Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 13/05/2015 06:23
Cội nguồn những làng thủ công ven đô Thăng Long

Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ tài khéo của trăm vùng nên nghề thủ công ven đô đất Kinh kỳ cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Với lịch sử hình thành lâu đời, tìm về cội nguồn những làng thủ công ven đô này ta chỉ có thể vén bức màn thời gian bằng các truyền thuyết, sự tích xa xưa.

 
Dệt là nghề thủ công truyền thống lâu đời của Thăng Long - Hà Nội. Các truyền thuyết, sự tích địa phương của các làng nghề dệt Thăng Long đưa lịch sử nghề này về những thời kỳ quá khứ khá xa xôi. Theo gia phả họ Lý tại làng dệt lĩnh Trích Sài (ven hồ Tây) thì “ba anh em Lý Khắc Quý làm quan dưới triều Minh, khi Mãn Châu vào Trung Quốc lập nên nhà Thanh, đã di cư sang Việt Nam, cư trú tại phường Trích Sài và đem theo nghề dệt gấm dạy cho dân địa phương vùng này, thuộc các thôn Hồ Khẩu, Yên Thái, Trích Sài. Một truyền thuyết khác ở Trích Sài thì cho rằng dưới thời Lê Thánh Tông, nhà vua đã cho một phi tần gốc Chăm là Phan Thị Ngọc Đô cùng 24 thị tỳ ra ở thôn Trích Sài, lập “Thiên niên trang”, đem kỹ thuật dệt lĩnh cổ truyền của Chiêm Thành ra truyền bảo cho dân làng.
 
Xa hơn trong một vùng phụ cận Hà Nội, truyền thuyết làng Cổ Đô (Ba Vì) nói về nàng công chúa Thiều Hoa con vua Hùng Vương đã dạy cho dân làng kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Làng Bùng (Phùng Xá, Thạch Thất) nổi tiếng về nghề dệt lượt, tương truyền do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, sống vào đời Lê, sau một chuyến đi sứ đã đem kỹ thuật dệt lượt đến truyền dạy cho dân làng. Giai thoại làng La Khê (Hoài Đức) kể về ông Trần Quý, một người lính già sống dưới thời Minh Mệnh, khi mãn hạn về quê, đã đem theo về làng một mảnh gấm hoa của nước ngoài, kiên trì tháo ra từng sợi một, nghiền ngẫm mầy mò làm ra khung cửi, cải tiến nhiều lần, dệt được ra các loại gấm, sa màu, đủ các hình trang trí đem lại cho làng La Khê độc quyền dệt các lại hàng đó. Làng Vạn Phúc gần Hà Nội có sự tích kể về ông tổ nghề Đỗ Văn Sửu trước dệt the, đến khi vua Tự Đức 50 tuổi, ông đã tự dệt dâng lên vua bức trướng “Hoàng vương thọ khảo” bằng gấm, và sau đó, làng Vạn Phúc đã phát triển việc dệt mặt hàng này.
 
Qua các sự tích và truyền thuyết nói trên, chúng ta thấy kinh nghiệm về nghề dệt vải lụa của Thăng Long - Hà Nội đã được tích lũy qua nhiều thế hệ, càng ngày càng được cải tiến, hoặc do tài nghệ sáng chế của những người thợi giỏi, hoặc được du nhập kỹ thuật từ bên ngoài (Trung Quốc, Chiêm Thành…).
 
