Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ bảy, 25/04/2015 10:35
Đàn Xã Tắc – từ di tích khảo cổ học trong lòng đất đến nguồn tư liệu quý

Việt Nam là cái nôi của nền văn minh lúa nước, vậy nên việc lập Đàn Xã Tắc gắn liền với các triều đại của Việt Nam xưa. Đàn Xã Tắc là một trong các loại đàn tế cổ, được các vị vua cho lập để tế Xã thần (Thần Đất) và Tắc thần (Thần Nông) - hai vị thần của nền văn minh lúa nước. Việt Nam có 3 Đàn Xã Tắc: tại Huế, Hoa Lư và Hà Nội. Theo thời gian và những biến động của lịch sử, các Đàn Xã Tắc gần như đã mất dấu hoàn toàn. Về mặt niên đại, Đàn Xã Tắc ở Hoa Lư được xem là cổ nhất vì được xây dựng năm thứ nhất niên hiệu Khai Bảo (968) đời vua Triệu là Tống Thái Tổ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì phần lớn các di tích cung điện thế kỷ X tại Hoa Lư vẫn chưa được phát hiện. Cũng chính vì lẽ đó, Đàn Xã Tắc ở Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) ngày nay được đánh giá là công trình kiến trúc cổ nhất của nước ta, không có công trình cổ nào trên cả nước có thể sánh được về ý nghĩa và độ dài lịch sử... Di tích lịch sử Đàn Xã Tắc (Hà Nội) được phát hiện năm 2006 khi triển khai thực hiện đường vành đai 1 đi qua khu vực Kim Liên. Theo các chuyên gia khảo cổ, các nhà sử học thì Đàn Xã Tắc được xây dựng giữa thế kỷ XI. Nhưng mọi giá trị của các dấu tích nếu chỉ lưu giữ trong lòng đất thì sẽ không đánh giá được hết ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, tâm linh của di tích. Diện mạo và giá trị của di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc chỉ có thể đến được với đông đảo người dân khi những kết quả nghiên cứu cùng những hình ảnh của nó được công bố dưới dạng một cuốn sách, một công trình khoa học. Bản thảo Di tích khảo cổ học Đàn Xã tắc Thăng Long do PGS.TS. Tống Trung Tín chủ biên sẽ là nguồn tư liệu quý giá không chỉ ngành khảo cổ học mà còn với nhiều ngành nghiên cứu khác.

 
Bản thảo Di tích khảo cổ học Đàn Xã tắc Thăng Long gồm 4 chương.
 
Chương I. Vị trí địa lý và quá trình nghiên cứu địa điểm Đàn Xã Tắc.
 
Bằng những cứ liệu khoa học và thực tế, các tác giả đã xác định một cách chính xác vị trí địa lý của địa điểm Đàn Xã Tắc. Quá trình khai quật và nghiên cứu Di tích này được các tác giả trình bày rất rõ ràng, khách quan. Đó là những cơ sở khoa học quan trọng nhất, giúp các nhà khoa học khẳng định rằng: “Địa điểm thăm dò khảo cổ đúng là khu vực đàn Xã Tắc Thăng Long”.
 
Hiện nay, tại khu vực khoảng phía Đông Nam Ô Chợ Dừa, phía Đông của phố Nguyễn Lương Bằng có địa danh Xã Đàn 1, ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng. Khu vực này mang tên Xã Đàn là vì nơi đây hàng nghìn năm qua có đàn Xã Tắc, một loại hình đàn tế quan trọng vào bậc nhất trong không gian nghi lễ cúng tế của các vương triều Việt Nam ở kinh đô Thăng Long.
 
Trong chương II. Di tích, di vật thời Lý – Trần – Lê và diện mạo Đàn Xã Tắc Thăng Longchương III. Các loại hình di tích khác. Bằng phương pháp đặc thù của khoa học khảo cổ, bản thảo đã tái hiện được toàn bộ diện mạo các di tích, di vật thời Lý - Trần - Lê và diện mạo Đàn Xã Tắc Thăng Long, cũng như các loại hình di tích thuộc thời kỳ tiền - sơ sử Phùng Nguyên và di tích cư trú thuộc khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên.
 
Xét đến tính logic của thành tạo tầng văn hóa ở Đàn Xã Tắc Thăng Long. Trong nội dung của bản thảo, quá trình hình thành các lớp văn hóa của địa điểm Đàn Xã Tắc được trình bày rất rõ ràng, khách quan (tr.31 & 46). Người đọc, dù không phải là nhà chuyên môn cũng hình dung được quá trình đó. Khi đề cập đến lớp văn hóa Phùng Nguyên tại đây, các tác giả đã cho biết tình trạng thực tế là lớp văn hóa này chỉ là lớp đất có màu xám và những mảnh gốm vụn không nhận biết được những đặc trưng. Trong khi đồ đá Phùng Nguyên lại phân bố trong lớp văn hóa 10 thế kỷ đầu Công nguyên (tr.46). Qua các hình ảnh cũng như sự dẫn giải, nội dung của bản thảo đã giúp người đọc thấy rõ hiện tượng thành tạo tầng văn hóa ở đây. Đây cũng là những hiện tượng thường thấy trong khảo cổ học.
 
Chương IV. Giá trị lịch sử văn hóa của địa điểm khảo cổ học Đàn Xã Tắc.
 
Bằng sự phân tích hợp lý, sắc sảo, các tác giả đã làm nổi bật lên những giá trị lịch sử văn hóa của địa điểm Đàn Xã Tắc Thăng Long. Mỗi một di tích trong khu di tích Xã Đàn đều mang một giá trị tiêu biểu cho thời đại mình, tất cả đã góp phần tạo nên giá trị nổi bật của Di tích Đàn Xã Tắc, trong nền cảnh chung của Di sản lịch sử - văn hóa của hoàng thành Thăng Long.
 
Bản thảo với hơn 200 trang được dịch song ngữ tiếng Anh, tiếng Việt cùng nhiều hình ảnh, sơ đồ, đã dựng khái quát diện mạo về di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc bấy lâu chôn vùi trong lòng đất mới được khai quật. Ý nghĩa của bản thảo đã vượt qua việc bảo tồn di tích để đến với đông đảo người đọc, các nhà nghiên cứu về một di tích khảo cổ học, vết tích của các triều đại phong kiến đóng đô trên mảnh đất Thăng Long trở thành nguồn tư liệu quý giá về Thăng Long ngàn năm văn hiến.
 
 
Đàm Ly
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)