Sự điều tiết các hoạt động kinh tế của Nhà nước Trung ương và Hà Nội thời kỳ trước đổi mới
Đặc trưng mô hình quản lý kinh tế giai đoạn trước đổi mởi 1955- 1985:
- Mô hình quản lý kinh tế này được thiết kế dựa trên nền tảng của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Trên thực tế, Nhà nước chỉ thừa nhận một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với hai hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân và tập thể. Điều này cũng có ý nghĩa là Nhà nước chỉ thừa nhận các đơn vị kinh tế quốc doanh và tập thể. Do đó, Nhà nước tập trung xây dựng và phát triển các đơn vị kinh tế này. Các thành phần kinh tế khác bị hạn chế tới mức tối đa, thậm chí bị triệt tiêu.
- Nhà nước thực hiện quản lý kinh tế thông qua hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh chi tiết với chế độ cấp phát và giao nộp theo quan hệ hiện vật là chủ yếu. Nhà nước can thiệp sâu vào các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và các hợp tác xã, các tổ sản xuất, quyết định tất cả từ kế hoạch sản xuất, giá cả sản phẩm, thị trường tiêu thụ, thu nhập của người lao động đến biên chế của các xí nghiệp… Các đơn vị kinh tế hoạt động theo lệnh của cấp trên vừa không có quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, vừa không bị ràng buộc trách nhiệm vật chất đối với kết quả kinh doanh.
- Hạch toán giá trị bị coi nhẹ và tách rời khỏi kế hoạch hiện vật. Tiền tệ, một trong những công cụ quan trọng nhất trong quản lý kinh tế không được coi trọng đúng mức. Các chức năng vốn có của đồng tiền bị hạn chế tới mức tối đa… Vì thế, tiền lương và tiền công của người lao động được trả một phần bằng tiền và phần còn lại bằng hiện vật, thuế nông nghiệp đóng bằng hiện vật…
Giá trị của đất đai không được thừa nhận, sức lao động và các tư liệu sản xuất cơ bản khác không được coi là hàng hoá nên không có giá, chỉ có các sản phẩm tiêu dùng mới được coi là hàng hoá. Do đó, nguyên vật liệu không được thương mại hoá, đất đai và các tư liệu sản xuất cơ bản bị cấm mua bán.
Như vậy, quan hệ hàng hoá - tiền tệ không được thừa nhận đầy đủ, các công cụ kinh tế như lãi suất, giá cả, thuế, tiền công… được sử dụng danh nghĩa, không đúng theo các quy luật hoạt động của chúng.
- Nhà nước tập trung mọi nguồn thu vào ngân sách nhà nước và cấp phát mọi khoản cần thiết liên quan đến các hoạt động của xí nghiệp và đời sống của người lao động theo phương thức bình quân. Với cách quản lý này, các xí nghiệp quốc doanh phải nộp mọi khoản thu nhập vào ngân sách nhà nước và chỉ được nhà nước phân phối lại một phần lãi định mức để hình thành các quỹ xí nghiệp. Về phân phối trong các hợp tác xã nông nghệp, trước hết sản phẩm thu hoạch phải nộp nghĩa vụ cho nhà nước, phần còn lại thực hiện theo kiểu bình quân theo định xuất, còn bao nhiêu thì bán cho Nhà nước theo giá khuyến khích. Phương thức quản lý, phân phối ở các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp cũng trong tình trạng tương tự.
Nhà nước là người cấp phát tất cả vốn cố định, vốn lưu động cho hệ thống các xí nghiệp quốc doanh, cấp phát tín dụng cho các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Kết quả của cơ chế quản lý trên dẫn đến tình trạng thu không đủ chi, ngân sách thâm hụt thường xuyên, không có phương thức khắc phục. Để đảm bảo có đủ tài chính để bao cấp và bù đắp thâm hụt ngân sách trong mô hình quản lý này chỉ có một cách duy nhất là phát hành tiền. Đó là nguyên nhân chủ yếu đưa nền kinh tế rơi vào khủng hoảng và lạm phát gia tăng.
Nhìn chung, mọi quyết định về phát triển kinh tế đều xuất phát từ nhà nước trung ương, bộ máy nhà nước ở địa phương có rất ít thực quyền. Cơ cấu bộ máy quản ký của nhà nước cồng kềnh, phát sinh tình trạng quản lý tập trung quan liêu, ách tắc thông tin. Từ những năm 1960, Hà Nội cũng như các địa phương đã tiến hành khắc phục những khuyết tật của mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung với một số nội dung cải tiến quản lý kinh tế như phong tào “mở rộng dân chủ” trong quản lý hợp tác xã, “ba xây, ba chống” trong quản lý doanh nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh chiến tranh nên việc cải tiến cơ chế quản lý chưa được thực hiện sâu rộng và triệt để.
