Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 06/05/2015 04:02
Nhìn lại công tác xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị Hà Nội trong 20 năm đầu đổi mới

Khác với các đơn vị hành chính – lãnh thổ khác, Hà Nội là một đô thị, hơn nữa là đô thị thực hiện vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước do đó công tác xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị Hà Nội đặt ra nhiều vấn đề lớn và phức tạp cần phải thực hiện trong những năm đổi mới. Chúng ta hãy cũng nhìn lại công tác xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị của Thành phố Hà Nội giai đoạn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986-2005).

 
10 năm đầu (1986-1996)
 
Quản lý dân số là vấn đề lớn và phức tạp của đô thị Hà Nội trong những năm đổi mới. Ngày 9/5/1989, Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành Văn bản số 2064/NC-UB, cho phép đăng ký hộ khẩu thường trú ở Hà Nội đối với một số trường hợp: cán bộ, công nhân, nhân viên công tác ở các vùng giáp ranh thuộc các tỉnh có vợ hoặc chồng là nhân khẩu thường trú ở nội ngoại thành Hà Nội; cán bộ công nhân viên kết hôn từ 7/3/1980 mà vợ hoặc chồng là nhân khẩu thường trú ở Hà Nội; cán bộ công nhân viên được các bộ, tổng cục điều động về Hà Nội từ 31/8/1988 trở về trước có kèm theo ba nhân khẩu phụ thuộc trở lên.
 
Ngày 4/2/1993, Thành uỷ đề ra Chương trình số 20, vạch ra những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản cho công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị trong những năm cuối thế kỷ XX. Ngay sau đó, Uỷ ban nhân dân Thành phố thành lập ban chỉ đạo thực hiện Chương trình 20, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai cụ thể. Chương trình 20 hướng vào giải quyết những công việc trọng tâm: lập quy hoạch tổng thể của toàn thành phố và quy hoạch chi tiết của các khu phố, tập trung đầu tư xây dựng mới các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị: giao thông, bưu điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, công viên; đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở để bán dưới mọi hình thức; cải tổ có hệ thống tổ chức quản lý đô thị trên nguyên tắc phân cấp quản lý. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có nhiều mặt tiến bộ hơn trước. Thành lập Sở Giao thông công chính và các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị tại quận/huyện, phường/xã… Uỷ ban nhân dân Thành phố chỉ đạo Sở Nhà đất tập trung thực hiện Quyết định số 118/TTg và Quyết định số 33/TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào lương. Việc bán nhà cấp 3, cấp 4 cho công nhân viên chức được tiến hành thí điểm đem lại kết quả tốt. Hệ thống cơ sở hạ tầng của Thành phố (cấp – thoát nước, điện, vệ sinh môi trường) tiếp tục được cải tạo và nâng cấp. Giao thông Thành phố được mở rộng theo quy hoạch, đường vành đai I (Cầu Giấy – Ô Chợ Dừa – Kim Liên - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân – Vĩnh Tuy); đường Bắc và Nam Thăng Long được triển khai xây dựng.
 
Ngày 14/5/1994, Uỷ ban nhân dân Thành phố ra kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện những vấn đề bức xúc của đô thị; thiết kế và thông qua quy hoạch chi tiết các khu vực trọng điểm, quy hoạch các ngành: giao thông, điện, cấp thoát nước. Năm 1994, Thành phố đã thông qua quy hoạch chi tiết các khu vực: hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, khu phố cổ, hồ Linh Đàm, khu dân cư Yên Hoà, Trung Hoà. Trước đó, ngày 30/8/1993, Uỷ ban nhân dân Thành phố ra Quyết định số 3234/QĐ-UB, ban hành Quy định về quản lý xây dựng và bảo tồn khu phố cổ Hà Nội. Theo đó, việc xây dựng và bảo tồn khu phố cổ phải giữ được đặc thù của mạng đường phố cổ với các tên gọi cổ truyền, các công trình kiến trúc riêng biệt về ý đồ tạo hình, tổ chức không gian và hoạ tiết trang trí, bảo tồn, tôn tạo công trình được xếp hạng và công nhận là di tích theo phương cách hiện đại hoá hạ tầng cơ sở. Trách nhiệm quản lý xây dựng và bảo tồn khu phố cổ được Thành phố giao cho Kiến trúc sư trưởng thành phố chủ trì cùng với giám đốc các Sở Văn hoá – Thông tin, Sở Xây dựng, Sở Nhà đất, Sở Giao thông công chính. Mạng lưới giao thông, các bến bãi, điểm đỗ xe và hệ thống điện, nước, bưu chính viễn thông tiếp tục được Thành phố đầu tư cải tạo, nâng cấp và hiện đại hoá.
 
