Vài nét về một số làng nghề dệt, nhuộm, thêu, may ở Thăng Long – Hà Nội
Thăng Long – Hà Nội là thành phố của sông hồ, nơi đây và vùng ven sông là nơi có truyền thống trồng dâu nuôi tằm để dệt các loại vải cao cấp (the, lĩnh, sa, xuyến, đũi, gấm, vóc…). Chất lượng hàng dệt của vùng kinh đô đã đi vào câu dân ca:
Nhắn ai trong chợ kinh thành,
Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về.
Các làng dệt của Thăng Long – Hà Nội có những mặt hàng riêng biệt nổi tiếng, thể hiện sự phân công chuyên môn hoá lao động. Điều này cũng được thể hiện trong ca dao.
The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng,
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên.
Các làng dệt tập trung quanh vùng hồ Tây với truyền thuyết về bà chúa nghề dâu tằm là Quỳnh Hoa ở Nghi Tàm. Trong vùng còn có các làng Bái Ân, Nghĩa Đô, Trích Sài, Yên Thái, Thuỵ Chương. Các làng trên nổi tiếng về mặt hàng lĩnh có từ trước khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long. Tại vùng này còn lưu truyền câu chuyện vào mùa xuân 1011, khi thuyền vua Lý Thái Tổ ngự tới bến Giang Tầm (cạnh chợ Bưởi) thì người dân làng Dâu và xóm Bãi đã căng tấm lĩnh có hình rồng để đón vua. Vua khen và đổi tên làng Dâu thành Nghĩa Đô, xóm Bãi thành Bái Ân.
Hiện mặt hàng dệt may tập trung tại Tân Triều, Cổ Nhuế, Phù Đổng,… Ngoài ra còn có các làng sau đây:
Làng Trích Sài ở đây còn thờ bà chúa dệt lĩnh là Phan Thị Ngọc Đô. Bà vốn là người Chiêm và là thứ phi vua Lê Thánh Tông. Bà ra đây lập “Thiên niên trang” và truyền nghề dệt lĩnh cổ truyền của Chiêm Thành cho dân làng. Cần lưu ý tới một làng Trích Sài khác ở xã Dương Nội, huyện Hoài Đức. Ở đây còn đền thờ ông Lý Khắc Quỳ là người làm quan dưới triều Minh. Khi nhà Thanh chiếm ngôi thì ông và hai người anh em di cư sang đây và đem nghề dệt gấm dạy dân vùng này.
Cạnh vùng ven đô, còn có phường Nhượng Công, nay là Thành Công quận Đống Đa cũng là nơi có nghề dệt. Có truyền thuyết là nghề dệt ở đây là do vợ chồng ông Đoàn Thưởng và Tràng Là về lập xưởng dệt từ cuối đời Lý và trở thành tổ nghề ở phường này. Ngày nay, Nhược Công đã được đô thị hoá và không còn vết tích của nghề dệt.
Xa hơn nữa là cụm các làng La, làng Vạn Phúc, Đại Mỗ, Phùng, Bùng, Triều Khúc…
Các làng La Khê, La Cả nổi tiếng về nghề dệt the (tên cổ la có nghĩa là the). Tại đây có đền thờ Tổ phường cửi với tấm bia khắc tên 10 vị “Tiên sư” tức Tổ nghề. Các cụ già làng La còn truyền lại lời cha ông là những người đó thực ra chỉ là người có công cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho dân làng vì nghề dệt the đã có từ xa xưa. Do nổi tiếng nên từ các đời Gia Long, Minh Mệnh làng La Khê hàng năm vẫn phải nộp 600 tấm sa các màu. Tới đời Thiệu Trị thì làng La bị phiên chế thành Chúc tạo cục. Hàng năm, ngoài 600 tấm sa còn phải dệt các loại hàng khác theo nhu cầu của Triều đình. Ở đây dân làng còn nói tới một giai đoạn dưới thời nhà Minh, có một người trong làng đã cố mua một mảnh gấm hoa của người nước ngoài, ông đã kiên trì tháo từng sợi, nghiền ngẫm, mày mò nắm bắt kỹ thuật dệt. Từ đó qua nhiều lần cải tiến, đã dệt ra các loại gấm, sa màu làm cho làng La Khê chiếm độc quyền về mặt hàng này. Ông được tôn là Tổ nghề gấm.
