Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 22/06/2015 08:55
“Tam giáo đồng nguyên” trong đời sống chính trị, tôn giáo Thăng Long - Hà Nội

Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo là ba tôn giáo có vị trí quan trọng, chi phối mạnh mẽ đến hệ tư tưởng văn hóa Việt Nam suốt một ngàn năm quân chủ chuyên chế. Và suốt dặm dài cả ngàn năm ấy mảnh đất Thăng Long - Hà Nội chính là nơi hình thành, chứng kiến các thăng trầm, biến đổi mạnh mẽ cũng như sự hòa kết giữa các tôn giáo đó mà ta vẫn gọi là “Tam giáo đồng nguyên”. Sự kết hợp nhuần nhuyễn, dung hợp giữa Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo đã tạo nên một nền văn minh Đại Việt rực rỡ và tinh hoa. Đó là sự kết hợp của gam màu văn hóa dân gian với văn hóa bác học cung đình, sự hòa hợp giữa chính trị và đời sông tôn giáo tâm linh của mảnh đất Thượng đô muôn đời.

 
Được truyền vào nước ta từ thời Bắc thuộc, Nho giáo hình thành ảnh hưởng qua hệ thống giáo dục và khoa cử theo mô hình Trung Quốc. Khi việc học hành được mở mang thì lực lượng nho sĩ ngày càng đông trong xã hội. Còn Đạo giáo, Phật giáo cũng được truyền vào từ thời Bắc thuộc, tuy đảm đương chức vị trong xã hội có phần hẹp hơn nhưng vẫn ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội. Bởi thế, cả Nho – Phật – Đạo vô hình trung tạo thành thế chân kiềng, thành tinh thần Tam giáo đồng nguyên trong đời sống chính trị, tôn giáo của đất Thăng Long.
 
Trước hết, có thể khẳng định Thăng Long chính là nơi hình thành và thể nghiệm tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”, nguyên tắc tư tưởng chính trị xây dựng nhà nước phong kiến Việt Nam. Tam giáo đồng nguyên là cụm từ hết sức quen thuộc đối với đời sống tôn giáo ở nước ta cũng như ở Thăng Long - Hà Nội và ngay từ đầu kỷ nguyên độc lập của Đại Việt cụm từ này đã hình thành. Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên đóng vai trò quan trọng trong suốt thời phong kiến ở nước ta, khi thịnh trị của các vương triều hay khi các triều đại bắt đầu suy vong.
 
Một trong các nguyên nhân làm nên mối quan hệ Tam giáo đồng nguyên là bởi “mục tiêu tối thượng của cả ba tôn giáo này đều hướng tới tính thiện, tính nhân” (Hoàng Quốc Hải) và không gì khác chính là tinh thần đoàn kết, hoà hợp tôn giáo như chính vua Trần Thái Tông đã nói: “Mặc dầu cuộc đời là quý, nhưng nó không quý như Đạo. Do vậy, Khổng Tử nói: thật thỏa mãn cho ta khi được nghe Đạo vào buổi sáng cho dầu phải chết vào buổi chiều”. “Tam giáo đồng nguyên” ở thời Lý - Trần thể hiện rõ nét nhất qua các kỳ thi tam giáo. Các nho sinh sau khi đỗ các kỳ thi thông thường cần phải hiểu biết cả 3 tôn giáo Nho - Phật - Đạo qua kỳ thi tam giáo mới có thể được cắt đặt vào các chức quan trong bộ máy chính quyền.
 
Có thể thấy tính chất “Tam giáo đồng nguyên” được thể hiện ngay trong khuôn mẫu, hình ảnh những trí thức phong kiến cũng như đường hướng cai trị của các triều đại, trong đó Nho giáo là hệ tư tưởng dùng để quản lý xã hội, Phật giáo là quốc giáo, còn Đạo giáo có ảnh hưởng nhất định trong các tầng lớp dân cư. Người làm quan lúc đó ngoài việc am hiểu kinh, sử của đạo Nho cần biết cả nguyên lý của Đạo giáo, Phật giáo. Đặc biệt, triết lý của Đạo giáo như lý, khí, âm dương ngũ hành, kinh dịch… đã góp phần tạo nên mẫu hình người trí thức, quan lại phong kiến Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà Tống Nho tự gọi mình là “Đạo học” và Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh sĩ, đỗ trạng nguyên, nhưng đồng thời lại được coi là người có khả năng bậc nhất về Kinh dịch, bói toán. Mặt khác, nhân cách các nhà nho Việt Nam, nhà nho bác học cũng như nhà nho tài tử, trong họ không chỉ có Tứ thư, Ngũ kinh, những kinh điển của Tống Nho mà còn chịu ảnh hưởng Phật giáo khá sâu sắc, và yếu tố Đạo giáo cũng không ít: một nhà nho làm thầy bói, thầy địa lý không hề thấy mình chống lại đạo Nho. Ở nhà, có khi nho sĩ cũng ăn chay, niệm Phật hay về già đi tu mà không ai bảo họ đã phản đạo thánh hiền. Đến thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn đã đưa ra những nhận xét hết sức cụ thể, thẳng thắn về Tam giáo đồng nguyên giúp chúng ta hiểu rõ thêm nhận thức của người đương thời ở Thăng Long - Hà Nội. Trước hết, ông không chấp nhận thái độ của nhiều nho sĩ đương thời bài bác Tiên gia và Phật gia, tự tôn riêng mình là Nho gia ở trung tâm vũ trụ. Ông đã tìm thấy nhiều giá trị triết lý và nhân bản trong thuyết luân hồi của nhà Phật cũng như có cái nhìn biện chứng về thuyết quỷ thần của Đạo giáo. Ở đây có thể thấy Lê Quý Đôn đã bày tỏ niềm tin tưởng vào lẽ đồng quy nguyên của tam giáo.
 
Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên còn được thể hiện tương đối rõ nét trong những công trình văn hóa, tín ngưỡng ở đất Thăng Long - Hà Nội. Bích Câu đạo quán không chỉ là nơi thờ đức Tiên ông, Tiên bà mà bên sát gian chính còn có chùa (ngoài thờ Phật còn thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu) và điện mẫu thờ Tam tòa thánh mẫu. Nơi đây cũng là một trong những “Tao đàn” của giới nho sĩ trí thức đất Hà thành. Hay chùa Láng (Chiêu thiên tự) được xây dựng từ thời Lý Thần Tông ngoài thờ Phật còn thờ Lý Thần Tông, Từ Đạo Hạnh, một nhà sư nhưng theo truyền thuyết ông lại như đạo sĩ, học phép thần thông, trừng trị phù thủy…
 
Là tâm điểm của những giao thoa Đông - Tây cũng như sự du nhập của các tôn giáo, tín ngưỡng, thế nhưng, ngay từ ban đầu người Thăng Long - Hà Nội đã sớm tìm ra sự dung hòa giữa những tôn giáo đối nghịch bởi luôn đề cao, tôn trọng tinh thần nhân văn và sự đoàn kết. Và điều này được minh chứng sinh động bằng tinh thần Tam giáo đồng nguyên, tư tưởng rường cột của chế độ chính trị cũng như đời sống tôn giáo tín ngưỡng trải suốt những năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế của nước ta.
 
 
Phong Kiều

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)