Giấy là mặt hàng có nhu cầu rất lớn ở Việt Nam cũng như Thăng Long – Hà Nội. Ngay từ thế kỷ XIII, nghề làm giấy đã xuất hiện ở Dịch Vọng sau đó lan ra các làng ven sông Tô Lịch. Ông thầy truyền nghề giấy cho các làng không ai biết tên ngài là gì. Dân gian kể lại rằng đầu tiên ngài đã dừng chân ở vùng Yên Hòa, Quan Hoa dạy dân làng làm giấy. Nhưng dân địa phương mới làm được giấy thô thì có sự không vừa ý nên ngài bỏ đi. Đến làng Hồ Khẩu bên sông Tô Lịch, ngài đã dạy dân làng làm giấy bản, khi dân làng biết nghề ngài lại đi sang làng An Đông dạy người làng làm giấy quỳ, tính năng dai, người ta dùng nó quấn quanh vàng, bạc để đập mỏng, gọi là quỳ, để làm thếp vàng, thếp bạc trong nghệ thuật tô tượng, câu đối. Khi dân làng Đông biết nghề, ngài đi sang An Thái truyền nghề làm giấy lệnh rồi lại bỏ đi. Người ta nói ngài đã sang Trung Nha dạy cho họ cách làm giấy sắc (giấy nghè) một loại giấy để viết bằng sắc của triều đình khi ban thưởng chư thần và bách quan. Vì phong cách ẩn dật như vậy nên mỗi làng lại có một ngày giỗ riêng, chỉ biết tại An Thái có ngày 16 tháng ba làm lễ tổ sư tại Bản Nghệ thần từ.
 
Sự tích về ông tổ nghề đúc đồng ở Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ mơ hồ và lẫn lộn giữa hai nhân vật nửa lịch sử nửa truyền thuyết sống vào thời Lý, đó là sư Không Lộ và sư Nguyễn Minh Không. Tuy nhiên, gạt qua nhều chi tiết hoang đường, chúng ta có nhiều dấu hiệu liên quan đến nhật vật tổ nghề đúc đồng này ở 3 địa bàn khác nhau: vùng Nam Định (quê nhà sư), Bắc Ninh (nơi trụ trì) và vùng Hà Nội (nơi cư trú). Riêng ở Hà Nội, ta thấy có những địa điểm đã từng hành nghề đúc đồng: phố Lò Đúc, phố Hàng Đồng và khu Ngũ Xã ven hồ Trúc Bạch. Có nhiều cách giải thích khác nhau về các làng quê gốc bên Kinh Bắc (Bắc Ninh) của các thợ đồng Ngũ Xã và Hàng Đồng. Người ta thường kể đến hai làng làm đồ đồng nổi tiếng nhất xứ này là Đê Kiều (tức Cầu Nôm) và Đông Mai (tức làng Hè, có tài liệu nói là làng Me), chưa kể đến một làng nghề đồng nổi tiếng khác là Đại Bái, chuyên đúc đồng và làm đồng dọt. Truyền thuyết cũng kể lại việc sư Không Lộ đã truyền nghề cho hai chú tiểu của mình là Phạm Quốc Tài (quê làng Đề Kiều) và Trần Lạc (quê làng Đông Mai), rồi hai người lại đem nghề đó truyền cho dân làng mình. Cũng có thuyết nói rằng tổ sư nghề đồng dọt có tên là Phạm Ngọc Thành, sống ở thế kỷ XVI.
 
Còn nghề gốm, với trung tâm gốm sứ Bát Tràng, Thăng Long đã sớm phát triển thịnh đạt nghề thủ công này. Truyền thuyết dân gian nói đến tổ sư nghề gốm Bát Tràng là Hứa Vĩnh Kiểu, cùng với tổ sư hai làng gốm khác có liên hệ mật thiết với Bát Tràng là Đào Trí Tiến (làng Thổ Hà) và Lưu Phong Tú (làng Phù Lãng), cùng khởi nghề ở Bát Tràng, sau đó đi học được nghề gốm ở Thiều Châu (Trung Quốc) về truyền nghề cho ba làng đó và kết nghĩa ăn thề với nhau.
 
Từ những truyền thuyết và sự tích trên có thể thấy điểm chung của các làng nghề ven đô chính là sự hình thành bắt nguồn từ nhiều nguồn khác nhau. Nghề khéo của trăm miền hội tụ về kinh kỳ, trải qua quá trình cọ sát đua trí, đua tài, đã kết tinh thành tài hoa chốn đô hội Kinh kỳ. Nghề thủ công Thăng Long - Hà Nội vì thế không chỉ là niềm tự hào của người Thủ đô mà còn là tinh hoa, là niềm tự hào của cả dân tộc.
 
 
Trà Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)