Không gian tâm linh khu phố cổ Hà Nội
Trên phương diện kinh tế, một nét đặc trưng của khu phố cổ Hà Nội là các phố nghề, vốn được hình thành bởi những người thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa quy tụ về, tập tung theo từng khu vực, chuyên sản xuất, buôn bán trao đổi những loại hàng hoá, sản phẩm thủ công nhất định.
Về lịch sử, quá trình hình thành, phát triển khu phố cổ có thể tính từ thời điểm vùng đất này bước vào quá trình đô thị hoá; song định hình và rõ ràng hơn cả là từ khi Lý Công Uẩn định đô. Trải qua các vương triều phong kiến Lý - Trần – Lê, gần như liên tục, Thăng Long – Đông Kinh đồng thời giữ chức năng trung tâm chính trị - hành chính và trung tâm kinh tế đất nước; bởi thế, Thăng Long sớm đã hình thành phân định thành hai khu vực với chức năng hành chính – quan liêu và kinh tế - dân gian. Khu vực kinh tế dân gian - với nhân lõi chính là khu phố cổ.
Về mặt không gian hiện nay, khu phố cổ Hà Nội được giới hạn bởi:
- Phía Bắc: phố Hàng Đậu
- Phía Tây: phố Phùng Hưng.
- Phía Nam: phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng.
- Phía Đông: phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.
Qua 1000 năm lịch sử, Thăng Long – Hà Nội ở khu vực trung tâm này đã hiện hữu giữa không gian phố cổ Hà Nội với một hệ thống các kiến trúc mang chức năng tôn giáo, tín ngưỡng cũng như hệ thống kiến trúc dân sự. Hai loại hình di tích kiến trúc này vừa là các bộ phận cấu thành, vừa là một yếu tố quan trọng phản ánh những đặc điểm về dân cư, kinh tế, tổ chức xã hội, đời sống tâm linh, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân khu vực này.
Không chỉ tập trung về số lượng, sự đa dạng về loại hình kiến trúc cũng là một đặc điểm nổi bật nữa của hệ thống di tích khu phố cổ. Trong số 89 di tích, hiện diện khá đầy đủ những loại hình kiến trúc thuộc nhiều tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tổ nghề, tín ngưỡng thờ Mẫu… của người Việt chủ thể và người Hoa. Đó là hệ thống chùa, đình (cũng có cả đền, miếu) thờ các vị thần (nhân thần, nhiên thần, thiên thần). Ở đây, đầu thế kỷ XX lại xuất hiện cả Chùa Tây Đen, tức Thánh đường Hồi giáo mà chủ sở hữu là các kiều dân Ấn Độ và Pakistan. Các ngôi vọng từ thờ các thần Thành hoàng, các vị tổ nghề (nhiều trường hợp vừa là Thành hoàng, vừa là tổ nghề) được đưa ra thờ tại Thăng Long từ quê hương; các đền, miếu thờ Mẫu và chư vị của tín ngưỡng dân gian; quán Đạo giáo (quán Huyền Thiên); nhà thờ tổ họ (từ dường họ Nguyễn, số 112 phố Hàng Bông), các hội quán thờ bà Thiên Hậu, Quan Đế (Quan Vũ) của người Hoa (hội quán Phúc Kiến; hội quán Việt Đông, dân gian vốn trước vẫn quen gọi là chùa Hoa, chùa Tàu).
