Thăng Long - Hà Nội và những nền tảng để trở thành một đô thị phồn thịnh
Vùng đất Thăng Long trong lịch sử có tính chất không định hình chính xác của nó. Có thể coi đây như là một không gian mở, có những biên giới mềm và diện tích co giãn. Trong lịch sử, nó đã tỏa rộng ra nhiều vùng phụ cận và được mở rộng tối đa trong thời kỳ vua Minh Mệnh nhà Nguyễn (1831) đến trước thời Pháp thuộc (1888). Tuy nhiên bên cạnh xu thế mở rộng về mặt không gian hành chính, thì trong nhiều thế kỷ, không gian xã hội đô thị của Thăng Long - Hà Nội vẫn chỉ giới hạn trong một khu vực khá hẹp, chỉ bao gồm vùng đất nội thành của thành lũy Đại La, bao gồm toà nhà Thăng Long và “36 phố phường”. Tuy có sự co giãn nhưng về đại thể, cấu trúc của đô thị đã bao gồm 3 bộ phận: thành, thị và đai ven đô và đây chính là tiền đề để xây dựng khu nhân lõi của vùng Kẻ Chợ - Thăng Long.
Những nền tảng tự nhiên - xã hội của sự hình thành và phát triển đô thị Thăng Long - Hà Nội chính là vị trí địa lý, số lượng sông hồ dày đặc và tài nguyên thiên nhiên, nhân văn. Về vị trí địa lý, đồng bằng Bắc Bộ hay châu thổ sông Hồng - Thái Bình là một hình tam giác mà đỉnh là Việt Trì và đáy là bờ biển trông ra vịnh Bắc Bộ. Trong quá trình khai phá đất đai thời dựng nước, vec-tơ phát triển của người Việt là tiến dọc theo hướng dòng chảy các con sông tây bắc - đông nam, từ vùng đồng bằng tiến dần ra biển. Theo đó Thăng Long - Hà Nội nằm trên vùng đất bồi tụ có thể coi là ở trung tâm châu thổ sông Hồng. Trong suốt thời trung đại, vị trí của Thăng Long - Kẻ Chợ luôn là trung tâm hội tụ kinh tế của toàn vùng đồng bằng Bắc Bộ và tỏa rộng ra trong nước. Vị trí trung tâm hội tụ đó đã được các vương triều phong kiến và nhân dân cả nước khẳng định từ lâu trong những lời đánh giá như: “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước” (Chiếu dời đô) và “thứ nhất kinh kỳ”.
Ngoài việc là một vùng trung tâm, Thăng Long - Hà Nội còn là nơi tập kết, điểm trung chuyển kinh tế, văn hóa của các vùng miền xa gần trong nước. Và điều này được hình thành bởi một phần bởi đây là vùng của nhiều sông bến, đầm hồ. Tác dụng nổi bật nhất của sông Hồng đối với Thăng Long - Hà Nội là với các hoạt động giao thương, buôn bán. Nối liền với các chi lưu và những dòng sông lân cận như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đuống, sông Luộc, một mạng lưới chằng chịt những tuyến giao thông đường thủy trải rộng khắp một vùng trung du và đồng bằng, tạo nên những xung lực cho sự phát triển kinh tế, nhất là trong điều kiện xã hội trung đại, người Việt đi lại và vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng phương tiện thuyền bè. Tương ứng với hệ thống sông ngòi ở Thăng Long - Kẻ Chợ là hệ thống các bến đò. Qua thế kỷ XIX, việc giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng cũng như việc đi lại trên sông Hồng càng trở nên nhộn nhịp. Năm 1883, Labarthe đã phác họa bức tranh sinh động về sông bến Hà Nội: “Vô vàn những bè mảng đủ các kích cỡ, hình như không thể lách được đến hai bên bờ, đậu lộn xộn giữa đám tàu thuyền”. Cùng với sông, đầm hồ cũng là một nét đặc trưng của cảnh quan thiên nhiên Thăng Long - Hà Nội. Riêng huyện Thọ Xương thuộc tỉnh thành Hà Nội đã có tới trên 400 hồ lớn nhỏ. Các hồ đó thường ăn sâu với nhau và cùng thông với sông Tô Lịch và sông Hồng. Không chỉ làm đẹp cảnh quan, là địa điểm cho các sinh hoạt văn hóa, các hồ của đất Kinh kỳ còn là con đường giao thương thuận tiện trong điều kiện xưa kia thường vận chuyển bằng thuyền bè, như các bè mảng miền thượng du chở cây dó theo sông Hồng vào hồ Tây cung cấp nguyên liệu làm giấy cho các thôn làng vùng Bưởi.
Bên cạnh điều kiện về vị trí địa lý, Thăng Long - Hà Nội còn có sự hội tụ các yếu tố tài nguyên thiên nhiên và nhân văn. Đánh giá về nguồn tài nguyên và nhân văn của Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã khẳng định đây là nơi “muôn vật tốt tươi”. Nguồn nước dồi dào và chất đất thích hợp cũng như khí hậu nóng ẩm mưa nhiều đã có những tác dụng tích cực đến sự phát triển nông - thủ công nghiệp của nơi đây. Bên cạnh đó, tài nguyên nhân văn cũng là một vốn quý của kinh tế - xã hội Thăng Long - Hà Nội. Nó được phản ánh trong những tục ngữ, ca dao, những danh hiệu tôn xưng phổ biến như “người Tràng An”, “Thứ nhất Kinh kỳ”, “Khéo tay hay nghề”, hoặc trong những câu nói cửa miệng tổng kết về những người thợ khéo của đất Kẻ Chợ: “Lĩnh hoa Yên Thái, thợ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xá”.
Trải suốt dặm dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là đô thị tiêu biểu cho sự cân xứng giữa chính trị và kinh tế, giữa thành và thị, giữa hai yếu tố nhà nước và dân gian. Thoát thai từ một đô thị tiền Thăng Long, kinh thành Thăng Long đã tỏa sáng trong gần tám thế kỷ và làm nên điều đó chính bởi một phần những yếu tố trên, yếu tố vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn của mảnh đất này.
Đỗ Giang
Nhà xuất bản Hà Nội