Sắc màu Hà Nội qua truyện kể dân gian
Hiện có rất nhiều quyển sách về truyện kể dân gian Hà Nội và truyện kể dân gian Việt Nam đã được xuất bản, mỗi quyển các tác giả đã cố gắng sưu tầm nhiều thể loại truyện với nội dung phong phú, đa dạng tạo cho người đọc có được sự tổng quát về kho tàng truyện kể dân gian Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Nhưng có lẽ, một trong những quyển sách sưu tầm được nhiều truyện với nhiều thể loại, nội dung giúp độc giả nhìn nhận rõ nhất về Hà Nội theo tôi thì chỉ có cuốn sách “Truyện kể dân gian Hà Nội” được xuất bản năm 2010 trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến của Nhà xuất bản Hà Nội.
Cuốn sách đã phản ánh được những nét riêng của Hà Nội, mảnh đất vốn được coi là nơi tụ cư của dân tứ xứ mà dân gian thời Lê vẫn quen gọi là dân “tứ chiếng”, khi tụ cư về đất kinh kỳ họ đã mang theo hành trang của mình cả những chuyện dân gian của vùng quê gốc và lâu dần những nguồn truyện này cũng trở nên phổ biến trong cư dân Hà Nội.
Bên cạnh đó, người dân bản địa cũng xây dựng nên một kho tàng truyện kể dân gian mang đặc trưng riêng của mình. Đó là những truyền thuyết, giai thoại, truyện cổ tích, truyện cười phản ánh về con người, môi trường sống gắn liền với những di tích, địa danh rất riêng, đậm đà cốt cách Hà Nội như: Truyện sông Tô Lịch, Truyện thần chính khí Long Đỗ, Món nợ ân tình ở Thanh Trì, đặc biệt là những truyện cười như: Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Ba Giai – Tú Xuất… là những truyện đặc sắc trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam được nhiều người biết đến.
Cuốn sách “Truyện kể dân gian Hà Nội” đã được sưu tầm một cách công phu, có dung lượng lớn và phong phú hơn nhiều so với các tập truyện được xuất bản lâu nay, đã nêu bật được bản sắc địa phương của vùng đất Thăng Long – Hà Nội. “Truyện kể dân gian Hà Nội” - cuốn sách bổ ích cho những độc giả muốn tìm hiểu, khám phá mảnh đất con người của Thủ đô ngàn năm văn hiến qua những câu chuyện dân gian vô cùng lý thú, thiết thực mang ý nghĩa sâu xa.
Bảo Hà
Nhà xuất bản Hà Nội