Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 16/04/2015 04:21
Sự bất ổn định ở Hà Nội trong năm đầu chiến tranh mới bùng nổ

Chiến tranh bùng nổ đã đưa Hà Nội từ trung tâm chính trị - hành chính của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trở thành một vùng lãnh thổ có sự tương tác quyền lực chính trị - hành chính giữa hai bên tham chiến, mà hình thái biểu hiện về phía lực lượng kháng chiến là tổ chức và hoạt động bí mật, còn phía Pháp là công khai. Và từ năm đầu khi chiến tranh bùng nổ đã chuyển Hà Nội từ trạng thái ổn định sang trạng thái không ổn định. Sự không ổn định này được thể hiện ở một số điểm như sự biến động dân cư, đời sống sinh hoạt của người dân, đường sá và điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế đô thị Hà Nội… bị đình trệ, bất ổn định, nhất là khi thực dân Pháp áp dụng chế độ quân quản tuyệt đối trên toàn bộ khu vực nội thành.

 
Thứ nhất là, dân cư đô thị Hà Nội biến động mạnh khi chiến tranh nổ ra và giảm sút nhanh chóng khi Pháp bắt đầu thiết lập chế độ kiểm soát. Số đông cư dân Hà Nội không chịu sống với Pháp đã tản cư ra vùng tự do, số ở lại chủ yếu là Hoa Kiều, người Việt cộng tác chặt chẽ với Pháp hoặc bị “kẹt”lại. Dân cư từ nội đô tản cư đến các địa phương phụ cận, chủ yếu là Hà Đông. Đây là hiện tượng di cư ngược từ đô thị Hà Nội về nông thôn, mà lúc bấy giờ thường gọi là tản cư. Gọi là tản cư vì sự di cư không tập trung, mà bị phân tán về khắp nhiều vùng nông thôn quanh Hà Nội, hay nói cách khác đó là di cư phân tán từ đô thị về nông thôn. Tản cư không chỉ là sự di chuyển không gian cư trú và sinh hoạt, chấp nhận từ trạng thái ổn định sang trạng thái không ổn định, mà di chuyển cả cách thức tổ chức đời sống đô thị trên các tụ điểm dân cư mới ở vùng nông thôn. Tụ điểm tản cư đông nhất là Cống Thần, Chợ Đại, Đồng Quan (giáp ranh giữ nam Hà Đông và bắc Hà Nam). Phạm Khắc Hoè trong hồi ký của mình đã ghi lại đời sống của dân tản cư khi đi qua những vùng này như sau: “So với cảnh tiêu điều, xác xơ của chợ Cửa Nam và chợ Hàng Da, chúng tôi mới thấy hôm trước ở Hà Nội thì chợ Đồng Quan nhộn nhịp vui hơn nhiều. Hàng gì cũng có, kẻ bán người mua tấp nập, mà phần lớn đều có phong cách lịch lãm của người Thủ đô tản cư ra…” (Phạm Khắc Hoè: Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Hồi ký (in lần thứ 3), Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1987, tr.406).
 
Phải đến giữa năm 1947, khi Pháp nỗ lực ổn định tình hình Hà Nội, thì lại xuất hiện dòng hồi cư. Từ giữa năm 1947 đến cuối năm 1947, dòng hồi cư lẻ tẻ hoặc từng tốp nhỏ liên tục diễn ra. Người hồi cư vì điều kiện kinh tế hoặc vì giặc Pháp vây ráp. Tuy nhiên, số này rất ít và chỉ sống tập trung ở mấy phố Hàng Buồm, Hàng bạc, Hàng Mắm, Hàng Bè… của Liên khu I trước đây. Ở các làng ngoại thành, người dân thực hiện “tiêu thổ kháng chiến” và một bộ phận cũng tản cư ra vùng tự do.
 
Thứ hai là, đời sống đô thị Hà Nội sầm uất trước đây được thay thế bằng trạng thái bất ổn, bất thường. Mất điện, mất nước, Hà Nội chìm trong bóng tối. Những gia đình hồi cư thì của cải phần nhiều bị thổ phỉ, lưu manh, Tây lai … lấy đi. Giá cả sinh hoạt tăng vọt: 100đ (Đông Dương) 1 cân thịt, 10đ một mớ rau trong lúc công nhật trung bình của một công nhân là 14đ87 (Theo Tập san kinh tế Đông Dương, tháng 3 - 4/1950).
 
Thứ ba là, đường sá, cầu cống, nhà cửa, nhà máy điện, nhà máy nước đều bị hư hỏng, phần do bom đạn chiến tranh, phần do thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”. Hầu hết các phố đều có vết đạn tàn phá, nhất là ở liên khu I có cả dãy phố sụp đổ. Đến cuối năm 1947, ở nhiều phố, chướng ngại vật vẫn còn và giao thông hào ngang phố vẫn chưa được khắc phục.
 
Thứ tư là, kinh tế Hà Nội hoàn toàn bị đình trệ. Những gia đình còn ở lại hoặc mới hồi cư có vốn muốn kinh doanh cũng ngại tu sửa cửa hàng vì sợ lính Tây hoặc Việt gian hạch sách, cướp phá. Những người hồi cư, trừ một số rất nhỏ tìm được việc, đều quay vào buôn bán hàng vặt như rau, tôm, cá, thịt. Phần lớn chợ bị phá nên dân họp chợ ngay trên vỉa hè phố Hàng Buồm hoặc ngã ba đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ và Hàng Gai. Thực dân Pháp nỗ lực vãn hồi tình trạng kiệt quệ, tiêu điều của Hà Nội, nhưng đến đầu tháng 6/1947 mới có điện và nước ở một số khu phố nhỏ thuộc Liên khu I và vài phố xung quanh nhà ga. Từ tháng 7/1947, các phố trung tâm thương mại truyền thống như Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Ngang, Đường Thành và Cửa Bắc mới có lác đác vài cửa hàng khai trương với hàng hoá xuất xứ từ Pháp (rượu, thuốc lá, nước hoa…), chủ yếu để phục vụ cho lính Pháp. Nguồn nông lâm thổ sản từ ngoài vào Hà Nội bế tắc, thực dân Pháp phải cố tải gạo và củi từ Sài Gòn ra tiếp tế cho Hà Nội.
 
 
Ngọc Phúc
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)