Làng Bùng nổi tiếng về nghề dệt lượt và dân làng tôn ông Trạng Bùng là Phùng Khắc Khoan (1580) làm Tổ nghề. Đền thờ ông Phùng Khắc Khoan còn giữ bức chân dung ông vẽ trên tấm lụa do dân làng dệt ra.
Làng Triều Khúc (kẻ Đo) đã sử dụng các loại tơ sần có cục gọi là nốt cục để dệt quai thao buộc nón. Trước đây, mặt hàng này phải mua của Trung Quốc, tới thế kỷ XVIII, có người làng tên là Vũ Uy đi trong đoàn sứ sang phương Bắc học được kỹ thuật dệt thao về truyền nghề cho dân làng. Đây là một mặt hàng không thể thiếu được để tạo vẻ duyên dáng cho người phụ nữ.
Ai làm chiếc nón quai thao,
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh.
Các triều đại kế tiếp nhau đều lưu ý tới việc tổ chức nghề dệt. Thời các vua Lý đã tổ chức dạy nghề dệt cho các cung nữ dẫn tới không phải dùng gấm vóc của nhà Tống. Thời vua Lê có tổ chức “Thiên niên trang” để dệt lĩnh. Đến đời chúa Trịnh Giang cho xây Trúc Lâm Viên ở làng Trúc, phía đông hồ Tây. Sau này nơi đây được dùng để giam giữ cung nữ phạm tội và họ phải dệt lụa để sống. Từ đó lụa làng Trúc vừa thanh vừa óng đã một thời ưa chuộng. Ngược dòng lịch sử, phải nói tới làng Cổ Đô, tục truyền là vào đời Hùng Vương thứ 6, công chúa Thiều Hoa đã dạy nghề dệt lụa cho dân làng. Lụa làng Cổ Đô được dệt bằng tơ tằm có màu sắc vằng óng, mảnh và chắc. Tương truyền từ thời Lý, lụa Cổ Đô được gọi là lụa cống để tiến lên Triều đình. Công chúa Thiều Hoa được dân làng thờ làm Thành Hoàng và được coi là “Thuỷ tổ của nghề dệt lụa”.
Làng Đồng Lầm (tứ làng Kim Hoa sau đổi tên thành làng Kim Liên) nay thuộc quận Đống Đa. Trước đây làng có nghề nhuộm này vì có lợi thế được sử dụng khu đất trống dọc đường Đại Cồ Việt để phơi vải nhuộm. Họ còn sử dụng được bùn của hồ Bảy Mẫu để nhuộm vải. Truyền thống nghề nhuộm của làng đã đi vào câu ca dao:
Đồng Lầm có vải nâu non,
Có hồ cá rộng, có non song bồi.
Hiện nay ở đây không còn nghề này nữa.
Làng Võng Thị (vùng Bưởi) nay thuộc quận Tây Hồ. Dân làng chuyên nhuộm đen hàng lĩnh của làng Trích Sài. Người thợ ở đây sử dụng nước lá bàng để nhuộm. Vải nhuộm còn được dấn vào bùn của ao làng, tạo màu đen sẫm và bền.
Nghề nhuộm này do dân làng Quần Anh (Nam Hà) truyền nghề cho dân làng Võng Thị. Do quá trình đô thị hoá nên hiện nay nghề này cũng không còn tồn tại ở đây.
