Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 09/09/2015 09:59
Chợ bến ở Thăng Long thời Lý

Thời Lý, Thăng Long phát triển thành một đô thị lớn theo kết cấu “trong thành ngoài thị”. Bên trong Long thành là trung tâm chính trị quốc gia, bên ngoài là khu vực cư trú làm ăn của dân cư bao gồm hệ thống chợ - bến, những phường phố công thương nghiệp và những xóm trại nông nghiệp. Hai bộ phận này liên kết chặt chẽ với nhau trong mối quan hệ hỗn hợp chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của một đô thị kinh thành.

 
Khi trở thành kinh đô của nước Đại Việt, do vị trí giao thương thuận tiện của một đầu mối giao thông thuỷ bộ tại Thăng Long nhiều thương nhân và thợ thủ công từ các nơi tụ tập về đây sinh sống, làm ăn để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp thống trị cao cấp (vua, hoàng gia, đại thần), cho đến các tăng lữ, trí thức, binh sĩ... Có thể thấy, ở thời Lý các chợ, bến, phố phường nhanh chóng mọc lên và phát triển. Những xóm làng nông nghiệp trong vùng cũng chuyển mình theo hướng đáp ứng đời sống của tầng lớp quý tộc, quan lại.
 
Về mặt kinh tế, chợ - bến giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động công thương nghiệp của một đô thị sông - hồ như Thăng Long. Trên sông Nhị hay sông Cái, sông Tô Lịch có nhiều bến thuyền, quan trọng và sầm uất nhất là bến Giang Khẩu (khoảng phía trên Hàng Buồm) và bến Triều Đông (hay Đông Bộ Đầu, khoảng dốc Hoè Nhai). Dọc theo sông Cái, có khá nhiều bến và chợ bến: bến Yên Hoa, bến Cơ Xá… Các bến sông là nơi tiếp nhận và trao đổi hàng hoá từ các nơi đổ về kinh đô và từ kinh đô toả đi ra mọi miền của đất nước.
 
Trên các bến sông và tại các cửa của Long thành và thành Đại La có nhiều chợ. Cửa thành là nơi đi lại, ra vào, cũng là nơi trao đổi trực tiếp giữa bộ phận thành và bộ phận thị, nơi tập trung các hoạt động kinh tế của kinh thành. Hai khu vực chợ lớn nhất được sử sách nhắc đến nhiều là chợ Cửa Đông và chợ Cửa Tây.
 
Chợ Cửa Đông hay chợ Đông là trung tâm buôn bán tấp nập nhất của kinh thành. Cửa đông xưa mở ra ngay khoảng trước phố Hàng Buồm ngày nay mà dấu vết còn lại là đình Cửa Đông (Đông Môn đình) ở số 8 Hàng Cân và chùa Cửa Đông (Đông Môn tự) ở 38B Hàng Đường. Theo Lý Tế Xuyên trong Việt điện u linh, chợ Đông được mở vào thời Lý Thái Tông, hàng quán chen chúc đến sát đền Bạch Mã, cảnh tượng buôn bán rất huyên náo. Đây là khu vực tập trung nhiều phố phường, chợ bến mà trung tâm là phường Giang Khẩu, chợ Đông, bến cảng Triều Đông (dốc Hoè Nhai). Chợ bến tấp nập, trên bến dưới thuyền, hàng quán chen chúc tạo cho khu vực này không khí đông vui sầm uất của kinh thành. Khu vực phố phường, chợ bến này gần như hình tam giáo mà đỉnh là cửa Đông và cạnh đối là sông Nhị từ bến Triều Đông đến bến Cơ Xá. Cũng vì vị trí ở giữa khu cư dân tập trung đông đúc nhất mà nhà Lý thường chọn địa điểm này để thi hành các bản án phạm tội nặng nhất nhằm thị uy trước công chúng và dư luận. Như năm 1015, nhà Lý bêu đầu thủ lĩnh chống đối Hà Trắc Tuấn ở chợ Đông.
 
Chợ Cửa Tây còn gọi là chợ Tây Nhai, được chính quyền nhà Lý cho thành lập năm 1035 dưới thời Lý Thái Tông. Ngay từ khi mới thành lập, chợ Cửa Tây đã được quy hoạch và xây dựng khá quy củ. Thương nhân có nơi ngồi bán hàng dưới mái che tránh mưa nắng. Chợ Tây cũng như chợ Đông là nơi từng diễn ra những cuộc hành quyết người cầm đầu các vụ mưu phản như Nguyễn Khánh và sư Hồ năm 1035.
 
Chợ Cửa Nam ở bên ngoài cửa Đại Hưng, khoảng khu vực chợ Cửa Nam hiện nay. So với khu vực chợ Đông và chợ Tây, chợ Cửa Nam ít nhộn nhịp hơn có lẽ vì cửa Đại Hưng gần của Đoan Môn của Cấm thành nên việc canh phòng, bảo vệ an ninh chặt chẽ hơn và không thích hợp lắm cho các hoạt động buôn bán tấp nập của đám đông.
 
Với những nét sơ lược về hình ảnh của chợ bến ở Thăng Long thời Lý, chắc hẳn đã mang đến cho độc giả những hình dung phần nào về khung cảnh bến chợ ở Thăng Long sầm uất - một đô thị lớn theo kết cấu “trong thành ngoài thị”.
 
 
Lê Huy
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)