Xét về mặt lịch sử, trong những năm chiến tranh, mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã góp phần huy động nguồn nhân lực, vật lực cho kháng chiến chống Mỹ và giải quyết tốt chính sách hậu phương trong chiến tranh. Tuy nhiên thực tế trước đổi mới, nhất là hơn 10 năm tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước (1975-1986), chứng tỏ rằng trong nền kinh tế mang đậm bản chất nông dân – nông nghiệp, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, mô hình phát triển gắn với cơ chế kế hoạch hoá tập trung có những khiếm khuyết lớn trong việc giải quyết các nhiệm vụ phát triển, nhất là trong lĩnh vực linh tế. Sau 1975, việc kéo dài và mở rộng mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung ra phạm vi cả nước đã để lại những hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế của đất nước và Thủ đô. Những tồn tại của cơ chế trên là:
- Động lực của người lao động bị triệt tiêu từ chủ nghĩa bình quân trong phân phối nên năng suất lao động ngày càng giảm sút, chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm ngày càng tăng.
- Do sản xuất theo kế hoạch mà kế hoạch không thể bao quát mọi nhu cầu của nền kinh tế và xã hội nên sản xuất không phù hợp với tiêu cùng (cái thừa, cái thiếu) gây lãng phí rất lớn, hiệu quả kinh tế thấp. Đặc biệt, sản xuất không có cạnh tranh nên công nghệ, kỹ thuật ít được các doanh nghiệp nhà nước chú trọng cải tiến.
- Hàng hoá trên thị trường thiếu hụt trầm trọng trong khi giá cả hàng hoá tem phiếu được quy định thấp một cách giả tạo (người tiêu dùng không có nhu cầu về sản phẩm tiêu dùng song vẫn cứ mua) và sự chia cắt thị trường theo kiểu “cát cứ” địa phương (sản phẩm ở nơi thừa không thể hoặc rất khó lưu thông sang nơi thiếu).
Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 6 khoá IV (4/1979) có chủ trương về cải tiến cơ chế quản lý. Trong nông nghiệp có Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (1/1981) về thực hiện chế độ khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp. Với công nghiệp, Quyết định 25/CP (21/1/1981) cho phép các xí nghiệp quốc doanh thực hiện 3 phần kế hoạch thống nhất nhằm khai thác thêm vật tư từ các nguồn theo giá thoả thuận để duy trì và phát triển sản xuất, tận dụng tốt hơn năng lực, thiết bị, lao động hiện có để nâng cao sản lượng công nghiệp. Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị (1986) về trao quyền tự chủ tài chính và tự chủ trong sản xuất kinh doanh cho các xí nghiệp quốc doanh. Về lưu thông phân phối, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị (1980) chủ trương cải tiến lưu thông phân phối; Nghị quyết 8 Trung ương khoá V (6/1985) chủ trương điều chỉnh mặt bằng giá cho phù hợp hơn với giá trị và sức mua của đồng tiền tiến tới thực hiện cơ chế một giá, cải cách chế độ tiền lương theo hướng xoá bỏ cơ chế cung cấp hiện vật theo giá bù lỗ để chuyển sang chế độ trả lương bằng tiền, cải tiến phân cấp ngân sách và lưu thông tiền tệ.
Thực tế, cải tiến cơ chế quản lý đã bước đầu chú trọng hơn đến hiệu quả kinh tế và khắc phục tình trạng quan liêu, gò bó của mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Tuy nhiên, cải tiến cơ chế quản lý vẫn chưa thoát khỏi tư duy kinh tế cũ, vẫn duy trì mô hình kinh tế cũ. Nguyên nhân sâu xa là chưa động chạm đến những vấn đề gốc rễ của các quan hệ kinh tế là vấn đề sở hữu. Vì vậy, những giải pháp đề ra vẫn mang tính tình thế, cháp vá, thiếu đồng bộ nên kết quả còn hạn chế. Đặc biệt, sai lầm trong tổng điều chỉnh giá – lương - tiền năm 1985 khiến lạm phát, giá cả gia tăng và khủng hoảng kinh tế - xã hội đã trở thành vấn đề đã ngưng trệ, suy thoái đối với sự phát triển kinh tế nói chung cũng như kinh tế hàng hoá của Thủ đô.
Nhìn chung, thời kỳ này khối lượng hàng hoá trao đổi trên thị trường tuy có tăng, nhưng nhìn chung còn rất nhỏ bé; hàng hoá trao đổi trên thị trường chủ yếu vẫn là hàng hoá tiêu dùng thiết yếu để giải quyết nhu cầu cơ bản của người dân Thủ đô. Sản xuất hàng hoá chưa được coi trọng; việc chuyển sản phẩm từ sản xuất sang hệ thống tiêu thụ trong khu vực kinh tế quốc doanh không phản ánh quan hệ mua bán thông thường trên thị trường. Chất lượng, mẫu mã hàng hoá đơn điệu, ít được cải tiến. Tình trạng khan hiếm hàng hoá là khá phổ biến. Nền kinh tế hàng hoá bị khủng hoảng thiếu trầm trọng.
Tuy có những hạn chế nhưng việc thực hiện mô hình kế hoạch hoá tập trung cũng đóng vai trò là yếu tố chủ đạo của mô hình phát triển. Đó là sự bảo đảm quyết định để giành thắng lợi trong cuộc chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, tạo lập những cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu rất quan trọng của xã hội chủ nghĩa, mang lại cho nhân dân cuộc sống tự do, việc làm, quyền làm chủ xã hội cùng với những cải thiện đáng kể trong điều kiện vật chất và tinh thần.
Nguyễn Ngọc
Nhà xuất bản Hà Nội