Xã dệt quần áo len La Phù thuộc huyện Hoài Đức, vốn là một làng của tổng La, một địa danh nổi tiếng về nghề dệt. Sau năm 1954, ngoài 2 hợp tác xã La Phù đã thành lập 2 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp (Việt Tiến và Thống Nhất) với hướng kinh doanh chủ yếu là mặt hàng dệt kim và chế biến nông sản thực phẩm chiếm khoảng 40% số lao động của xã. Đến khi thực hiện chính sách đổi mới với việc chuyển đổi mạnh sang cơ chế thị trường thời bình theo hướng tăng cường tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh, bung sản xuất ra, trong giai đoạn 1983-1993, sản xuất tiểu thủ công nghiệp của La Phù đã có sự chuyển đổi theo hướng tập trung vào mặt hàng sản xuất nha phục vụ cho chế biến bánh mứt kẹo, có lúc đạt tới mức 40 tấn/ngày để xuất cho các xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mặt hàng này đem lại hiệu quả kinh tế cao do các hộ gia đình đã thành công trong việc chuyển nguyên liệu chính từ gạo nếp sang bột sắn. Trong việc tổ chức sản xuất mặt hàng dệt quần áo len, các chủ hộ lớn ở La Phù đã vận dụng hình thức gia công công nghiệp tới các hội gia đình để sản xuất một số chi tiết sản phẩm như dệt cổ áo, dệt gấu áo, dệt các mảnh áo, thêu… nên đã tận dụng được lợi thế của hình thức này để phấn đấu vừa giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành, bảo đảm chất lượng sản phẩm… La Phù đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ở trình độ tương đối cao, đã trực tiếp xuất khẩu sang nhiều thị trường, đang phấn đấu xây dựng và bảo vệ thương hiệu của xã,… nên đã có bóng dáng của một tập đoàn kinh tế chuyên dệt quần áo len.
Xã dệt lụa Vạn Phúc (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) là một làng nghề có truyền thống từ lâu đời. Tuy gọi chung là lụa nhưng mặt hàng rất đa dạng gồm cả các mặt hàng gấm, vóc, lụa, sa tanh, vân, the, lĩnh, đoạn, đũi, tuýt-so,… Trong các mặt hàng đó thì nổi tiếng nhất là gấm, vóc, lụa. Trước đây, mặt hàng của Vạn Phúc được dùng để may phẩm phục của các quan lại triều đình Huế và được đưa ra bán tại các phố Hàng Ngang, Hàng Đào là chủ yếu. Dưới thời Pháp thuộc mặt hàng lụa Vạn Phúc đã được đưa tham dự Hội chợ triển lãm tại thành phố Marseille, nước Pháp và được thưởng Huân chương của Chính phủ Pháp. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong một thời gian dài, nghề dệt lụa Vạn Phúc vẫn không khởi sắc được.
Ở Hà Nội, nghề dệt gắn với nghề nuôi tằm để dệt các loại vải cao cấp và với các làng nghề ở vùng ngoại thành. Mặt hàng lụa nổi tiếng với các làng Vạn Phúc, Nghi Tàm, Thuỵ Chương… Mặt hàng lĩnh ở vùng Bưởi với các làng Trích Sài, Nghĩa Đô, Bái Ân… Ngoài lĩnh trơn, lĩnh hoa còn dệt cả lĩnh mộc. Hàng the có các làng La Khê, La Cơ, hàng lượt có làng Bùng (Thạch Thất), quai thao có làng Triều Khúc. Nghề nhuộm là một nghề thủ công truyền thống, gắn với tên một số làng xã và đường phố, người thợ nhuộm ở các phố Hàng Đào, phố thợ Nhuộm là người từ các làng ở Hải Hưng, Hà Sơn Bình lên cư trú và hành nghề. Ngoài ra nghề thợ nhuộm còn phát triển ở một số làng như Đồng Lầm, Làng Võng Thị… Nghề thêu là nghề thủ công cổ truyền. Nhưng nghề may bắt nguồn từ nhu cầu phổ biến của người dân, tuy là một nghề truyền thống nhưng hầu như không được đề cập tới trong các thư tịch, sử sách. Dưới thời Pháp thuộc việc may mặc trở thành một dịch vụ mới với những thợ may chuyên nghiệp dưới dạng may đo. Sau khi Thủ đô được giải phóng, ngành may mặc có bước phát triển mới là phát triển loại quần áo may sẵn nên có điều kiện chuyển sang công nghiệp hoá hệ thống dây chuyền sản xuất từ khâu đo cắt tới khâu hoàn chỉnh thành phẩm… Trên đây là một vài nét cơ bản, giới thiệu qua về một số làng nghề dệt, nhuộm, thêu, may của Thăng Long – Hà Nội.
Bích Lang
Nhà xuất bản Hà Nội