Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 06/05/2015 03:58
Đẩy mạnh phát triển văn hoá – xã hội thành phố Hà Nội những năm đầu đổi mới

Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố tuy có chuyển biến rõ rệt trên một số mặt nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, song song với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, đẩy mạnh xây dựng và quản lý đô thị, chính quyền thành phố Hà Nội coi trọng chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp tăng cường phát triển các lĩnh vực văn hoá – xã hội.

 
Trong công tác giáo dục, Uỷ ban nhân dân Thành phố chủ trương tiếp tục duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo ở Hà Nội trên cơ sở giữ vững kết quả xoá mù chữ và phổ cập giáo dục cấp I. Ngày 30/5/1988, Uỷ ban nhân dân Thành phố ra Chỉ thị số 24/CT-UB về công tác phổ cập cấp I và xoá mù chữ cho trẻ em và người lớn tuổi, yêu cầu ngành giáo dục các cấp đẩy mạnh công tác xoá mù chữ, tiến tới phổ cập cấp I. Uỷ ban nhân dân Thành phố chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo phổ cập cấp I và xoá mù chữ ở quận/huyện, phường/xã. Kết thúc năm học 1989-1990, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước được Nhà nước công nhận đạt chuẩn quốc gia về xoá nạn mù chữ và phổ cập giáo dục cấp I.
Trong công tác quản lý, ngày 14/7/1988, Thành phố ra Quyết định số 3279/QĐ-UB chuyển các trường phổ thông trung học trực thuộc Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã sang trực thuộc Sở Giáo dục Đào tạo. Tiếp đó, Sở Giáo dục và Ban Giáo dục chuyên nghiệp sáp nhập thành Sở Giáo dục và Đào tạo.
 
Nhằm từng bước hiện đại hoá phương tiện, thiết bị dạy - học, một mặt Thành phố tăng cường các nguồn vốn nhà nước cho giáo dục, mặt khác đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động giáo dục – đào tạo. Công tác xã hội hoá hoạt động giáo dục Hà Nội đã huy động được nguồn lực từ nhiều kênh khác nhau phục vụ sự nghiệp giáo dục. Năm 1994, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị và chi thường xuyên cho các trường là 59 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 1993. Toàn thành phố chỉ còn 40 phòng học, học sinh phải học ba ca.
 
Giáo dục phổ thông, đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề tiếp tục phát triển. Năm 1993, số học sinh phổ thông tăng 4,5 lần so với năm 1992, học sinh các trường chuyên nghiệp tăng 6,7%. Đội ngũ giáo viên được chuẩn hoá với tỷ lệ cao. Nội dung giáo dục được cải tiến, chất lượng dạy và học được giữ vững và nâng cao. Đến năm 1995, công tác phổ cập trung học cơ sở trong độ tuổi đạt 100% ở cấp phường, 30% ở cấp xã.
 
Về y tế, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho nhân dân, Uỷ ban nhân Thành phố xác định một mặt phải tăng cường đầu tư đưa trang thiết bị y tế hiện đại vào các bệnh viện đa khoa của Thành phố, quận/huyện, mặt khác nâng cấp các trạm y tế xã /phường.
 
Ngày 2/5/1988, Thành phố ra Chỉ thị số 21/CT-UB, đưa tủ thuốc chữa bệnh về trạm y tế xã/phường. Thành phố chỉ đạo ngành y tế, các quận/huyện, xã/phường tiến hành kiểm tra, xây dựng các tủ thuốc xã/phường theo hướng kiện toàn mạng lưới dịch vụ bán thuốc. Vốn đầu tư xây dựng tủ thuốc được lấy từ ngân sách xã/phường hoặc nguồn vay tín dụng. Với những xã/phường quá ít vốn, nhân viên trong trạm y tế xã được phép huy động vốn để làm đại lý thuốc và giá bán thuốc được tăng lên 10% so với giá bán lẻ. Nguồn cung cấp thuốc lấy từ Xí nghiệp Liên hiệp Dược Hà Nội, các hiệu thuốc quận/huyện.
 
Năm 1992, Thành phố tiến hành sắp xếp lại hệ thống tổ chức của ngành y tế từ thành phố đến quận/huyện, quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh trên địa bàn, sắp xếp lại các bệnh viện. Đã nâng cấp 122/140 trạm y tế xã, tăng cường bác sĩ tới 100% trạm y tế phường, các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại cộng đồng, tiêm chủng mở rộng, chống lao cấp II, thanh toán bệnh phong, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ - trẻ em,… được thực hiện hiệu quả hơn.
 
