Hà Nội vùng đất thiên thời địa lợi với không gian lễ hội đa dạng, đặc sắc
Trước hết, Hà Nội là trung tâm của toàn bộ miền Bắc nước ta, từ đây đi đến tất cả các miền trong vùng này đều thuận tiện, nhanh chóng và có độ dài không quá cách xa nhau, còn nếu tính đi xa xung quanh đến các vùng trung du và đồng bằng thì độ dài khá đều. Như vậy, từ đây nếu cần toả ra các vùng xung quanh sẽ rất nhanh chóng và thuận lợi về mặt kinh tế và quân sự. Lịch sử đã cho thấy không ít các triều đại phong kiến khi gặp chiến tranh đã mau chóng rút khỏi kinh thành về các vùng phụ cận để ẩn nấp, chờ thời cơ là quay lại lấy thành, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông thời Trần.
Mặt khác, trong việc làm ăn kinh tế thì lại thuận tiện. Thậm chí Thăng Long như là một nơi trung chuyển hàng hoá, sản vật từ bắc xuống nam, từ đông sang tây và ngược lại. Vì vậy, nơi đây lại là nơi tập trung tất cả các của ngon vật lạ từ mọi miền đất nước, rồi từ đây những hàng hoá của kinh đô cũng lại toả đi khắp bốn phương. Cùng với những thứ đó là con người, là những nghệ nhân thợ thủ công, những trí thức có tài, những người kinh doanh buôn bán… hội tụ về đây càng làm cho kinh thành ngày một tấp nập và phồn hoa đô hội. Với vị trí của mình, Hà Nội là nơi thu hút nhân tài vật lực từ khắp bốn phương, điều đó đã, đang và sẽ mãi mãi là như vậy, câu nói của người xưa “tụ nhân như tụ thuỷ” rất đúng với Hà Nội. Hơn thế nữa, những người tụ họp về đây cũng phải là những người “như thế nào đó” mới về được. Bởi vì, như ta biết, người dân quê xưa không mấy khi dám bỏ làng hay dứt làng mà đi được. Một mặt do tình cảm, do phong tục tập quán níu giữ, mặt khác bứt khỏi làng đi làm ăn, sinh sống độc lập ở nơi khác, nhất là chốn thị thành, phải là người có gan mới dám làm ngoài cái “gan” ấy phải có một khả năng nhất định nào đó mới có thể tồn tại được. Vì vậy, nếu không có tài làm ăn, buôn bán thì ít nhất cũng phải là người có nghề nghiệp hoặc học hành. Giữa chốn phồn hoa đô hội này, muốn tồn tại được phải vươn lên, cạnh tranh được với những người khác. Vì thế, những người trụ lại được nơi đây ở góc độ nào đó là những tinh hoa từ các vùng khác nhau hội tụ về. Chính sự cạnh tranh ấy tạo ra những tinh tuý của các nghề, các đặc sản, các thú ăn chơi, các loại hàng hoá hay nghệ thuật của đất kinh kỳ khác và hơn những nơi khác. Điều đó làm Hà Nội phong phú hơn, đa dạng, sang trọng và sành điệu hơn trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống so với những vùng đất khác. Đó là chưa kể sự hội nhập, giao lưu giữa nó và các vùng khác nhau để tạo nên những nét tinh tuý riêng của đất kinh kỳ.
Về mặt khí hậu, thời tiết, Hà Nội cũng hội đủ những điều kiện ưu việt. Trong toàn vùng Bắc Bộ, Hà Nội có thể được coi là điển hình với bốn mùa rõ rệt xuận, hạ, thu, đông. Chính điều đó tạo nên nét văn hoá hết sức sinh động ở đây với những “mùa thu hương cốm mới” ăn với chuối tiêu trứng cuốc. Chỉ có ngồi tại Hà Nội vào thời điểm cuối thu đầu đông, trong tiết trời dịu mát, hơi lành lạnh vào buổi sang mà nhấm nháp những hạt cốm ủ trong lá sen lẫn trong vị ngọt của chuối tiêu mới cảm nhận hết cái ngon của nó. Tương tự như vậy, chỉ trong cái se lạnh đầu đông Hà Nội mới thấy hết sự nồng nàn của mùi hoa sữa làm nao lòng những kẻ đã từng sống nơi đây nay phải xa cách Hà Nội. Hoặc phải sống trong cái rét mùa đông tê tái của những làn gió mùa đông bắc mới thấy thương nhớ, mới thấy hết cái mùi tuyệt vời của ngô nướng hay khoai lang nướng trong đêm đông và cái ngon của bát phở nóng hay bánh cuốn nóng Hà thành mà Vũ Bằng luôn khắc khoải trong Thương nhớ mười hai.
Theo khảo sát thực tế cho thấy, Hà Nội là một nơi tập trung dày đặc các hội hè dân gian. Cùng với khu vực mới sát nhập, chỉ tính riêng Hà Tây cũ và Hà Nội con số lễ hội dân gian theo thống kê của Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) năm 2008 đã là 1.070 lễ hội trong đó Hà Nội 535, Hà Tây cũ là 535 trên tổng số 543 lễ hội của Hà Nội và 552 lễ hội của Hà Tây, đó là chưa kể một số lễ hội của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc cùng mới chuyển về Hà Nội. Như vậy có thể thấy đây là vùng lễ hội đậm đặc và phong phú nhất của cả nước, mà không nơi nào có được. Hà Nội bây giờ có gần trọn vẹn một xứ Đoài, có sự tham gia của xứ Bắc và xứ Đông cùng một phần của Sơn Nam thượng… Kinh thành chứa đựng trong đó những giá trị văn hoá quý giá của Tứ trấn trong cái nôi của đồng bằng Bắc Bộ.
Với việc mở rộng địa vực thành phố, có thể khẳng định một điều chắc chắn không có một tỉnh, thành nào trong cả nước có mật độ và số lượng lễ hội nhiều như Hà Nội. Sự phong phú của các lễ hội ấy cũng không có nơi nào sánh bằng. Sự hội tụ hiện nay, bên cạnh những lễ hội cung đình mà chỉ một vài nơi có được, thì sự góp mặt của văn hoá xứ Đông, xứ Bắc và xứ Nam đều có những nét đặc sắc nhất của mình. Hơn nữa, Hà Nội là nơi đăng cai tổ chức, thay mặt nhân dân cả nước nên những lễ hội như vậy không nơi nào có được cái may mắn ấy. Đây là một ưu thế lớn của Hà Nội. Bằng tất cả những ưu thế về địa vực, về không gian, về chức năng của trung tâm chính trị - văn hoá của cả nước, từ lâu đời nay, Hà Nội đã trở thành một trung tâm văn hoá của cả nước với rất nhiều các giá trị văn hoá khác nhau, mà lễ hội là một trong những hiện tượng đặc sắc nhất.
Lê Hồng
Nhà xuất bản Hà Nội