Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 16/04/2015 04:26
Hoàn cảnh lịch sử và công tác quản lý – phát triển thủ đô Hà Nội từ năm 1954 đến 1975

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, đồng thời rút hết quân về nước. Đúng 8h ngày 10/10/1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào từ 5 cửa ô, tiếp quản Thủ đô sau 9 năm bị tạm chiếm. Hà Nội từ đây sạch bóng quân thù, cờ hoa hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về trong ngày lịch sử. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến. Kể từ đây, Thủ đô Hà Nội thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột. Người dân được đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước.

 
* Sự kiện 10/10/1954 đã đánh dấu sự tái lập vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước của Hà Nội sau 8 năm bị gián đoạn do Pháp tạm chiếm. Nhưng những hậu quả phá hoại của thực dân Pháp đối với Hà Nội rất nặng nề, chính vì vậy, để khôi phục và phát triển Thủ đô đã đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực, vật lực thực hiện.
Về cơ sở vật chất - kỹ thuật, các công sở quan trọng lúc đó nhiều hay ít đều bị phá hoại, trong đó 25 công sở bị thiệt hại nặng, không thể tiếp tục làm việc, 31 công sở chỉ còn lại một phần tài sản. Hồ sơ quý hiếm đều bị thiêu huỷ hoặc chuyển đi. Công chức người Việt trước đây tham gia chính quyền cũ, một số di cư, một số ở lại tuy có kỹ thuật hành chính, tinh thần dân tộc, nhưng không tránh khỏi tâm lý mặc cảm, lo lắng. 23 đảng phái phản động còn tồn tại, một số lén lút rải truyền đơn, xuyên tạc chính sách của Đảng và Chính phủ, kích động dân di cư vào Nam, phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử. Đội ngũ cán bộ, công chức cách mạng mới về tiếp quản Thủ đô vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn hành chính, đó là chưa kể xuất hiện nguy cơ tha hoá khi chuyển từ hoạt động bí mật sang địa vị cầm quyền - điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức lưu ý các đơn vị trước khi vào tiếp quản Thủ đô.
 
Về đời sống kinh tế - xã hội, chính sách thực dân suốt 8 năm chiếm đóng và hoạt động phá hoại trước khi rút đi của thực dân Pháp đã để lại hậu quả nặng nề đối với đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô. Sản xuất gần như đình trệ, các cơ sở đều dãn thợ hoặc hoạt động cầm chừng. Thương mại - dịch vụ, đặc trưng của kinh tế đô thị Hà Nội, phần lớn do các hãng độc quyền của Pháp nắm giữ (Ngoài tư bản người Pháp thì thương nhân người Hoa (522 người) và người Ấn (13 người) có vai trò lớn trong nền kinh tế Hà Nội. Sau ngày 10/10/1954, ở thành phố còn 9.714 của hiệu và quầy hàng của các thương nhân vừa và nhỏ, trong đó có 2.021 quầy hàng của thương nhân đặt ở vỉa hè).
 
Tài chính - tiền tệ biến động do thay đổi cơ chế quản lý, nhất là thay thế tiền Đông Dương bằng Việt Nam đồng sau khi tiếp quản. Các ngân hàng do tư bản nước ngoài nắm giữ đã ngừng hoạt động và chuyển vốn ra nước ngoài. Cơ cấu kinh tế mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu, tích luỹ và tiêu dùng, sản xuất và tiêu thụ. Các xí nghiệp phục vụ nhu cầu công cộng như điện nước, xe lửa, xe điện, điện thoại… đều bị địch phá hoại ít nhiều. Các vấn đề xã hội rất bức xúc, nhất là tình trạng thất nghiệp, tật bệnh, nghèo đói và vô vàn các tệ nạn xã hội (150.000 người chui rúc trong các căn nhà ổ chuột, 197 xóm lao động tối tăm, 80.000 người thất nghiệp (chiếm 1/5 dân số), 7 vạn người mù chữ, số y – bác sĩ thiếu nhiêm trọng (số y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế ở Hà Nội là 1.574 người nhưng đến khi tiếp quản chỉ còn 935 người). Tệ nạn xã hội rất trầm trọng với gần 2 vạn gái điếm, trên 2.000 tiệm hút, hơn 1.000 lưu manh thường xuyên hoạt động, hơn 2 vạn trẻ em lang thang, 1.200 người hành khất, 300 người làm nghề bói toán, đồng cốt, phù thuỷ). Ở khu vực ngoại thành, trước khi rút đi Pháp còn tiến hành đốt phá nhà cửa, cướp bóc, đẩy nhân dân vào cảnh đói khổ, lại cộng hưởng thêm dịp giáp hạt càng đẩy đời sống người dân ngoại thành vào cảnh cùng cực.
 
