Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 08/05/2015 03:48
Nhân dân Hà Nội và thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945

Kể từ thời điểm thực dân Pháp chiếm Hà Nội cho đến ngày Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, nhân dân Hà Nội đã liên tục đứng lên chống lại quân xâm lược với hàng chục cuộc đấu tranh lớn nhỏ. Sau ngày Đảng Cộng sản thành lập, cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Hà Nội ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hà Nội là nơi tụ hội nhiều tầng lớp xã hội, bên cạnh lực lượng lao động đông đảo, còn có nhiều giai tầng thuộc tầng lớp trên trong xã hội thuộc địa lúc ấy. Hầu hết mọi tầng lớp nhân dân Hà Nội đều có tinh thần yêu nước và có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm bất khuất. Cách mạng tháng Tám (1945) thắng lợi là thành quả 15 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

 
Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội thành công là kết quả của những năm tháng chuẩn bị công phu, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng. Giữa sào huyệt của kẻ thù, ở vị thế yếu hơn, lực lượng cách mạng Hà Nội liên tục bị vây ráp, khủng bố. Giữ gìn lực lượng đã khó, phát triển lực lượng ấy lên để đón đợi thời cơ đang đến thực sự là một bài toán vô vùng nan giải. Vì thế, trong điều kiện bị địch khống chế ngặt nghèo, việc duy trì, bảo vệ và củng cố lực lượng cách mạng là yêu cầu sống còn, thường xuyên và cũng là nhân tố căn bản đưa Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội đến thắng lợi.
 
Nhìn lại lịch sử những tháng ngày chiến đấu của quân và dân Hà Nội, chúng ta thấy từ những tổ chức, cá nhân tham gia phong trào cách mạng theo khuynh hướng vô sản ở Hà Nội trong những năm 1930 – 1931, đến thời kỳ vận động dân chủ 1936-1939, số lượng quần chúng tham gia và cảm tình với cách mạng đã tăng lên gấp bội. Sự kiện mít tinh ngày 1/5/1938 tại Nhà Đấu xảo Hà Nội với hàng vạn người tham gia là biểu hiện sinh động của quá trình chuẩn bị lực lượng cách mạng của phong trào cách mạng Hà Nội trước thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám (1945).
 
Khối quần chúng đông hàng chục vạn người cùng với lực lượng vũ trang tự vệ chiến đấu của Hà Nội được huy động để giành thắng lợi quyết định trong ngày 19/8/1945 là kết quả của 15 năm xây dựng, củng cố thực lực cách mạng của nhân dân Hà Nội. Với thắng lợi này là sự chuẩn bị lực lượng lâu dài với hai thế hệ cách mạng tham gia phong trào: một là thế hệ của những người thành lập Đảng và hai là thế hệ những người trực tiếp tham gia phong trào cách mạng trong những năm nửa đầu thập kỷ 1940.
Tháng 8 năm 1945, tin tức phát xít Nhật liên tục thua trận và đầu hàng Đồng minh dồn dập đổ về Đông Dương. Tất cả nguồn tin đó báo hiệu ngày tận số của lực lượng phát xít trên phạm vi toàn thế giới. Đặc biệt tin về sự thất bại toàn diện của phát xít Nhật đã tạo nên không khí đấu tranh sôi sục và tinh thần sẵn sàng đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Ngược lại, chính quyền thân Nhật và lực lượng quân đội Nhật ở Hà Nội trở nên hoang mang, rệu rã. Đây là cơ hội có một không hai để lực lượng cách mạng Hà Nội xốc lại đội hình tiến lên lật đổ chính quyền địch, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân.
 
Thời gian sau tháng 3/1945 là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với Hà Nội. Đó là mấy tháng “nước rút” Mặt trận Việt Minh thành phố đẩy mạnh cuộc vận động thu hút mọi giới, mọi người tham gia vào các tổ chức cách mạng. Tổ chức mặt trận Việt Minh của Hà Nội phát triển nhanh chóng trong thời gian này và nó thực sự là đạo quân chính trị, đạo quân cách mạng vô địch của cuộc khởi nghĩa sau này. Mặt trận Việt Minh ở Hà Nội chính là biểu tượng, là kết quả của quá trình chuẩn bị lực lượng cách mạng lâu dài của phong trào vận động của nhân dân Hà Nội suốt từ năm 1930 đến ngày khởi nghĩa.
 
Trên cơ sở xây dựng được đạo quân chính trị, khi điều kiện cho phép, phong trào cách mạng ở Hà Nội đã xây dựng lực lượng vũ trang tự vệ. Do hoàn cảnh cụ thể nên lực lượng vũ trang của cách mạng Hà Nội ra đời và phát triển không giống như lực lượng vũ trang ở một số nơi như ở Bắc Sơn hay ở vùng ATK của Trung ương, mà tổ chức tự vệ ở Hà Nội số lượng nhỏ, phân tán hoạt động linh hoạt.
 
