với những chiến công của các thế hệ đi trước, mỗi di tích lịch sử cách mạng đều góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức được những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Những di tích lịch sử cách mạng không chỉ giúp thế hệ trẻ ngày nay có nhận thức đúng đắn về lịch sử mà còn góp phần làm tăng thêm lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đến với những di tích lịch sử cách mạng, mỗi người đều mang lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước - những người đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, hi sinh để giữ gìn độc lập của đất nước. Chính điều đó tạo nên tính chất lâu bền cho mỗi di tích và lan truyền rộng rãi cho nhiều thế hệ sau.
Và trong mỗi di tích lịch sử cách mạng còn chứa đựng giá trị lưu niệm danh nhân hay sự kiện: những di tích ấy phản ánh về từng sự kiện lịch sử quan trọng hay một giai đoạn hoạt động của các danh nhân cách mạng lỗi lạc như Hồ Minh, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Cừ... Thông qua các di vật như đồ dùng sinh hoạt, những kỷ vật riêng gắn bó với cuộc sống, sự nghiệp của các danh nhân trong từng di tích, các nhà nghiên cứu, khách tham quan có thể hiểu được đặc điểm, tính cách, thói quen, lối sống của các danh nhân, hiểu được tầm trí tuệ, kiến thức, tinh thần cách mạng của các danh nhân trong tiến trình lịch sử, đồng thời nắm được giá trị và ý nghĩa của từng sự kiện lịch sử đã diễn ra ở di tích.
Bên cạnh giá trị về lịch sử, giáo dục truyền thống, lưu niệm thì các di tích cách mạng - kháng chiến còn chứa đựng giá trị văn hóa. Các di tích cách mạng - kháng chiến cùng với hệ thống các di tích lịch sử văn hoá khác là di sản văn hoá vô giá, góp phần tạo nên diện mạo của thủ đô Hà Nội. Giá trị của các di tích cách mạng – kháng chiến ở Thăng Long – Hà Nội là sự phản ánh chân thực trang sử của dân tộc Việt Nam, người dân Thăng Long – Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây là những dấu son của thời đại văn hiến Hồ Chí Minh, góp phần tạo dựng sự đa dạng phong phú của di sản văn hoá vật thể Thăng Long – Hà Nội. Ngày nay, việc phát huy giá trị của các di tích ấy có vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng. Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm mà còn tình cảm, thái độ tri ân của người Hà Nội hôm nay khi được sống trong “thành phố vì hoà bình” đối với cha ông và các thế hệ tiền nhân.
Trần Phương Thảo
Nhà xuất bản Hà Nội