Để thấy rõ những giá trị tâm linh đặc biệt của khu phố cổ Hà Nội, qua cuốn “Chuyến đi thăm Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876)” - một trong những cuốn văn xuôi, bút ký đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký. Đọc cuốn sách sẽ cho ta thấy nhiều nét sinh hoạt sống động của người Hà Thành ở khu vực trung tâm thành nội, kể cả hồ Hoàn Kiếm, cung cách làm việc của dinh Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Đăng Giai cho đến Toà lãnh sự Pháp ở Hà Nội. Đặc biệt liên quan đến sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, Trương Vĩnh Ký có những mô tả hết sức quý báu về điện Kính Thiên, Văn Miếu, chùa Một Cột, một ngôi chùa khác ở ven hồ Gươm mà tác giả gọi là “chùa do ông Nguyễn Đăng Giai lập”. Thú vị hơn là Ông thánh đồng đen. Ông viết: “Ra cửa ô Bưởi đi coi chùa Trấn Võ quan, tục kêu là Ông thánh đồng đen ở bên mép hồ Tây. Tượng ấy là tượng ngồi cao lên tới nóc chùa, đúc bằng đồng đen cả. Tóc quăn như đầu Phật, mặt cũng từa tựa. Còn từ cổ sấp xuống thì da như hình ông thánh Phaolô, một tay chống lên trên cán cây gươm chỉ mũi lên trên mu con rùa, một tay thì ngay ngón trỏ mà chỉ lên trời, chơn thì đi dép. Có chữ đề mà đã mòn đã lu đi coi không ra” (Xem P.J.B. Trương Vĩnh Ký, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), Bản in Nhà hàng C. Guilland et Martinon, Sài Gòn, 1881, tr.8).
Cư dân Thăng Long nói chung, cư dân khu vực phố cổ nói riêng cũng là sự tích hợp của quá trình nhập cư. Điểm dễ nhận thấy của cư dân nơi đây là tính đa dạng về nguồn gốc, nó chính là kết quả của quá trình hội tụ các bộ phận cư dân di cư đến từ nhiều vùng miền… Khi họ hội tụ về Thăng Long không chỉ mang theo lối sống, nghề nghiệp mà còn đem theo cả những thói quen tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng…, tạo nên tính đa dạng trong đời sống văn hoá vật chất cũng như tinh thần của thành phố này.
Số đình, đền còn lại hiện nay, phần lớn là do dân “tứ xứ” lập nên. Có thể kể đến Châu Khê vọng từ - ngôi đền của những người dân Châu Khê ra Thăng Long làm nghề kim hoàn và vàng bạc. Ngôi vọng từ này là nơi họ tổ chức cúng lễ, tế vọng vị thần Thành hoàng ngay tại đất kinh đô. Có thể thấy, phần đông các vị Thành hoàng được lập vọng từ ở Thăng Long là các vị tổ nghề: đình Xuân Phiến tại số 4 Hàng Quạt thờ ông họ Đào - tổ nghề làm quạt của dân làng Ân Thi - Hải Dương; đình Phả Trúc Lâm (số 40 phố Hàng Hành) và đình Hài Tượng (số 16 ngõ Hài Tượng) thờ Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung - tổ nghề thuộc da, đóng hia hài, các ông Thuần Chính, Đức Chính, Sĩ Bân (tổ nghề da giày) ở làng Chắm (Gia Lộc - Hải Dương); đình Hài Tích (số 1 phố Lò Rèn) thờ Phạm Nguyệt, Nguyễn Nga, Nguyễn Cẩm Thánh sư – là các vị tổ sư nghề rèn, gốc ở làng Hoà Nhị, Xuân Phương, Từ Liêm. Ông tổ nghề sơn son, thếp vàng là Trần Lư (1470-1540) quê làng Bình Vọng, Thường Tín, đỗ Tiến sĩ năm 1502 được thờ ở đình Hà Vỹ (số 11 phố Hàng Hòm); đền thờ vọng Nhị Khê (Nhị Khê vọng từ) số 11 Hàng Hành thờ ông tổ nghề tiện gỗ…
