Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 16/04/2015 03:47
Biểu trưng “Hồn nước” trong không gian thiêng của Thăng Long – Hà Nội

Không gian thiêng được tạo nên bởi những di tích tôn giáo và bầu không khí tâm linh mà di tích tôn giáo ấy cũng như những thói quen tập tục của đời sống tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng ấy tạo thành. Trong suốt 1000 năm thăng trầm, cái không gian tâm linh tôn giáo của Thăng Long – Hà Nội ngày càng phong phú không chỉ ở những đặc điểm tiêng biệt của đời sống tín ngưỡng tôn giáo, mà còn hoà trộn với cái không gian xã hội – văn hiến – văn hoá đặc biệt của đất Kinh kỳ. Bản thân Thăng Long, khi hình thành ý tưởng dời đô, trong tâm thức của các vua nhà Lý, tự nó đã là sự biểu trưng của “hồn dân tộc”, biểu trưng cho cội nguồn, cho sức mạnh trường tồn của Đại Việt.

 
Sau gần 1000 năm mới giành lại được nền độc lập, điều hiếm thấy trong lịch sử loài người, qua ba triều vua Ngô – Đinh - Tiền Lê ngắn ngủi, Lý Thái Tổ - vị vua khai sáng nhà Lý - với ý thức sâu sắc về triều đại và đất nước mình đã quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư ra Đại La và đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Bản thân việc dời đô đã báo hiệu cho sự thống nhất và tập trung chính quyền trung ương của Nhà nước ta ở thời kỳ đó, việc dời đô là cần thiết để khẳng định tư thế của quốc gia hướng tới sự phát triển lâu dài của dân tộc và bảo đảm nền độc lập.
 
Bài Chiếu dời đô tuy ngắn gọn nhưng đã phản ánh đầy đủ những suy nghĩ quan trọng ấy. Ngoài việc yêu cầu kinh đô mới phải xây dựng ở nơi “địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi”, thì lại phải chú ý tới thế đất theo quan niệm phong thuỷ lúc đó đã sâu đậm. Vùng đất mới chọn phải có thế “rồng cuộn hổ ngồi”, tạo được một cảnh quan bề thế uy linh. Sau này mặc dù có lúc Thăng Long không còn là thủ đô, một số địa điểm khác được thay thế như trường hợp Tây Đô, Huế, thậm chí có lúc Bình Định và Gia Định thành trung tâm, dưới thời Pháp thuộc nước ta bị chia làm 3 kỳ, mỗi kỳ có thủ phủ riêng. Nhưng quy chế hành chính ấy không thể thay thế được quy chế về tinh thần, quy chế về văn hoá tâm linh mà chỉ có Thăng Long mới đảm đương được. Nói cách khác, Thăng Long – Hà Nội đã trở thành một không gian tâm linh nhưng lại là một địa chỉ cụ thể mang ý nghĩa tượng trưng cho nền văn minh sông Hồng cội nguồn dân tộc hay văn minh đại Việt mà nhà Lý xứng đáng là triều đại mở đầu. Chính vì đặc điểm quan trọng này mà nhiều học giả khi bàn đến “hồn nước”, đã coi Thăng Long thực sự là một biểu trưng, là nơi quy tụ và lưu giữ “hồn nước”. Trần Bạch Đằng đã lột tả rất đúng rằng: “Thăng Long – Hà Nội không cảm hoá hơn 80 triệu người Việt bằng dáng vẻ hoành tráng nhưng nó được cả nước hoành tráng tô điểm cho nó. Thăng Long – Hà Nội có tiềm lực chinh phục con người hết sức lớn lao, đó là nếp sống, phong cách, tư thế của con người đạt trình độ văn hoá Thăng Long. Thăng Long, thủ đô chính trị, văn hoá và trên hết, thủ đô tinh thần của Việt Nam” (Trần Bạch Đằng, Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long, Người Đại biểu nhân dân, số 10/10/2005).
 
Dưới đây chúng ta sẽ cùng đi sâu thêm về khía cạnh tạo dựng một “cái thiêng” của Chiếu dời đô.
 
Việc Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “Mùa thu, tháng bảy, vua đời đô từ thành Hoa Lư ra thành Đại La của Kinh phủ. Lúc tạm đỗ dưới thành, rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự. Nhân đó bèn đổi tên thành là thành Thăng Long”. Như vậy là ngay từ Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ như đã linh cảm việc dời đô với một quẻ trong Kinh Dịch: “Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân”. Nghĩa là “Rồng hiện ra trên mặt đất, (đó là) điều thuận lợi để xuất hiện vĩ nhân” (Xem Kinh Dịch, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.69, Ngô Tất Tố dịch là “Rồng hiện ở ruộng, lợi về sự thấy người lớn”).
 
Sau đó Lý Thái Tổ còn phân tích 5 điều lợi của việc dời đô cũng theo đường hướng đó, đó là: Thứ nhất là vị trí “ở vào nơi trung tâm của trời đất”. Thứ hai là phương hướng “đúng ngôi nam bắc đông tây”. Thứ ba là địa thế “thuận tiện về hình sông thế núi” (tiện giang sơn hướng bội chi nghi). Thứ tư là có lợi về kinh tế “đất rộng mà bằng, cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi”. Thứ năm là về chính trị (đương nhiên cũng do 4 điều lợi trên đem lại) “tính kế muôn đời cho con cháu”.
 
Tiếp đó, Lý Thái Tổ còn đặt tên cho hàng loạt công trình kiến trúc ở Thăng Long theo kiểu Kinh Dịch như “dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu”, “điện Long An, Long Thuỵ”, “điện Nhật Quang, Nguyệt Minh”… Số lượng điện xây dựng ở Thăng Long là 8 (Càn Nguyên, Tập Hiền, Giảng Vũ, Cao Minh, Long An, Long Thuỵ, Nhật Quang, Nguyệt Minh). Chia đất nước làm 24 bộ (8 quẻ đơn, mỗi quẻ có 3 hào, 8 x 3 = 24). Phải chăng những điều này liên quan đến Bát Quái?
 
Khi bàn luận về điều này, có tác giả đã viết: “Lý Công Uẩn xem kinh đô khi còn ở Hoa Lư tương ứng với hào Sơ cửu quẻ Càn “Tiềm long vật dụng”, nghĩa là “Rồng còn ẩn mình dưới nước chưa thi thố tài năng được”. Từ chỗ còn “ẩn mình”, “chưa thi thố” ở Hoa Lư đến chỗ “hiện ra” ở Đại La (Thăng Long) là giai đoạn tiếp theo logic của quá trình phát triển lượng chất”. (Hà Thúc Minh, Văn hoá đạo đức, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr.120)
 
Từ những phân tích ở trên cho thấy, việc dời đô ra Đại La khởi đầu của nhà Lý không chỉ là ý nguyện của “lòng dân” trăm họ, mà còn là “ý trời” mà Chiếu dời đô đã toát lên. Đó là “ý trời”, sự thăng hoa của tâm thức tôn giáo dân tộc – đã tạo nên vị thế đặc biệt của tâm linh tôn giáo của Thăng Long – Hà Nội. Hơn nữa, không gian thiêng của Thăng Long – Hà Nội còn được tạo nên bởi một địa điểm có khả năng liên kết một không gian xã hội ngày càng rộng lớn bền chắc trên cơ sở sợi dây nối kết giữa các dòng họ, dòng tộc, các tộc người, … đó là dân tộc Việt Nam.
 
 
Hưng Đỗ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)