Công nghiệp Hà Nội sau 10 năm đất nước thống nhất (1976-1985)
Cùng cả nước, Hà Nội bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Năm 1976, năm mở đầu của thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện cả nước thống nhất, các ngành kinh tế của Hà Nội có bước phát triển. Hầu hết các xí nghiệp Trung ương và địa phương bị địch đánh phá được xây dựng lại và mở rộng. Tiểu thủ công nghiệp khắc phục mọi khó khăn, mở rộng đầu tư, thu hút thêm lao động.
Có thể thấy suốt thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, công nhiệp thủ đô tuy có được quan tâm đầu tư, nhờ vào sự viện trợ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em về máy móc, thiết bị, nhưng do bị bom đạn tàn phá, do di chuyển, sơ tán đi nhiều nơi nên máy móc, thiết bị hư hỏng nặng, có thứ đã lạc hậu, cũ nát; sản phẩm làm ra chất lượng kém, giá thành cao, khó tiêu thụ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hàng loạt xí nghiệp công nghiệp thuộc Hà Nội được xây dựng và đưa vào sử dụng như: Cơ khí Giải Phóng, Xí nghiệp xe đạp Xuân Hoà, Xí nghiệp khoá Việt Tiệp, Xí nghiệp Bi – Xích líp, len Mùa Đông, gạch Phúc Thịnh… góp phần làm thay đổi và đa dạng hoá bộ mặt công nghiệp Thủ đô. Đây là những cơ sở sản xuất một thời được coi là cánh chim đầu đàn của ngành Công nghiệp Thủ đô.
Tuy nhiên, thời kỳ đầu những năm 1976-1980 công nghiệp Thủ đô gặp rất nhiều khó khăn, giá trị sản lượng giảm 0,4% so với thời kỳ 1971-1975. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn lớn nhất là do thiếu nguyên vật liệu, điện năng cho sản xuất,… Đồng thời vì các xí nghiệp phải chịu một sự hao mòn hữu hình và vô hình rất lớn nên ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ bảo đảm hiệu quả của sản xuất kinh doanh. Từ năm 1982, sản xuất công nghiệp đã có nhiều tiến bộ, chặn được đà giảm sút và trở lại được mức của năm 1979 là mức cao nhất trước đó. Mức tăng bình quân hàng năm về giá trị tổng sản lượng công nghiệp Hà Nội trong 5 năm (1981-1985) đạt 10,3%, trong đó công nghiệp thuộc Trung ương trên lãnh thổ tăng 9%, công nghiệp địa phương Hà Nội tăng 11,8%. Nếu chỉ tính 3 năm (1983-1985), giá trị tổng sản lượng bình quân hàng năm tăng 12,7%, trong đó công nghiệp Trung ương tăng 12,1%, của địa phương tăng 13,5%.
Trong điều kiện có nhiều khó khăn do chính sách cấm vận của đế quốc Mỹ, việc viện trợ của các nước bị thu hẹp và cắt bỏ, chiến tranh bảo vệ biên giới nổ ra, sản xuất công nghiệp của Hà Nội vẫn đạt được tốc độ phát triển tương đối cao do nhiều nguyên nhân.
Một là do các xí nghiệp đã chủ động tìm kiếm và tận dụng các nguồn vật tư tồn kho từ trong thời kỳ trước, tận dụng phế liệu,… Hai là thí nghiệm ứng dụng những hình thức tổ chức mới như nhóm sản xuất, liên hiệp xí nghiệp…, để tạo điều kiện cho các xí nghiệp có thể đẩy mạnh việc hỗ trợ, hiệp tác giúp nhau khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất. Ba là phong trào tự trang, tự chế, cải tiến thiết bị và cải tiến mặt hàng. Một số xí nghiệp, hợp tác xã đã cho áp dụng một số công nghệ mới như nuôi cấy vi sinh, tráng men, phun dầu, ép than cốc…
Tuy đạt được một số kết quả nhưng công nghiệp Hà Nội vẫn còn nhiều mặt yếu kém. Đó là trình trạng cơ sở vật chất kỹ thuật quá yếu, mặt hàng chưa được phong phú, mặt hàng mới phát triển chậm, chất lượng sản phẩm còn thấp, quy hoạch công nghiệp chưa được cụ thể, khu vực hợp tác xã và tổ sản xuất còn chưa được chú ý củng cố và phát triển (Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội tại Đại hội đại biểu Thành phố lần thứ 7 (5/1977), tr.10-12)…
Chuyển sang giai đoạn 1976-1985 công nghiệp Hà Nội gặp khó khăn nghiêm trọng hơn, chủ yếu vẫn là do thiếu vật tư và năng lượng. Trong hoàn cảnh đó, để vươn lên phát triển công nghiệp ngang tầm của Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, cần có những chính sách mới để khuyến khích các xí nghiệp phát huy hơn nữa tính chủ động trong sản xuất kinh doanh và đã được mở đầu bằng Quyết định 25/CP (21/01/1981). Việc bung ra sản xuất theo quyết định đó đã dẫn tới việc phát triển mặt hàng theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như xe đạp, quạt, khoá, kẹo… Một số xí nghiệp cũng đã sản xuất một số mặt hàng mới như máy phát thuỷ điện của Nhà máy cơ khí Trung quy mô. Giai đoạn này đã bắt đầu hình thành ngành công nghiệp điện tử. Sự phát triển này còn bắt nguồn từ việc đầu tư xây dựng xí nghiệp mới, dây chuyền sản xuất với thiết bị của các nước tư bản. Đó là Xí nghiệp xe đạp Xuân Hoà, Xí nghiệp kim khâu… Kết quả chung là việc sản xuất được bung ra đã góp phần giảm bớt sự căng thẳng do thiếu hàng tiêu dùng. Trong quá trình này, Hà Nội đã mở rộng sự liên kết với các tỉnh bạn để trao đổi một số hàng công nghệ phẩm lấy nguồn nguyên liệu cần thiết, chuyển một số mặt hàng từ sản xuất theo phương thức gia công thương nghiệp sang chế độ bán nguyên liệu, thu mua thành phẩm.
Gia Duy
Nhà xuất bản Hà Nội