Không chỉ phản ánh các đặc điểm dân cư, nghề nghiệp, di tích tôn giáo, tín ngưỡng, khu vực phố cổ còn là những dấu ấn, gắn liền và phản ánh lịch sử tạo dựng mảnh đất Thăng Long, của những con người, những nhân vật huyền thoại sinh ra và gắn bó với mảnh đất này từ hàng thế kỷ trước cũng như Thăng Long đảm giữ vai trò kinh đô. Đền Tiên Ngư (nay thuộc phố Hàng Cá) thờ Lý Tiến – theo thần tích vốn làm nghề đánh cá từ thời Hùng Vương. Đình Đức Môn (số 38 phố Hàng Đường) thờ Ngô Văn Long - một bộ tướng thời Hùng Duệ Vương. Đền Bạch Mã nổi tiếng là nơi thờ thần Bạch Mã - vốn là thần Long Đỗ - tương truyền đã hiện ra khi Cao Biền cho đắp thành Đại La. Đình Tân Khai (44 Hàng Vải) thờ thần Bạch Mã, Tô Lịch, và Thiết Lâm đại vương. Đình Thanh Hà (số 10 Ngõ Gạch thờ Trần Lực, danh tướng thế kỷ thứ XIII thời Trần). Đền Tiên Hạ (số 48 ngõ Phật Lộc) thờ Nguyễn Trung Ngạn…
Truyền thống “tiền Phật hậu thánh /hậu mẫu” của Phật giáo Việt Nam in dấu rất rõ trên các ban thờ ở khu phố cổ. Hiện còn có nhiều ngôi đền, miếu, điện được xây dựng để dành riêng cho loại hình tín ngưỡng này, song hiện nay đã biến thành nơi cúng thờ hoặc chuyển hoàn toàn thành nơi thờ Tứ phủ, đó là trường hợp của đền Bạch Mã, đền Đồng Thuận (11 Hàng Cá) trước chỉ thờ Lý Tiến, đền Nguyên Khiết (số 102 Hàng Bạc)…
Với không gian hẹp, hơn nữa đất quý như vàng đã khiến khu phố cổ nổi lên một đặc điểm là không có sự phân định cách biệt tuyệt đối không gian kiến trúc dân sự và tôn giáo. Vì thế, không gian đô thị khu phố cổ Hà Nội - vốn dành cho các kiến trúc dân gian nhà ở, cầu quán, dinh thự… lại liền kề với đình đền, chùa quán, thậm chí là cả nhà thờ, thánh đường. Đặc biệt hơn có những ngôi đình, đền được đặt ở tầng hai, gác trên của một ngôi nhà (như trường hợp của đình Trung Yên, thờ vị Tiến sĩ triều Mạc).
Theo nhiều ý kiến nhận xét của các chuyên gia kiến trúc tôn giáo Hà Nội thì bố cục nhiều các ngôi chùa trong khu phố cổ thường là sự tiết kiệm tối đa các khoảng không gian. Chùa chính có mặt bằng hình chữ “công”, chữ “đinh”. Các kiến trúc phụ bao gồm nhà mẫu, nhà tổ (chùa Thái Cam), hoặc thêm cả hành lang (chùa Cầu Đông). Có chùa chỉ có kiến trúc chùa chính (chùa Vĩnh Trù). Các trang trí trên kiến trúc không nhiều, tiêu biểu có các ngôi chùa Cầu Đông, chùa Thái Cam. Đề tài trang trí là các linh vật, hoa, lá, quả. Dấu ấn còn lại phần nhiều là phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX thời Nguyễn.
Các di tích kiến trúc đình, đền, phần lớn đều có bố cục không gian trải theo chiều sâu, với ba lớp nhà, một số di tích có thêm kiến trúc phương đình (đền Bạch Mã, đình Thanh Hà, đền Hoá Thần). Bộ khung nhà đều làm bằng gỗ, với các bộ vì được kết cấu theo kiểu “chồng rường con nhị”, “chồng rường hai hàng chân” (đền Bạch Mã, đền Thanh Hà), kiểu “vì kèo” (đình Đức Môn). Trong một số kiến trúc có vòm “vỏ cua” nối các nếp nhà (đền Bạch Mã, đình Hương Tượng, đình Đức Môn).
Với các hội quán, loại hình kiến trúc gắn với các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo và sinh hoạt cộng đồng của người Hoa. Khu phố cổ Hà Nội hiện còn 2 hội quán, với hai phong cách kiến trúc khá rõ rệt. Hội quán Phúc Kiến (số 40 phố Lãn Ông) và hội quán Quảng Đông (số 22 Hàng Buồm), cũng tạo nên sự phong phú, đa dạng của không gian tâm linh Hà Nội.
Quán Đạo giáo Huyền Thiên (phố Hàng Khoai), được dựng trên mặt bằng lớn, cũng có nét kiến trúc lạ mắt, như có thêm thông điệp về đặc tính Đạo giáo nơi người Thăng Long.
Quang Hưng
Nhà xuất bản Hà Nội