Từ các tiểu tổ tự vệ ở Gia Lâm đến các đội ÁS, hay lực lượng tự vệ của Thanh niên thành Hoàng Diệu, Tự vệ xung phong… lực lượng vũ trang của Hà Nội có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở chính trị, hoạt động vũ trang tuyên truyền, bảo vệ các cuộc mít tinh tuần hành của lực lượng chính trị, diệt ác ôn… Số lượng Tự vệ cũ trang, Tự vệ xung phong của Hà Nội phát triển dần dần và đến trước ngày khởi nghĩa đã có hàng trăm đội viên.
 
Dù số lượng đội viên tự vệ của Hà Nội không nhiều và chỉ có mấy chục khẩu súng, quá ít nếu so với quân Nhật lúc đó nhưng đó lại là kết quả của quá trình chuẩn bị lực lượng lâu dài của cách mạng Hà Nội. Trong những ngày giữa tháng 8/1945, lực lượng quân Nhật ở Hà Nội và Bắc Kỳ còn rất đông. Khoảng hơn 1 vạn quân Nhật đang chiếm đóng thành phố và chưa bị tổn thất; lực lượng lính bảo an còn chốt giữ các vị trí xung yếu và quân Pháp cũng lăm le nổi dậy. Tư lệnh quân Nhật ở Đông Dương, đóng ở Hà Nội đến ngày 24/8/1945 mới nhận được lệnh ngưng chiến. Theo thoả ước, quân đội Nhật có trách nhiệm duy trì trật tự trong thành phố đến ngày quân Đồng minh đổ bộ vào Việt Nam. Như vậy, quân đội Nhật có thể can thiệp vào mọi diễn biến ở Hà Nội trong thời gian này. Nếu khả năng này xảy ra thì cơ hội giành chính quyền thật không dễ dàng. Thực tế các sự kiện xảy ra khi quân khởi nghĩa đánh chiếm Trại Bảo an (19/8) và cuộc đấu tranh khá căng thẳng giữa quân đội Nhật với chính quyền cách mạng ở Hà Nội trong các ngày 20, 21 tháng 8 đã chứng minh điều đó. Có thể thấy, lực lượng tự vệ từ chỗ nhỏ lẻ đã phát triển thành các phân đội tập trung và được huấn luyện quân sự. Thấm nhuần tinh thần cách mạng tiến công, mặc dù phải đối mặt với nguy cơ đổ máu nếu quân Nhật can thiệp vào tiến trình của cuộc khởi nghĩa, nhưng lực lượng vũ trang thành phố vẫn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng hành động, phối hợp với lực lượng chính trị của nhân dân đấu tranh. Kế hoạch tác chiến đã được vạch ra với hai bước khá chu đáo.
 
Như vậy, có thể nói, quá trình chuẩn bị lực lượng cách mạng lâu dài, kể cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang của cách mạng Hà Nội là nhân tố quan trọng quyết định thành công của cuộc khởi nghĩa năm 1945 của nhân dân Hà Nội.
 
Khi lực lượng cách mạng đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đấu tranh sống mái với kẻ thù thì vấn đề quan trọng còn lại là xác định thời cơ để quần chúng vùng lên. Mắt xích quan trọng bậc nhất trong việc xác định đúng cơ hội cho cách mạng Hà Nội bùng lên là phải hiểu và tìm mọi cách làm lực lượng Nhật ở Hà Nội trở nên “trung lập”, án binh bất động khi quần chúng xuống đường. Thời cơ đó xuất hiện sau cuộc biểu tình ngày 17/8 và nó chỉ kéo dài trong vòng vài ngày. Vì thế ngày 19/8 là cơ hội vô giá để nhân dân Hà Nội vùng lên. Phong trào quật khởi của nhân dân Hà Nội đã diễn ra đúng cơ hội và giành được thắng lợi mau chóng.
 
Tình thế cách mạng đã được trực tiếp tạo ra chính từ phong trào đấu tranh của quần chúng. Khi thời cơ cách mạng đến, Đảng bộ Hà Nội đã nhạy bén lãnh đạo nhân dân hành động bằng phương thức bạo lực chính trị là chính, kết hợp với lực lượng vũ trang làm xung kích.
 
Tất cả các yếu tố đó đã đưa cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Hà Nội nhanh chóng giành thắng lợi, không đổ máu. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (1945) ở Hà Nội là kết quả tất yếu của quá trình vận động lịch sử lâu dài. Đấy không phải là một kết quả ngẫu nhiên mà nó mang tính tất yếu sâu sắc bởi nó là biểu tượng của quá trình đấu tranh dũng cảm kiên cường, quá trình sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ.
 
 
Nguyễn Lê
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)