Tư duy quản lý và phát triển tác động đến việc tổ chức và thực hiện vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước của Hà Nội sau năm 1975
* Trong 10 năm sau ngày đất thống nhất, cải tạo xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa theo cách làm cũ tiếp tục được đẩy tới với quy mô lớn hơn, tốc độ cao hơn đã chi phối trực tiếp đến quản lý và phát triển Hà Nội. Đường lối ưu tiên phát triển công nghiệp nặng đã tác động đến quá trình đô thị hoá ở Hà Nội. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, miền Bắc coi trọng phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ gắn với công nghiệp địa phương, chủ yếu sơ tán vào các địa bàn xa xôi, hẻo lánh. Nhưng từ khi hoà bình được lập lại, từ quy mô nhỏ dần phát triển thành quy mô lớn, từ coi trọng công nghiệp địa phương tiến lên phát triển công nghiệp trung ương với tỷ lệ phù hợp, từ sơ tán đến các vùng xa xôi, hẻo lánh chuyển về xây dựng nhà máy, xí nghiệp ở các đô thị và trục lộ nhằm đảm bảo thuận lợi cho sản xuất và lưu thông. Quy mô và tốc độ công nghiệp hoá càng được đẩy tới – mà công nghiệp hoá trong khuôn khổ cơ chế kế hoạch hoá – thì càng tác động mạnh mẽ đến quản lý và phát triển Hà Nội, một địa bàn tập trung số lượng lớn nhất các doanh nghiệp Trung ương. Dĩ nhiên, những tác động đó hàm chứa cả hiệu ứng thuận và nghịch đối với đô thị hoá. Hiệu ứng thuận là tạo động lực cho tăng trưởng đô thị, gồm cả chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội, từng bước làm thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị. Hiệu ứng nghịch là các nhà máy, xí nghiệp mặc dù nằm ở địa bàn Hà Nội nhưng lại tách rời với quản lý lãnh thổ, chỉ vận hành theo cơ chế cấp phát – giao nộp của Trung ương, từ đó tạo nên những ốc đảo riêng trong lòng thành phố. Đó là chưa kể công nghiệp hoá dựa trên kinh tế hiện vật (có trao đổi), phủ nhận quan hệ hàng hoá - tiền tệ, không những không tạo ra động lực mà còn chia cắt thị trường, tạo sự biệt lập giữa vùng này với vùng khác, giữa đô thị với nông thôn, giữa trong nước và quốc tế, làm cho tăng trưởng đô thị thiên về hình thức hơn nội dung, số lượng hơn chất lượng, bề rộng hơn chiều sâu. Hay nói cách khác, quá trình đô thị hoá không tìm được động lực từ các quan hệ hàng hoá - tiền tệ, trong khi đó kinh tế hàng hoá lại là nội lực quy định tốc độ và chất lượng đô thị hoá.
Tư duy quản lý lúc bấy giờ là rải đều đô thị khắp lãnh thổ đất nước theo mô hình bậc thang, trong đó ưu tiên phát triển đô thị trung bình và nhỏ (không ưu tiên phát triển đô thị lớn và cực lớn) gắn liền với địa bàn nông thôn để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, miền núi và đồng bằng, dân tộc thiểu số và dân tộc đa số (điều đó phần nào còn do chủ nghĩa bình quân trong phát triển đô thị chi phối). Tư duy nêu trên đã hạn chế đến khả năng phát triển của các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, làm cho nguồn lực đầu tư bị phân tán, mà thông thường các quốc gia ở giai đoạn cất cánh bao giờ cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các thành phố lớn để tạo ra động lực tăng trưởng và sau khi “cất cánh” mới tính đến việc “lấy lại thăng bằng”. Đó là chưa kể đến việc mở rộng địa giới hành chính ngoại thành quá rộng, buộc Hà Nội phải “ôm” vào lòng thành phố một diện tích lớn nông thôn, buộc phải phân tán nguồn lực để giải quyết những vấn đề nông nghiệp – nông thôn, thiếu khả năng tập trung nguồn lực cho khu vực đô thị. Đó còn là yêu cầu gắn phát triển đô thị với đảm bảo quốc phòng – an ninh, đặc biệt trong điều kiện chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, tạo nên áp lực đối với quy hoạch và quản lý đô thị Hà Nội.
