Truyện Trạng – Đặc sắc truyện cười Hà Nội
Truyện Trạng là nhóm truyện cười lưu truyền rộng rãi không chỉ đơn thuần ở 36 phố phường của Thăng Long mà còn trên khắp cả nước, in đậm dấu ấn của văn hóa đô thị. Trong bài viết này, người viết xin được phân tích truyện cười Hà Nội ở hai hệ thống truyện Trạng Lợn và Trạng Quỳnh.
Trạng Lợn kể về một nhân vật sống ở thời vua Lê Thánh Tông vốn xuất thân từ một anh buôn lợn, học hành thì dốt đặc nhưng do công việc mà anh có điều kiện tiếp xúc nên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, ăn nói khá lẻo mép và có tài nhớ được rất nhiều ca dao tục ngữ. Nhờ vậy mà anh làm được thầy tướng số, cứu được vua và được phong lên Trạng, rồi được cử đi tiếp xứ Tàu và được đi sứ sang Tàu. Nhờ sự giúp sức của các Trạng khác mà nhiều lần Trạng Lợn đã làm được việc lớn cho triều đình. Thế là, từ một thành phần thấp kém bị xã hội khinh bỉ, anh buôn lợn trở thành quan Trạng uy quyền, mũ áo xênh xang được vua tin dùng vào việc trị quốc.
Hệ thống truyện Trạng Lợn đã tạo ra những tình huống gây cười ngộ nghĩnh, nhằm vạch trần một hiện tượng lố bịch, thối nát đương thời, đả kích bọn quan lại, nho sĩ, phong kiến ngu dốt bọn chúng chỉ là lũ hư danh, cơ hội được hiện nguyên hình qua các truyện: Xứng tài đối đáp, Cứu vua, Chân Trạng nguyên, Cầm đầu sứ bộ sang Tàu…
Những người có đức, có tài thì không được xã hội trọng dụng, những kẻ dốt nát gặp thời thì leo lên được làm quan. Quả thật, ngay trong việc “chọn nhân tài” của xã hội phong kiến lúc bấy giờ cũng đáng để cho người ta nực cười. Những sự thật về xã hội thời bấy giờ còn được dân gian truyền tụng nhau qua những câu vè:
Triều Lê hai mươi bốn ông Tiến sĩ
Tám ông chân, tám ông ngụy, tám ông chân ngụy
(Đây là lối chơi chữ của dân gian, Nghĩa là: Tám ông vừa thật vừa giả, và rốt cuộc tám ông thực sự là giả, tức là giả tuốt)
Tuy nhiên, truyện Trạng Lợn mới dừng lại ở việc đả kích, phê phán những đối tượng là quan lại trong triều đình chưa mở rộng ra được toàn bộ trật tự xã hội phong kiến.
Cùng thể loại với Trạng Lợn, truyện Trạng Quỳnh cho chúng ta thấy góc nhìn rộng hơn của xã hội đương thời. Trạng Quỳnh kể về nhân vật là một người học rộng, tài cao thời vua Lê chúa Trịnh nhưng bất bình trước những cái xấu xa của chế độ, ông không muốn ra làm quan, trong các cuộc thi Đình ông thường cố ý để trượt. Có lẽ vì thế mà hệ thống truyện này đã tiến một bước về đối tượng phê phán, đả kích. Các tác giả dân gian mở rộng hơn, chĩa mũi nhọn vào mọi thứ quyền uy lớn nhỏ của xã hội. Trạng Quỳnh đã đồng thời công kích cả vương quyền lẫn thần quyền hai thành lũy vốn bất khả xâm phạm của chế độ quân chủ.
Tất cả những nhân vật uy quyền trong xã hội từ vua Lê, chúa Trịnh, thần thánh đến quan lại, sứ giả “Thiên triều”… trong truyện Trạng Quỳnh đều là những con rối ngu đần, kệch cỡm, làm trò cười cho nhân dân. Những nhân vật này nhiều phen dở khóc, dở cười trước những tình huống trớ trêu. Trong các đối tượng đả kích của Trạng Quỳnh thì chúa Trịnh được phê phán một cách quyết liệt nhất. Thực tế xã hội lúc bấy giờ thì cả vua Lê và chúa Trịnh đều là những người bị nhân dân khinh bỉ, nhưng việc nhà chúa lộng hành, lấn áp nhà vua một cách quá mức thì cũng gây bất bình, có lẽ vì thế mà Truyện Trạng Quỳnh đả kích chúa nhiều đến như thế.
So với truyện Trạng Lợn thì truyện Trạng Quỳnh phong phú, đa dạng hơn nhiều. Tuy nhiên, các mẩu truyện vẫn mang tính chất tương tự như nhau. Vì là những câu truyện ngắn gọn, dễ nhớ nên được truyền miệng một cách rộng rãi trong dân gian. Khó để mà so sánh sự hơn kém trong các câu truyện của Trạng Quỳnh, mỗi truyện lại cho ta một cách nhìn, một khía cạnh kệch cỡm khác của đối tượng bị đả kích.
Cũng là một nhân vật chúa Trịnh, truyện Trạng Quỳnh chỉ thông qua những mẩu truyện cười đã lột tả được nhân vật chúa này một cách rõ nét là người bất tài, ngu dốt, huênh hoang tin vào những lời lừa bịp như trong các truyện: Chúa ngủ ngày, Mừng chúa thắng trận, Cây nhà lá vườn dâng chúa, Trạng chết chúa cũng băng hà…
Hay những truyện đả kích vua Lê một vị vua bất tài, vô dụng bị chúa Trịnh đè đầu, cưỡi cổ nhưng luôn cho mình là tài, giỏi hơn người. Những mẩu truyện về vua Lê được nhân dân rất thích như: Dê đực chửa, Tiên sư thằng Bảo Thái… Chúa và vua đều như thế thử hỏi sao xã hội không loạn lạc?
Có thể nói, hệ thống truyện Trạng được xếp vào loại truyện cười đặc sắc của truyện dân gian Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Truyện Trạng giúp cho độc giả có cái nhìn rõ nét về xã hội thành thị vùng đất Kẻ Chợ thời vua Lê, chúa Trịnh – một xã hội thối nát, đầy dẫy những bất công và trở thành những truyện cười cho nhân dân được truyền tụng cho đến ngày nay.
Bảo Hà
Nhà xuất bản Hà Nội