Về số lượng dân cư, số lượng dân cư giảm sút, từ 52 vạn còn 32 vạn người, số di cư vào Nam, số hồi cư về nông thôn sau một số năm dạt ra đô thị. Cùng với sự giảm sút dân số là tình trạng xuất cư và nhập cư rất phức tạp, mỗi tháng chính quyền phải cấp giấy thông hành đi lại trung bình tới 1.552 gia đình/tháng. Cả tầng lớp trên và dân nghèo thành thị đều có những lo lắng riêng khi đối diện với tình hình mới. Tầng lớp trên tuy có khả năng tổ chức lại sản xuất và đời sống, nhưng chiếm số lượng ít (có 243.130 tư sản, tiểu chủ, tiểu thương), thiếu vốn và thiết bị, còn ngờ vực chế độ mới. Công nhân và dân nghèo thành thị chiếm số lượng lớn (có 110.939 người) gặp nhiều bức xúc trong việc làm và đời sống.
 
* Sau Hiệp nghị Giơnevơ, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền Nam - Bắc vận hành theo hai thể chế chính trị khác nhau. Tình trạng đất nước bị chia cắt, nỗ lực hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước bất thành, đã hạn chế đến khả năng phát huy ảnh hưởng của Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính của một quốc gia thống nhất. Ảnh hưởng của Hà Nội thông qua không gian hành chính – lãnh thổ chỉ giới hạn ở phía Bắc vĩ tuyến 17, còn đối với phía Nam vĩ tuyến 17 chủ yếu thông qua không gian tinh thần, không gian văn hoá, không gian quân sự. Phải đến sau ngày Đảng quyết định mở đường Hồ Chí Minh (5/1959) và sau đó là sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (12/1960), rồi Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (1969), với vùng giải phóng ngày càng mở rộng, thì ảnh hưởng về mặt thể chế của Hà Nội đối với miền Nam ngày càng toả rộng, gia tăng nhất là với vùng giải phóng. Như vậy, Hà Nội phải thực hiện vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước trong bối cảnh khác với lúc đất nước thống nhất toàn vẹn. Nó đặt ra những yêu cầu về ảnh hưởng, về thực hiện chức trách của Hà Nội với cả nước bằng những biện pháp linh hoạt khác nhau.
 
Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước trong điều kiện đất nước liên tục có chiến tranh, phải tổ chức và quản lý trong trạng thái bất thường, đan xen chiến tranh với hoà bình. Mà thời gian hoà bình không phải để nghỉ ngơi, thụ hưởng, mà chủ yếu khôi phục hậu quả chiến tranh. Quy luật của chiến tranh phá hoại và chống chiến tranh phá hoại chi phối rất lớn đến tổ chức chính quyền và đời sống xã hội đô thị và hậu quả của nó còn tồn tại đến cả sau ngày đất nước thống nhất.
 
* Quá trình đô thị hoá và tổ chức quản lý đô thị chịu tác động rất lớn từ mô hình kinh tế “công hữu, kế hoạch hoá, phi thị trường”. Đô thị hoá là sản phẩm trực tiếp của sự phát triển kinh tế hàng hoá. Hà Nội được đô thị hoá trên cơ sở một nền kinh tế hàng hoá phát triển chưa thành thục, yếu tố chính trị - hành chính là động lực lớn tác động đến tăng trưởng đô thị. Phải đến thời cận đại, với sự xuất hiện những nhân tố mới của kinh tế hàng hoá, đã làm cho đô thị Hà Nội khởi sắc và chuyển biến về chất lượng. Rồi đến 9 năm kháng chiến chống Pháp, quy luật chiến tranh đã làm biến dạng và chậm lại quá trình tăng trưởng đô thị. Chủ trương tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của Đảng và Chính phủ trong 4 năm đầu tiếp quản Thủ đô phần nào làm cho Hà Nội khởi sắc, có dấu hiệu lấy lại đà tăng trưởng đô thị. Song thời gian đó lại rất ngắn, đến năm 1958, với chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa, Hà Nội từ nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vốn năng động nhất miền Bắc lúc bấy giờ đã chuyển sang nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Kinh tế hiện vật (có trao đổi) theo mô hình “công hữu, kế hoạch hoá, phi thị trường” tự nó đã cắt khúc đô thị Hà Nội thành các đơn vị hành chính – lãnh thổ.
 
