Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 08/05/2015 04:21
Di tích các nhà lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh ở Hà Tây

Hà Tây là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời, là một trong những tỉnh có nhiều di tích được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa nhất nước. Với 53 địa điểm Bác đã về thăm, ở và làm việc tại Hà Tây, chúng ta đủ thấy rằng đó là sự quan tâm đặc biệt của Người đối với “Hà Tây quê lụa”. Hướng tới kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác 19/5/1890 - 19/5/2015 để nhớ lại công ơn của người chúng ta đi tìm lại những ký ức nơi người từng sống và làm việc trên mảnh đất Hà Tây yêu dấu.


Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hậu Ái

Những tháng cuối năm 1946 thực dân Pháp đang thực hiện dã tâm trở lại xâm lược nước ta và gây hấn ở nhiều nơi. Trước tình hình đó đêm ngày 26/11/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cơ quan bí mật chuyển về ngôi nhà của cụ Nguyễn Thông Phúc ở làng Hậu Ái xã Thọ Nam (nay là xã Vân Canh) huyện Hoài Đức thành phố Hà Nội ở và làm việc. Đây cũng là nơi phong tào phát triển mạnh thuộc vùng An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ.  Trong thời gian ở Hậu Ái Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ giải quyết nhiều việc hệ trọng của đất nước và khẩn trương chuẩn bị trường kỳ kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 đến 1954 toàn bộ khu nhà này đã bị phá hủy toàn bộ. Đến năm 1990 được Đảng bộ và nhân dân Hoài Đức xây dựng lại trên nền móng cũ thành 2 tầng. Tầng 1 ở gian giữa là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh gian bên trưng bày các kỷ vật của trường tư thục Hứa Do của nhà trường còn giữ lại còn gian bên là nơi tiếp khách đến thăm quan. Tầng 2 là nơi trình bày chính, mọi hiện vật trưng bày được phục nguyên trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc như bộ phản bằng gỗ lim, chiếc ba lô và chiếc màn xô đơn sơ, chiếc bàn làm việc...

Di tích lịch sử cách mạng ở Hậu Ái là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc trên đất Hà Tây.

Nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc

Cuối năm 1946, trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc, từ ngày 3/12 đến ngày 19/12/1946.

Trong thời gian ở đây, Người đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Tại ngôi nhà này, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hội nghị cũng thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.

Ngôi nhà Bác ở và làm việc trong thời gian ở Vạn Phúc nay trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ. Ngôi nhà ba gian, hai tầng xây dựng năm 1941-1942 được giữ gìn nguyên trạng làm khu vực chính Nhà lưu niệm Bác Hồ. Bên phải và bên trái ngôi nhà chính là hai dãy nhà ngang, mỗi dãy ba gian, trước để đồ dùng của gia đình, nay được sửa chữa, nâng cấp trần và nền; Dãy bên phải là nơi tiếp khách; Dãy bên trái là phòng trưng bày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc.

Ngôi nhà chính hai tầng: Tầng một trưng bày một số hình ảnh hiện vật như: Hai bức tranh sơn mài thể hiện hai sự kiện quan trọng, sự kiện Bác Hồ chủ trì Hội nghị Ban thường vụ Trung ương mở rộng bàn, quyết định toàn quốc kháng chiến và sự kiện Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Một số đồ dùng trong sinh hoạt, luyện tập sức khỏe như chiếc chậu thau đồng nhỏ, đôi tạ tay… Tầng hai, trưng bày phục nguyên như khi Bác ở và làm việc. Căn phòng nhỏ bên trái có diện tích chưa đầy 12m2 vẫn còn đó chiếc giường gỗ dẻ quạt đơn sơ Bác nằm, chiếc gối gỗ sơn màu huyết dụ, chiếc bàn làm việc, trên bàn là chiếc đèn dầu hỏa, trang bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Quanh bàn còn bốn chiếc ghế gỗ chân con tiện là hiện vật gốc.

Gần 70 năm qua, trải qua những biến động lịch sử, căn phòng nơi Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vẫn được giữ gìn và bảo vệ. Những kỷ vật thiêng liêng ấy gợi nhớ những ngày đầu Bác lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp để 9 năm làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Xuyên Dương

Đêm ngày 19/12/1946, Bác Hồ rời làng Vạn Phúc chuyển đến gia đình anh Nguyễn Văn Chúc, thôn Xuyên Dương, xã Xuyên Dương huyện Thanh Oai ở và làm việc. Với diện tích 2.160m2 anh Chúc đã xây dựng thafnh 3 dãy nhà mỗi dãy 5 gian và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc ở 4 gian. Ba gian ngoài là nơi họp chung còn gian buồng có gác xép là nơi Bác nghỉ ngơi và có thể quan sát được quanh nhà và cả khu vực.

Trong suốt thời gian ở và làm việc ở Xuyên Dương (từ ngày 19/12/1946 - 13/1/1947) Bác đã chủ trì, gặp gỡ, tiếp xúc, bàn bạc với nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Tại đây Bác đã viết 60 văn kiện quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: đối nội, đội ngoại, quân sự... Đây là buổi đầu giải quyết công việc cho toàn cuộc kháng chiến.

Nhà anh Nguyễn Văn Chúc trở thành Nhà tưởng niệm Bác Hồ và được nhà nước quyết định công nhận là di tích lịch sử cách mạng, gắn liền với cuộc đời hoạt động vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cần Kiệm

Cuộc chiến đấu giữa quân và dân ta với bọn thực dân Pháp diễn ra ngày càng ác liệt, trước tình hình đó tối ngày 13/1 đến 3/2/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc trong nhà cụ Nguyễn Đình Khuê xóm Lài Cái, thôn Phúc Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất.

Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, bàn bạc với nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng, Chính phủ để giải quyết những công việc trong cuộc kháng chiến - kiến quốc. Cũng tại đây, Người đã viết, sửa chữa những tài liệu văn kiện như: Lời kêu gọi đồng bào phá hoại kháng chiến; Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô;... Sau đó Người từ Cần Kiệm đến phủ Quốc Oai và làng Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, đến Đài Phát tranh Tiếng nói Việt Nam đặt tại chùa Trầm - Chương Mỹ đọc lời chúc tết đồng bào cả nước vào đêm giao thừa xuân Đinh Hợi 1947.

Chiến tranh đã lùi xa, ngôi Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm hiện nay vẫn được giữ nguyên trạng so với trước kia, gian giữa là nơi đặt tượng Bác, đỉnh trầm, bát hương để người dân trong vùng và khách tham quan có thể thắp hương tưởng niệm Người. Các gian còn lại được dùng để trưng bày các tài liệu, kỷ vật lúc Bác đã từng ở, những bức ảnh chụp…
 
Năm 1975, ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc tại xóm Lài Cài được phục nguyên và trở thành nhà lưu niệm Bác Hồ. Ngày 13/5/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử cách mạng.
 
Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chùa Một Mái

Sài Sơn nổi tiếng với chùa Thầy một thắng cảnh kỳ thú ở huyện Quốc Oai. Sài Sơn có vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc từ đêm mồng 3/2 cho đến ngày 2/3/1947. Đây là thời điểm phong trào cách mạng ở Hà Nội lan rộng ra các làng xã ngoại thành.

Chùa Một Mái có tên chữ là Bối Am được xây dựng từ cuối thế kỷ  XIX, theo kiểu chữ “tam” gồm nhà tổ điện Mẫu và tam quan. Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chùa Một Mái, Người ở và làm việc tại gian đầu hồi phía phải điện Mẫu. Cũng chính tại nơi đây nhiều cán bộ của Đảng, Chính phủ như các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh... thường đến báo cáo và làm việc với Bác. Từ năm 1984, toàn bộ ngôi nhà này trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ. Gian đầu hồi được phục lại nguyên trạng như thời gian Bác ở và làm việc, tất cả hiện vật trưng bày đều là hiện vật gốc một chiếc bàn gỗ, trên bàn là một chiếc mấy chữ cũ, một chiếc đèn dầu hỏa, một chiếc giường gỗ.

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Sài Sơn được xây dựng tại chùa Một Mái trong quần thể khu di tích danh thắng núi Thầy là một di tích lịch sử cách mạng của nhân dân ta.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã nhiều lần về thăm, ở và làm việc tại Hà Tây, nhiều địa danh đã trở thành địa chỉ đỏ của cách mạng, che giấu, nuôi dưỡng hoạt động của cơ quan đầu não Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ, An toàn khu...

Làm theo lời Bác nhân dân Hà Tây đã tập trung bắt tay vào xây dựng và phát triển kinh tế. Luôn hướng về bác với một tấm lòng kính yêu vô hạn từ đó tìm đến những nơi, những kỷ vật đã gắn với Bác một thời. Để từ đó thấy được dù là một vị lãnh tụ của cả nước nhưng ở đâu cuộc sống của Bác cũng rất giản dị, mộc mạc, đơn sơ... người luôn là tấm gương sáng để thế hệ sau noi theo.

Nhà gác đơn sơ một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn.
... Máy chữ thôi reo, nhớ ngón đàn
Thong dong chiếc gậy gác bên bàn
Còn đôi dép cũ, mòn quai gót
Bác vẫn thường đi giữa thế gian.
(Theo chân Bác - Tố Hữu)

Kim Ngân
 
Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)