Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 07/05/2015 04:00
Một số nét nổi bật trong thiết chế nhà nước của Vương triều Lý

Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua đã thiết lập nên vương triều Lý. Nhận thấy những hạn chế trong thiết chế chính quyền thời Đinh – Lê, khởi đầu là Lý Công Uẩn đã chủ chương xây dựng một chế độ quân chủ tập quyền. Bằng thể chế, pháp luật và những chính sách cụ thể, nhà Lý đã từng bước kiểm soát và quản lý, thống nhất lãnh thổ đất nước. Chính điều đó đã tạo nên một vương triều Lý thịnh trị, ổn định kéo dài gần 170 năm.

 
Có thể nói, vương triều Lý được thành lập trong bối cảnh tương đối hoà bình, ổn định, là kết quả của cuộc vận động chính trị kéo dài, không có chiến tranh vương triều, không có đổ máu. Nhận thấy tình trạng phân quyền, cát cứ kéo dài, chiến tranh loạn lạc cùng sự cai trị tàn bạo, khắc nghiệt của triều Đinh – Lê đã gây nên những đau khổ, cơ cực và sự bất bình của nhân dân, Lý Công Uẩn đã khôn khéo và tài giỏi trong sự vận động chính trị và nhận được sự đồng tình ủng hộ của các phe phái trong triều đình, cùng sự tin tưởng của nhân dân để thiết lập nên vương triều Lý. Đó cũng chính là cơ sở để nhà Lý xây dựng và củng cố thiết chế nhà nước trung ương tập quyền vững chắc.
 
Ngay sau khi thiết lập vương quyền, nhà Lý đã có nhiều chính sách và biện pháp cụ thể nhằm từng bước “dân sự hoá” bộ máy chính quyền và thiết lập mối quan hệ gần gũi với dân chúng. Điều đó thể hiện ngay ở việc làm đầu tiên của vua Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi hoàng đế là đại xá cho thiên hạ. Ông ra lệnh “Đốt giềng lưới, bãi ngục tục, xuống chiếu từ nay ai có việc tranh kiện cho đến triều tâu bày, vua thân xét quyết”. Cùng với đó, nhà Lý tiếp tục phát huy tinh thần Phật giáo trong chính sách cai trị. Lý Thái Tổ tập trung cao độ cho việc chấn hưng Phật giáo, khuyến khích dân trong nước làm tăng, tô tượng Thiên Đế, xuống chiếu chép kinh Tam tạng… Song song với việc chấn hưng Phật giáo, nhà Lý đã từng bước đẩy mạnh nền giáo dục và khoa cử Nho giáo để tuyển chọn người hiền tài. Hình thức thi cử để tuyển chọn người tài được tiến hành đầu tiên vào năm 1075. Càng về sau hình thức này càng được coi trọng. Bằng cách này, đội ngũ nho sĩ tham chính và ngày càng có vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền nhà Lý. Đây là một bước đổi mới quan trọng trong hệ tư tưởng thống trị của nhà Lý. Từ việc cho xây dựng Văn Miếu thờ các bậc hiền sĩ, đến việc mở các lớp học, trường dạy cho con cái hoàng gia và quan lại, đến chế độ khoa cử Nho học cho thấy sự thay đổi trong nhận thức về tuyển lựa quan lại và tổ chức bộ máy chính quyền thời Lý.
 
Cùng với việc củng cố hệ tư tưởng là việc tổ chức lại bộ máy hành chính nhà nước. Ở cấp Trung ương, bộ máy chính quyền triều Lý gồm ba bộ phận chủ yếu: các văn thư phòng giúp việc nhà vua, các cơ quan cao cấp và các cơ quan chuyên môn. Các văn thư phòng giúp việc nhà vua gồm hai cơ quan là sảnh và Hàn lâm viện. Hai cơ quan này có nhiệm vụ cùng vua bàn những việc quan trọng và phụng mệnh vua soạn thảo các chế, cáo, chiếu biểu. Dưới vua các đại thần gồm Tể tướng và Á tướng, nhiều khi thay mặt vua trực tiếp điều hành chính sự. Dưới các đại thần là cơ quan cao cấp trong triều đình như Khu mật viện và Lục bộ. Đứng đầu Khu mật viện là hai chức Tả sứ và Hữu sứ, trông coi các việc quân dân, được hầu cận bên vua và được bàn những việc cơ mật trong triều. Lục bộ là cơ quan chuyên trách quan trọng nhất trong tổ chức bộ máy chính quyền nhà Lý.
 
Về chính quyền địa phương cũng được nhà Lý hoàn thiện ngay sau khi kiến lập vương triều và dần hoàn thiện. Cấp hành chính địa phương cao nhất phủ, châu, trại. Thời Lý châu là đơn vị hành chính phổ biến nhất. Trại chủ yếu được lập ở khu vực biên giới, sau các cuộc chinh phạt thắng lợi. Dưới cấp phủ, châu, trại là các huyện hoặc hương, dưới là giáp. Có thể nói, hệ thống hành chính địa phương thời Lý đã được thiết lập từ rất sớm và tương đối chặt chẽ.
 
Đặc biệt, thời Lý, để duy trì quyền lực và quản lý xã hội, các vị vua nhà Lý rất chú trọng xây dựng hệ thống luật pháp. Năm 1042 vua Lý Thái Tông đã xuống chiếu cho Trung thư sảnh san định sách luật: “Trước kia việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm trước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng…”. Nhà Lý đã giao cho  Bộ Hình và Thẩm hình viện phụ trách các vấn đề về pháp luật. Đảm nhận chức vụ này thường là Á tướng kiêm nhiệm. Trong một số trường hợp, vua đích thân xử án. Có thể thấy vua Lý Thái Tông đã nhận thấy những hạn chế trong phương pháp trị nước trước kia, nhìn thấy những oan sai, những kết cục đau lòng trong việc xử kiện trước đó, từ đó ông định ra việc san định luật Hình thư. Luật Hình thư có nhiều điều khoản bao quát các mặt đời sống chính trị, xã hội đất nước, từ những quy định về bộ máy nhà nước, chế độ quan lại, triều đình đến các vấn đề thuế khoá, hôn nhân và gia đình. Mục đích của việc san định luật là để bảo vệ thể chế, quyền hành của nhà Lý, bảo vệ triều đình, hoàng tộc và người dân. Đây thực sự là một bước tiến trong sự phát triển về tư duy quản lý đất nước của nhà Lý.
 
Có thể nói, thể chế quân chủ tập quyền nước Đại Việt thời Lý có nhiều điểm khác so với thời kỳ trước. Đây là một chính quyền dân sự được thiết lập từ vị vua đầu tiên và liên tục được hoàn thiện trong các vị vua tiếp theo. Đó là một thể chế mang tính quân chủ tập quyền, tính dân tộc cao kết hợp với tư tưởng Phật giáo cùng sự hài hoà với Đạo giáo và Nho giáo làm bệ đỡ tư tưởng cho sự tồn tại vững chắc của hệ thống chính quyền thời Lý. Điều đó tạo nên một vương triều Lý thịnh trị, hoàng kim kéo dài trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
 
 
Hoàng Vũ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)