Với việc thủ tiêu các quan hệ hàng hoá – tiền tệ, thế chỗ vào đó là hệ thống “thị trường có tổ chức” do nhà nước độc quyền nắm và chi phối, đã làm cho các quan hệ thương mại – dich vụ của đô thị Hà Nội bị biến dạng và suy giảm. Tăng trưởng đô thị suy giảm gồm cả về mặt cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội, lối sống văn hoá. Ngoài ra cũng cần phải kể đến mô hình công nghiệp hoá truyền thống đã chi phối lớn đến quy hoạch phát triển đô thị, nhất là giải quyết mối quan hệ giữa nông thôn và đô thị trong quá trình công nghiệp hoá, giữa phát triển nội thành và ngoại thành, giữa phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ, giữa thực hiện chức năng trung tâm chính trị - hành chính với chức năng trung tâm kinh tế, giữa quy hoạch không gian sản xuất và không gian công cộng, không gian dân sự, không gian đặc biệt của một đô thị thực hiện vai trò trung tâm tổng hợp.
 
* Bên cạnh hứng chịu hậu quả của chủ nghĩa thực dân thì thể chế mới cũng được kế thừa một số di sản quan trọng về mô hình tổ chức quản lý và tổ chức không gian đô thị (kiến trúc công cộng, kiến trúc dân sự) do người Pháp để lại. Những di sản đó đã được kế thừa, khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng và phát huy trong chế độ mới. Mặt khác, trong những năm tạm bị chiếm, quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội chủ yếu phục vụ cho mục đích chiến tranh xâm lược, cho mưu đồ tái lập ách thực dân của Pháp, nên nhiều mặt phát triển phiến diện, đòi hỏi phải được quy hoạch lại cho phù hợp lợi ích dân tộc trong điều kiện mới. Trong hoàn cảnh mà thế giới bị phân chia thành hai hệ thống xã hội đối lập nhau, quản lý và phát triển Hà Nội chủ yếu bằng chính nỗ lực tự thân và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, trong đó đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc. Các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của các nước xã hội chủ nghĩa đã đóng góp tích cực vào quá trình khôi phục và phát triển Thủ đô giai đoạn này. Sự giúp đỡ về kinh tế, khoa học, kỹ thuật gắn với nó đã giúp hình thành các quan hệ thương mại – nhà nước giữa đô thị Hà Nội với đô thị của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc. Dù chỉ giới hạn trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhưng các quan hệ kinh tế thương mại – nhà nước đó đã mở ra khả năng mới về phát huy ảnh hưởng của Hà Nội ra thế giới, nhất là trong điều kiện miền Bắc xã hội chủ nghĩa bị thế giới phương Tây bao vây, phong toả. Đó chỉ là một mặt, còn mặt khác, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa cũng đồng nghĩa với du nhập những cách làm xơ cứng trong quy hoạch tổ chức không gian đô thị, trong tổ chức chính quyền đô thị, trong phát triển kinh tế đô thị…, mà càng về sau chịu ảnh hưởng càng nặng nề. Như vậy, xét về lâu dài, những hiệu ứng ngược từ sự giúp đỡ đó ảnh hưởng tiêu cực tới tính chất và tốc độ tăng trưởng đô thị, tới hiệu lực và hiệu quả quản lý của chính quyền Thủ đô.
 
Tổ chức lại đô thị Hà Nội tương xứng với vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước trong bối cảnh mới đan cài cả thuận lợi và khó khăn, điều này đã đặt ra những yêu cầu mới cả về nội dung lẫn hình thức, phương pháp, bước đi thực hiện đối với sự quản lý và phát triển Thủ đô lúc bấy giờ.
 
 
Vũ Quân
 
Nhà xuát bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)