Bức tranh về các phố nghề lương thực, thực phẩm Thăng Long – Hà Nội
* Phố Hàng Đường: Trước đây phố này thuộc thôn Vĩnh Thái và thôn Đông Hoa - Nội Tự, tổng Hậu Túc (sau đổi là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm. Đây là phố có nhiều cửa hiệu bán đường và các loại bánh mứt kẹo chế biến theo kỹ thuật thủ công truyền thống. Trong các loại bánh đó, có bánh Phục Linh đã được dâng vua nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1896. Ngày nay phố này vẫn giữ mặt hàng truyền thống và nghề này được thể hiện thành tên phố. Tuy nhiên hiện nay, chỉ còn một vài cửa hiệu vẫn duy trì bán ô mai, bánh trung thu và một số mặt hàng bánh kẹo truyền thống.
* Phố Hàng Cháo: Trước đây phố thuộc thôn Cổ Thành, tổng Hữu Nghiêm (sau đổi thành Yên Hoà) huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Đống Đa. Vào thời Lê, thôn Cổ Thành có tên là thôn Hàng Cháo, có thể vì nơi này có nhiều hàng cháo vì nằm trên đường quốc lộ từ Thăng Long đi vào xứ Đoài, đồng thời lại ở gần trường Quốc Tử Giám.
Vào khoảng đầu thế kỷ XX, nơi đây sản xuất hương đen có lúc được gọi là phố Hàng Hương (cần phân biệt với ngõ Hàng Hương ở giáp phố Phùng Hưng là nơi sản xuất hương trầm).
Ngày nay phố vẫn được mang tên phố Hàng Cháo để ghi lại dấu tích thời xưa tuy phố này không còn có hai nghề bán cháo và bán hương vì đã chuyển sang kinh doanh những mặt hàng khác.
* Phố Chả Cá (phố Hàng Sơn): Đây là đoạn phố nằm giữa, nối phố Hàng Lược thuộc tổng Hậu Túc (sau đổi là phố Đồng Xuân) với phố Hàng Cân, thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Phố này thuộc thôn Đức Môn, tổng Hậu Túc (sau đổi là Đồng Xuân) huyện Thọ Xương, nay phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Trước đây, vào thế kỷ XIX, nơi đây bán các loại sơn sống (sơn giọi, sơn thịt, sơn hom, …) và có tên là phố Hàng Sơn.
Đến đầu thế kỷ XX, có gia đình họ Đoàn đã sáng tạo ra món ăn đặc biệt là lấy cá nướng làm chả ăn với bún và một số gia vị hấp dẫn, được nhiều người ưa thích và mở cửa hàng chuyên doanh bán chả cá là một món ăn đặc sản của Hà Nội. Do đó, dần tên cũ là phố Hàng Sơn được thay thế bằng tên mới là phố Chả Cá. Món ăn nhanh chóng nổi tiếng nên cửa hàng trở thành nơi hẹn hò của thực khách tao nhân của đất Thăng Long.
Nay tại phố này vẫn có cửa hiệu kinh doanh món đặc sản này ở số nhà số 14 với tên gọi Chả cá Lã Vọng với tượng ông Lã Vọng câu cá.
* Phố Hàng Bún: Phố thuộc thôn Yên Ninh và Yên Thành, tổng Yên Thành huyện Vĩnh Thuận, nay thuộc quận Ba Đình. Tên phố bắt nguồn từ truyền thống làm bún sợi nhỏ và trắng của thôn Yên Ninh. Tới 1945 vẫn còn nhà làm mặt hàng này. Ngày nay, tại ngã ba Hàng Bún với ngõ Yên Ninh còn tấm bia dựng sau ngày giải phóng Thủ đô. Trên bia có khắc dòng chữ: “Khắc sâu lòng căm thù thực dân Pháp đã tàn sát đồng bào ta tại nơi đây”, ngày 17/12/1946… Ngày nay, nghề làm bún ở nơi đây đã mai một, giờ chỉ còn tên gọi.
* Phố Hàng Buồm, thuộc phường Hà Khẩu, tổng Tá Túc, sau đổi thành Đông Thọ. Trước kia, đây là khu vực sông Tô Lịch thông ra sông Hồng nên có tên là Giang Khẩu. Sau vì kiêng huý tên Trịnh Giang nên vào đầu thế kỷ XVIII đổi thành Hà Khẩu. Xưa kia, nơi đây có bán các loại buồm (may bằng vải hay đan bằng cói, lát) bán cho các thuyền đậu tại đây nên đổi tên thành phố Hàng Buồm.
Từ thế kỷ XVIII, Hoa kiều được phép cư trú ở Thăng Long và đây là nơi họ ở tập trung. Họ mở các cửa hàng ăn. Khi cửa sông bị bồi lấp, phố được đổi mới và mở rộng thì các cửa hàng ăn đó cũng phát triển và trở thành những cao lâu với những món ăn nổi tiếng của châu Á – Âu, chủ yếu là theo phong cách của Trung Quốc. Nhà hàng nổi tiếng nhất thời đó là hiệu Đông Hưng Viên, có thời được gọi là Kim Môn vì có bệ tam cấp và hai bên cửa đều bọc đồng. Nay là Nhà văn hoá của Thành phố.
Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, phố Hàng Buồm nằm ở trung tâm Liên khu I. Do Uỷ ban kháng chiến liên khu cho phép người Hoa kiều được buôn bán bình thường nên phố này vẫn nhộn nhịp và đông đúc. Ngày nay, phố này là phố bán các loại bánh kẹo, sữa hộp… và chỉ còn một hiệu ăn lớn là hiệu Mỹ Kinh nay đổi thành Công ty Cổ phần khách sạn Mỹ Kinh ở số nhà 74.
* Phố Hàng Mắm: Trước đây phố thuộc thôn Thanh Yên và thôn Mỹ Lộc, tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm. Từ lâu phố có nhiều cửa hàng bán các thứ mắm và các loại thuỷ hải sản khác. Tên phố hình thành từ ngành nghề kinh doanh đó. Vài chục năm gần đây, phố có thêm nghề làm bia, mộ chí, bán tiểu và các đồ sành sứ, đồng thời nghề cũ cũng bị mai một đi.
* Khu phố ẩm thực (Tống Duy Tân và Cấm Chỉ), thuộc quận Hoàn Kiếm. Phố Tống Duy Tân đi từ đường Trần Phú đến đường Điện Biên Phủ, nguyên là con đường chạy dọc theo cạnh phía đông của thành mang cá bảo vệ cửa Đông nam thành Thăng Long đời Nguyễn. Tên phố trước đây vào thời thuộc Pháp có tên là phố Bơ- ruýt-xô, cuối năm 1945 đổi thành Bùi Bá Kỳ, thời gian 1947 -1954 đổi tên thành phố Kỳ Đồng. Ngõ Cấm Chỉ là đoạn đường đi từ phố Tống Duy Tân đến phố Hàng Bông. Tại 2 đoạn đường này, đã hình thành những cửa hàng ăn, chế biến các món ăn có tính truyền thống và nay được công nhận dưới tên gọi là khu phố ẩm thực. Khu phố ẩm thực hiện nay là khu phố ăn đêm của người Hà Nội. Tại đây từ 7h tối đến nửa đêm phục vụ các thực khách ăn đêm với nhiều món ăn hấp dẫn.
Bích Lang
Nhà xuất bản Hà Nội