10 năm tiếp theo (từ 1997 – 2005)
 
Uỷ ban nhân dân Thành phố tập trung chỉ đạo lập quy hoạch tổng thể thủ đô và xây dựng các khu đô thị mới. Ngày 26/11/1997, Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 4590/QĐ-UB, thành lập Ban đặc trách nghiên cứu Dự án đô thị mới Hà Nội. Ban phối hợp với các đối tác trong nước và ngoài nước để thúc đẩy việc quy hoạch chung thành phố Hà Nội đến năm 2020 và phát triển đô thị mới Hà Nội, nghiên cứu đề xuất và chuẩn bị các điều kiện để thành lập các dự án tiền khả thi cho việc đầu tư và xây dựng đô thị mới Hà Nội… Ban gồm các cán bộ của Việt Nam, tập đoàn Daewoo bảo trợ dự án và các chuyên gia của công ty tư vấn quốc tế khác; bộ máy gồm các bộ phận: Tổ pháp chế, tổ quản lý, điều hành, tổ kế hoạch và đầu tư, tổ kỹ thuật đô thị.
 
Đến cuối năm 1997, Thành phố đã cơ bản hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2020; xác định xong quy hoạch chi tiết các khu vực đô thị. Thành phố đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, thuỷ lợi. Đến tháng 4/2002, đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010 của các quận/huyện: Đống Đa, Từ Liêm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Thanh Trì, Sóc Sơn, Cầu Giấy, Đông Anh.
 
Trước tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, ngày 7/3/2002, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Hà Nội (gọi tắt là Ban Quản lý đô thị mới Hà Nội) được thành lập. Ban có nhiệm vụ: Tổ chức lập quy hoạch chi tiết; thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch trong khu đô thị mới; vận động thu hút vốn đầu tư; xây dựng các quy định, quy chế quản lý đầu tư xây dựng của khu đô thị mới trình Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt. Trong giai đoạn 2002-2005, đã hoàn thành quy hoạch nhiều khu đô thị mới như: Nam Thăng Long, Yên Hoà, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình…
 
Uỷ ban nhân dân Thành phố đặc biệt quan tâm tới vấn đề nhà ở cho nhân dân. Đã triển khai xây dựng khu nhà ở Đầm Trấu, Thanh Trì, Vọng, khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở Bắc Linh Đàm, các khu đô thị ở Trung Yên (Cầu Giấy), Định Công… Khu đô thị Định Công rộng 35ha là một trọng điểm của chương trình phát triển nhà ở, với chức năng là khu dân cư mới được quy hoạch với các công trình nhà ở đa dạng, phục vụ mọi đối tượng.
 
Ngày 29/5/2000, Thành phố ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo về chính sách nhà ở, đất ở tại Hà Nội, do một phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố tổ chức hội nghị lãnh đạo các ngành, các cấp trực thuộc để giải quyết vấn đề nhà ở, đất ở. Tiếp đó, tại kỳ họp thứ mười hai (12-15/1/1999), Hội đồng nhân dân Thành phố khoá XI đã thông qua Nghị quyết về thành lập Quỹ phát triển nhà ở thành phố Hà Nội. Ngày 27/12/2001, thành lập Quỹ phát triển nhà ở Thành phố. Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước có nhiệm vụ: tiếp nhận các nguồn vốn của Thành phố, huy động các nguồn vốn đầu tư; nhận uỷ thác từ nguồn ngân sách và các nguồn vốn khác để đầu tư cho quỹ phát triển nhà ở; nhận tiền gửi tiết kiệm đối với các đối tượng để mua nhà ở thuộc dự án xây dựng; đầu tư trực tiếp trong xây dựng và phát triển cơ sở kỹ thuật và nhà ở. Năm 2004, toàn thành phố đã xây dựng được 1.418 ngàn mét vuông nhà ở (đạt 141,8% kế hoạch), trong đó nhà thuộc dự án của các doanh nghiệp nhà nước là 948 nghìn mét vuông (chiếm 66,9% khối lượng thực hiện).
 
Công tác quản lý, quy hoạch và xây dựng đô thị của Thành phố trong giai đoạn này đạt được nhiều thành tựu tích cực. Có được những kết quả đó là do các cấp chính quyền của Thành phố có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng còn bộc lộ một số hạn chế do chính sách bồi thường còn chưa theo kịp thực tế, quỹ nhà đất tái định cư chưa chủ động và đáp ứng đủ, lực lượng làm công tác giải phóng mặt bằng chưa chuyên môn sâu và được chuyên môn hoá, tiến độ một số dự án chậm, việc chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất còn lúng và giải quyết chưa có hiệu quả giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân khiếu kiện, thắc mắc ở nhiều địa phương.
 
Về hình thức tổ chức giải phóng mặt bằng, hình thức tổ chức giải phóng mặt bằng chủ yếu là theo từng dự án. Hình thức này đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là:
 
- Không đảm bảo phát triển đô thị đồng bộ, đảm bảo cảnh quan kiến trúc môi trường.
 
- Chưa giải quyết có hiệu quả về các vấn đề hậu giải phóng mặt bằng, đặc biệt là chuyển đổi nghề nghiệp cho những người bị thu hồi tư liệu sản xuất đặc biệt, chủ yếu.
 
- Ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực do đầu tư kéo dài và riêng biệt gây ra đối với khu vực giải phóng mặt bằng ở cạnh các dự án phát triển đô thị, khu công nghiệp…
 
- Không chủ động được quá trình đầu tư phát triển dẫn đến sử dụng vốn kém hiệu quả, làm chậm quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
 
- Hạn chế phát huy tiềm năng về nguồn lực đất đai theo quy hoạch và kế hoạch.
 
 
Đoàn Huấn
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)