Những dấu ấn đầu tiên trong việc tiếp nhận hệ tư tưởng Nho giáo của vương triều Lý
Trong 10 thế kỷ đầu công nguyên là giai đoạn du nhập và định hình của các tôn giáo trong nền văn hoá Việt, đến thời Lý, về cơ bản các tôn giáo đã tìm được chỗ đứng và chung sống hoà bình, để cùng nhau tồn tại và phát triển. Tiếp tục dòng chảy văn hoá của thời kỳ trước đó, Phật giáo vẫn được coi là quốc giáo và chiếm ưu thế lớn trong sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá của triều đình và nhân dân. Bản thân vua Lý Thái Tổ là người tôn sùng đạo Phật, là một phật tử và được sự hậu thuẫn của giới Phật giáo, nên khi lên ngôi hoàng đế, Lý Thái Tổ coi Phật giáo là chỗ dựa tinh thần cho vương triều, xây dựng một chính quyền sùng đạo Phật và thân dân, đề cao tư tưởng từ bi, bác ái. Chính vì thế, Lý Thái Tổ đã đưa Phật giáo Đại Việt phát triển đến đỉnh cao huy hoàng. Dưới thời ông trị vì, chùa tháp được xây dựng khắp nơi trong kinh thành và ngoài dân gian; ông cho nghiên cứu và biên chép Kinh Tam tạng, vai trò, vị trí các nhà sư được đề cao, dân chúng được khuyến khích làm tăng, tư tưởng Phật giáo trở thành tư tưởng chính thống của vương triều và quyết định các đường hướng phát triển của đất nước. Tiếp nối vua cha, đến các vị vua kế tục là Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Phật giáo vẫn tiếp tục giữ vị trí là quốc giáo trong hệ tư tưởng vương triều. Nhà nước xuống chiếu phát tiền xây dựng chùa quán ở khắp nơi. Một số công trình tiêu biểu nhất trong việc xây dựng chùa chiền thời kỳ này là xây dựng chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), đúc chuông Quy Điền. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, chùa Một Cột đã trở thành biểu tượng văn hoá của Thủ đô và cả nước; xây chùa Sùng Khánh Báo Thiên và sau đó xây tháp Đại Thắng Tư thiên ở chùa Sùng Khánh Báo Thiên, cao vài chục trượng, làm thành 30 tầng – đây chính là tháp Báo Thiên, một trong tứ đại khí thời Lý - Trần… Cùng với việc xây dựng chùa quán, nhà nước còn cung cấp đồng để đúc chuông, tạc tượng, mở các lễ hội Phật giáo trong dân gian. Có thể nói, dưới thời Lý, Phật giáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị - văn hoá - xã hội của Đại Việt, các sinh hoạt liên quan đến Phật giáo đã trở thành các hiện tượng văn hoá và nhiều sinh hoạt trong đó trở thành truyền thống đối với các triều đại sau như: lễ Vu Lan, lễ tắm phật, lễ hội cầu an, lễ Phật đản…
Dù các vị vua nhà Lý sùng đạo Phật, quan tâm phát triển Phật giáo nhưng trong quá trình trị vì, các vị vua nhà Lý đã dần nhận ra chính Nho giáo chứ không phải Phật giáo là lý thuyết dành cho người cầm quyền trong việc cai trị và quản lý đất nước. Chính vì thế, đã có những bước chuyển biến đáng kể trong sự lựa chọn hệ tư tưởng làm bệ đỡ cho phát triển của thiết chế nhà nước quân chủ tập quyền thân dân của nhà Lý. Thực tế, không phải Nho giáo đến thời Lý mới có mặt ở Đại Việt mà tôn giáo này đã có mặt ở nước ta từ thời Bắc thuộc. Tuy nhiên dưới các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Nho giáo chỉ dừng lại ở phạm vi nhỏ hẹp, đào tạo những người giúp việc cho chính quyền cai trị. Nhà Lý được coi là triều đại đầu tiên chủ động tiếp cận Nho giáo và tạo những tiền đề cơ bản để Nho giáo tìm được chỗ đứng trong xã hội phong kiến Việt Nam. Ngay trong lời mở đầu của Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ đã lấy “mệnh trời”, lấy “Tam đại Thương Chu” làm căn cứ cho việc dời đô của mình. Tuy nhiên phải đến năm 1070, khi vua Lý Thánh Tông xuống chiếu cho xây dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế và Hoàng Thái tử đến học ở Văn Miếu; đến năm 1075 thì tổ chức khoa thi Minh kinh bác học và Nho học tam trường để chọn người đỗ đạt; năm 1076 cho dựng Quốc Tử Giám… thì Nho giáo mới bước đầu có được vị thế của mình trong xã hội. Những sự kiện này cho thấy nhà Lý đã chủ động tiếp nhận tinh thần giáo dục khoa cử của Nho giáo để bồi dưỡng và tuyển lựa nhân tài, để từng bước thay thế cho các phương thức giáo dục và tuyển lựa quan lại của các triều đại trước. Như vậy, sau Lý Thái Tổ, những vị vua kế vị nhà Lý đã quyết định lựa chọn và từng bước sử dụng Nho giáo và Nho học trong xã hội. Sự xuất hiện của nền giáo dục Nho học và sự lựa chọn học thuyết Nho giáo ở thời Lý có ý nghĩa quan trọng đối với sinh hoạt văn hoá tư tưởng của Đại Việt “vì nó không những tác động trực tiếp vào sự hình thành đội ngũ trí thức dân tộc và sự tuyển lựa nhân viên cho bộ máy hành chính quan liêu mà còn ảnh hưởng đến thế giới quan và những quy phạm chính trị và đạo đức con người”[1].
Có thể nói, từ sự lựa chọn Phật giáo là hệ tư tưởng chính thống làm bệ đỡ tư tưởng cho các chính sách cai trị, các vị vua nhà Lý đã chủ động tiếp nhận hệ tư tưởng của Nho giáo. Dù mới chỉ ở tiếp nhận ở những tư tưởng về giáo dục và khoa cử, và dù chưa thật sự đầy đủ như thời Trần và hoàn bị như thời Lê nhưng đó chính là nền tảng cho sự phát triển của giáo dục khoa cử Đại Việt. Đồng thời, đây cũng là điểm khai mở cho nền văn hoá Đại Việt khi chuyển dần từ văn hoá Phật giáo qua văn hoá Nho giáo, để Nho giáo dần được coi như là một văn hoá chính trị - giáo dục, dùng làm đường lối trị nước và nguyên tắc đào tạo quan liêu, nhưng không hề là một hệ tư tưởng độc tôn”.
[1] Nguyễn Hải Kế, Giáo dục và đào tạo Thăng Long – Hà Nội - Định hướng phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá. Báo cáo tổng quan đề tài KX.09.07. Hà Nội, 2008. tr.19.
Anh Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội