Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 08/05/2015 05:01
Bức tranh các cửa hiệu nội đô Thăng Long - Hà Nội trong một thời đoạn đầy biến động

Xét một cách tổng quát về mặt kinh tế, phố phường nội thị Thăng Long - Hà Nội là một sự liên kết hữu cơ của các hoạt động thương nghiệp với sản xuất thủ công nghiệp, trong đó vai trò của buôn bán chiếm vị trí chủ yếu. Đó là một dạng kết hợp đặc biệt giữa mạng lưới chợ và các làng nghề nông thôn chuyển dịch vào đô thị, được tập trung lại và phóng đại lên, trong đó nổi bật lên một số khu phố bán mua các mặt hàng đặc thù. PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã tái hiện khá đầy đủ hoạt động sản xuất, buôn bán các hàng thủ công nghiệp và nông nghiệp trong các cửa hiệu nội đô qua công trình Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX.

 
Về địa bàn, các phố phường Thăng Long - Hà Nội tập trung trong một diện tích khá hẹp, trùng với địa bàn tập trung các chợ lớn, và các cửa hiệu cũng được quy tụ khá đồng bộ và thống nhất về mặt hàng, “trụ sở” giao dịch.

Các cửa hiệu nhuộm, thêu và buôn bán tơ lụa. Các cửa hiệu này trong các phố phường Thăng Long - Hà Nội đều liên quan đến nghề dệt và nghề này thường tập trung ở các thôn phường ven đô. Các cửa hiệu vải lụa ở khu phố phường Thăng Long - Hà Nội không dệt trực tiếp trong nhà nhưng đã có mối liên hệ thường trực với những người thợ dệt. Hàng Đào cùng với Hàng Bạc là những phố buôn bán giàu có nhất của người Việt Nam ở Hà Nội. Lúc đầu nó là những phố nghề thủ công của những thợ nhuộm vải lụa, sau trở thành một phố buôn bán lớn về tơ lụa. Các cửa hiệu nhuộm vải lụa Hàng Đào nhận nhuộm đủ mọi loại màu. Họ tự hào về câu đối nói về nghề nghiệp của mình ở làng quê gốc (Đan Loan, Bình Giang, Hải Dương):

Thiên hạ thanh hoàng do ngã thủ
Triều đình chu tử tự ngô gia
(Mọi nơi màu xanh, vàng đều do tay ta
Chốn triều đình áo màu đỏ, tía cũng do nhà ta mà có)

Phần lớn các cửa hiệu buôn bán tơ lụa của Thăng Long - Hà Nội đều tập trung ở phố Hàng Đào. Liên quan và bổ sung cho những hàng nhuộm chuội và buôn bán tơ lụa là các cửa hàng thêu may. Và nghề thêu ở Thăng Long - Hà Nội có quê gốc ở làng Quất Động (Thường Tín). Các cửa hiệu thêu lớn và sang trọng của Hà Nội được tập trung ở phố Hàng Trống.

Các cửa hàng vàng bạc. Các cửa hàng chế tạo và buôn bán đồ trang sức bằng vàng bạc của Thăng Long - Hà Nội được quy tụ ở phố Hàng Bạc. Đây là một phố cổ của đất Kẻ Chợ giàu có và sang trọng vào bậc nhất của người Việt Nam (chỉ đứng sau Hàng Đào). Phần lớn các chủ hiệu vàng bạc ở đây là dân nhập cư vào Thăng Long - Hà Nội trong những thế kỷ XVIII - XIX và nổi danh nhất là thợ kim hoàn làng Định Công (nay thuộc quận Hoàng Mai). Nghề kim hoàn trong các cửa hiệu vàng bạc phố Hàng Bạc đã đạt đến một trình độ kỹ thuật tinh vi với ba khâu kỹ thuật khác nhau: nghề chạm (chạm trổ hàng vàng bạc), nghề đậu (kéo vàng bạc thành sợi nhỏ để trang trí) và nghề trơn (chế tác đồ vàng bạc không chạm trổ). Yêu cầu kỹ thuật thủ công tinh vi của nghề nghiệp là một trong những yếu tố khiến nghề này trong khuôn khổ một nền tiểu thủ công nghiệp, không cho phép xuất hiện những hình thức kinh doanh lớn.

Các cơ sở kinh doanh và cửa hiệu xử lý, chế tác đồ da. Thời xưa, ở Thăng Long - Hà Nội có một số nơi là các địa điểm xử lý, chế tác các đồ da thuộc. Thôn Hài Tượng (thợ làm giày hài) thuộc tổng Hữu Túc, nay là phố Hàng Giày có nhiều cửa hiệu chuyên đặt làm và bán các loại giày dép. Một tác giả người Pháp cuối thế kỷ XIX đã miêu tả phía bắc hồ Hoàn Kiếm là “một khu dân cư đông đúc lộn xộn, xông lên mũi mùi khó chịu nồng nặc của da thuộc”. Đại đa số các cửa hiệu sản xuất, buôn bán giày hài cũng như thợ xử lý, chế tác đồ da đều có quê gốc ở 3 làng Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm (Tam Lâm - Tứ Kỳ, Hải Dương).

Các cửa hiệu chế tác và trang trí gỗ. Suốt hai thế kỷ XVII, XVIII, nhu cầu sử dụng gỗ xây dựng và gỗ chế tác đồ đạc gia tăng mạnh mẽ. Ở Thăng Long - Hà Nội bùng nổ phong trào xây dựng mới đình chùa miếu mạo cũng như trùng tu các kiến trúc tôn giáo cũ. Tại các đình chùa đó cũng như hầu hết các nhà khá giả, gỗ được dùng phổ biến để chế tác đồ thờ. Một số đáng kể các cửa hiệu chế tác và trang trí gỗ mang tính chất dân gian như các cửa hiệu sản xuất và bày bán đồ mộc, tiện, sơn thếp, khảm xà cừ đã xuất hiện ở các phường phố (Hàng Hành, Hàng Khay, Hàng Hòm…).

Các cửa hàng buôn bán nông, lâm, thủy sản: Ở những phố gần bờ sông Hồng đã có nhiều cửa hàng buôn bán với khối lượng lớn các hàng nông, lâm, thủy sản như gạo, ngũ cốc, tre nứa, mắm muối, cá khô… Các loại hàng mây tre, nứa gỗ được bán ở phố Hàng Nâu, Mây Choại. Gạo và ngũ cốc được bán khắp các chợ và cửa hàng của Thăng Long - Hà Nội nhưng nhiều nhất là tại Chợ Gạo, Đào Duy Từ, Mã Mây… Mắm muối, cá khô được chuyển từ miền Trung ra được bán ở các phố Hàng Mắm, Hàng Muối, bên cạnh đó Hàng Chĩnh chuyên bán các đồ đựng như chum, vại, chĩnh.

Hệ thống phường phố Thăng Long - Hà Nội là nơi sản xuất và buôn bán các mặt hàng thủ công nghiệp và những hàng nông sản đã được chế biến. Tuy các bộ chính sử đều ghi kinh thành Thăng Long gồm 36 phường, nhưng không hề có một danh sách chính thức nào về tên gọi của các phường đó cả. Cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) khi nói về kinh thành Thăng Long (Thượng Kinh) chỉ ghi một cách đại lược: “Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài mâm võng, gấm triều và dù lọng. Phường Yên Thái là giấy. Phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa. Phường Hà Tân nung đá vôi. Phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Tả Nhất làm quạt. Tây Hồ có cá to. Phường Thịnh Quang có long nhãn. Phường Đường Nhân bán áo diệp y. Đồ tiến cống có gầm vóc, đồ thêu, các chất thơm, cùng ba loài kim”. Song nhờ những phân tích, tìm hiểu của PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ, người đọc có thể hình dung toàn cảnh về bức tranh các cửa hiệu nội đô Thăng Long - Hà Nội vừa phong phú, đa dạng vừa sôi động, sầm uất trong hoạt động kinh doanh suốt ba thế kỷ XVII, XVIII và XIX.


Trà Giang

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)