* Sau ngày đất nước thống nhất, tình hình khu vực và quốc tế đan xen cả mặt thuận lợi và bất lợi đối với quản lý và phát triển Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính của đất nước. Các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô từ giữa thập niên 70 của thế kỷ XX, mặc dù đã rơi vào khó khăn nhưng vẫn tiếp tục giúp đỡ có hiệu quả đối với sự nghiệp công nghiệp hoá Thủ đô. Không chỉ giúp đỡ về vốn, mà cả kinh nghiệm quy hoạch, kiến trúc và quản lý đô thị. Đây là một thuận lợi trong bối cảnh Hà Nội còn thiếu kinh nghiệm về quy hoạch và quản lý đô thị, thiếu những nguồn lực cần thiết phục vụ công nghiệp hoá, đô thị hoá. Nhiều công trình mới với sự bề thế về kết cấu, tính thẩm mỹ về kiểu dáng, tạo được điểm nhấn trong không gian kiến trúc thành phố như cầu Thăng Long, Cung Văn hoá Hữu nghị Việt – Xô, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… là kết quả của sự giúp đỡ đó ở giai đoạn này. Tuy nhiên, sự giúp đỡ của từng nước đối với từng khu công nghiệp, từng công trình cũng kéo theo nó là du nhập nếp nghĩ, cách làm, lối quy hoạch và kiến trúc công trình của từng nước lên không gian thành phố, tạo ra tính đa dạng trong sự thiếu thống nhất cả về kết cấu lẫn kiến trúc. Thậm chí không ít công trình kiến trúc chưa phù hợp với đặc điểm Việt Nam, mà xây dựng các tiểu khu nhà ở theo quy hoạch của Liên Xô, thiết kế căn hộ của Triều Tiên… là một ví dụ.
Trung Quốc từ chỗ là nước viện trợ hàng hàng đầu cho sự nghiệp cách mạng nước ta, nhưng sau năm 1975 đã giảm dần, rồi cắt đứt viện trợ, rút chuyên gia về nước, gây chiến tranh trên tuyến biên giới phía Bắc. Sự bao vây, cấm vận, chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tạo ra nhiều bất lợi đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô. Trước 1975, mặc dù bị bao vây phong toả bốn bề, nhưng các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá giữa miền Bắc Việt Nam với Trung Quốc đã tạo điều kiện cho hình thành các mối liên kết giữa Hà Nội với một số đô thị của Trung Quốc, rồi từ đó tạo bàn đạp mở quan hệ với đô thị các nước khác. Nhưng từ sau năm 1979, vớichiến tranh biên giới phía Bắc, thì các liên kết không gian đô thị với Trung Quốc bị ngưng đọng.
Quan hệ giữa nước ta với một số nước tư bản chủ nghĩa mới thiết lập sau Hội nghị Pari (1973) cũng bị đóng băng sau khi xảy ra sự kiện Campuchia (1979), tác động trực tiếp đến các quan hệ chính trị và kinh tế giữa Hà Nội với các đô thị khác trên thế giới. Trong khi quá trình đô thị hoá ở Hà Nội ngưng đọng và các liên kết không gian đô thị với bên ngoài bị đóng băng cũng là lúc các quốc gia trong khu vực trỗi dậy ý thức cạnh tranh quốc gia trên phương diện kinh tế mà đầu tàu tăng trưởng là vai trò của các đô thị và liên kết đô thị xuyên quốc gia. Các đô thị trong khu vực như Quảng Đông, Thâm Quyến (Trung Quốc), Đài Bắc, Cao Hùng (vùng lãnh thổ Đài Loan), Xơ Un (Nam Triều Tiên), Băng Cốc (Thái Lan), Xingapo (Singapore), Kuala Lămpua (Mailaixia)… “cất cánh” trong giai đoạn này. Trong khu vực Đông Á từng bước hình thành các mối liên kết không gian đô thị, vừa hợp tác với nhau để phát triển, vừa tạo thế đối trọng để tăng cường vị thế quốc gia và đề kháng với những tác động bất lợi từ bên ngoài. Trong khi đó, Hà Nội nói riêng và các đô thị ở nước ta nói chung vẫn nằm ngoài lề vận động của quá trình này, vừa là hậu quả chính sách bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, vừa là hệ luỵ của mô hình kinh tế kế hoạch hoá thiếu khả năng tạo động lực cho tăng trưởng của mỗi đô thị cũng như liên kết không gian đô thị trong nước với quốc tế. Tính bất tương thích giữa hệ thống kinh tế kế hoạch hoá của các nước xã hội chủ nghĩa với hệ thống kinh tế thị trường cũng là một rào cản đối với sự hình thành chuỗi đô thị trong quá trình liên kết không gian kinh tế, chính trị, văn hoá trong khu vực. Tình trạng bị bao vây, cấm vận cũng cản trở đến việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm tổ chức và quản lý đô thị của những nước đô thị hoá đi trước.
Tuyên Huấn
Nhà xuất bản Hà Nội