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác dân số - kế hoạch gia đình, ngoài kinh phí Trung ương ấp, Thành phố hỗ trợ thêm cho chương trình dân dố - kế hoạch gia đình bình quân 1.000 đồng/người. Ngày 15/2/1989, Thành phố ban hành Quyết định số 500/QĐ-UB về công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 2 con, khuyến khích gia đình 1 con, quy định các gia đình phải đăng ký sinh đẻ có kế hoạch.
 
Ngày 15/7/1992, Thành phố ban hành Quyết định số 1514/QĐ-UB, thành lập Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hoá gia đình. Trung tâm có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, các đơn vị ở Trung ương và Hà Nội có liên quan nắm tình hình sức khoẻ của bà mẹ, trẻ em, chỉ tiêu sinh đẻ trong Thành phố, tổ chức tuyên truyền, khám và điều tra thực hiện các chỉ tiêu chăm sóc, bảo vệ tốt sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, đồng thời thực hiện kế hoạch hoá gia đình, tuyên truyền và phân phối các phương tiện kỹ tuật tránh thai theo yêu cầu của các đối tượng. Năm 1993, lần đầu tiên Thành phố thực hiện việc xây dựng mạng lưới cán bộ dân số xuống tận cơ sở với 224 cán bộ chuyên trách dân số xã/phường, 2.240 cán bộ dân số thôn, xóm, cụm dân cư. Ngày 14/6/1994, Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành Quy định thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình. Ngoài kinh phí của Trung ương, Thành phố đầu tư 2.000 đồng/người cho các chương trình dân số. Tỷ lệ sinh đã giảm từ 1,95% (năm 1994) xuống còn 1,835% (năm 1995).
 
Các hoạt động văn nghệ, văn hoá, thông tin, thư viện được đẩy mạnh hướng về cơ sở đã góp phần cải thiện đời sống tinh thần của nhân dân ở phường/xã. Thành phố đã xây dựng được 15 cụm văn hoá - thể thảo điển hình. Đời sống văn hoá của nhân dân được nâng cao, các hoạt động giao lưu văn hoá trong và ngoài nước cũng được mở rộng. Các hoạt động văn hoá - nghệ thuật dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy.
 
Nhằm tập hợp tốt hơn những người Công giáo yêu nước, ngày 13/1/1986, Uỷ ban nhân dân Thành phố ra Quyết định số 118/QĐ-UB, thành lập Uỷ ban Đoàn kết Công giáo yêu nước thành phố Hà Nội trên cơ sở Uỷ ban liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hoà bình thành phố Hà Nội. Uỷ ban hoạt động theo Điều lệ của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
 
Ngày 19/8/1991, Uỷ ban nhân dân Thành phố ra Nghị quyết số 01/NQ-UB triển khai cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn minh, gia đình văn hoá” ở tất cả các ngành, các cấp, đoàn thể. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội thủ đô còn nhiều khó khăn nhưng ngành văn hoá - nghệ thuật từng bước được xã hội hoá, phát triển đa dạng các loại hình biểu diễn, chất lượng phục vụ ngày một nâng cao.
 
Công tác thương binh – xã hội được Uỷ ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền và đoàn thể thực hiện chu đáo, kịp thời. Trong 3 năm (1991-1993), các quận, huyện đã xây tặng các gia đình liệt sĩ, thương binh 554 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 8 tỉ đồng, trao tặng 9.150 sổ tiết kiệm trị giá 2.448,839 triệu đồng. Con em gia đình thương binh, liệt sĩ được ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm. Nhiều người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi khó khăn được trợ cấp xã hội.
 
Với một bức tranh miêu tả khái quát về công tác phát triển văn hoá – xã hội của Thủ đô trong 10 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống – xã hội của Thủ đô đã có những chuyển biến rõ rệt hơn nhưng tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ phát triển văn hoá – xã hội trong thời kỳ này, Uỷ ban nhân dân Thành phố đã đẩy mạnh xây dựng và quản lý đô thị, chỉ đạo, giám sát các sở, ngành, chính quyền các cấp trong việc thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, tăng cường phát triển các lĩnh vực văn hoá – xã hội. Có thể nói, trong những năm đầu đổi mới, văn hoá – xã hội của Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
 
 
Ngọc Hà
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)