Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 21/09/2015 04:59
Thành Đông Kinh - Dấu ấn nhà Lê

Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, triều Hậu Lê (Lê sơ) thành lập (1428 - 1527). Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, vẫn định đô ở Thăng Long, khi đấy là Đông Đô, năm 1430 nhà Lê đổi Đông Đô là Đông Kinh. Tập bản đồ sớm nhất của Thăng Long - Hà Nội còn lại đến ngày nay được vẽ dưới thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) được gọi là Hồng Đức bản đồ, trong đó có bản đồ thành Đông Kinh thời vua Lê Thái Tổ cho người đọc hình dung được tương đối đầy đủ diện mạo của Kinh thành, nơi ghi dấu ấn rõ nét của triều Lê sơ.

 
Về cơ bản thành Đông Kinh vẫn dựa trên nền tảng cấu trúc thành Thăng Long thời Lý - Trần. Trải qua một thời kỳ dài chiến tranh và dưới thời thuộc Minh, Thăng Long bị tàn phá nghiêm trọng. Bởi vậy, sau ngày tiếp quản Thăng Long triều Lê sơ đã cho tu sửa nhiều công trình kiến trúc ở Kinh thành. Vòng thành ngoài vẫn giữ nguyên và gọi là thành Đại La; nhưng đến thời Lê Thánh Tông được xây dựng kiên cố hơn. Năm 1474 và 1500, nhà Lê sửa chữa và xây dựng tường thành phía tây và phía đông Hoàng thành. Năm 1516, Hoàng thành được mở rộng về phía đông: “Đắp thành to rộng mấy nghìn trượng, bao vây cả điện Tường Quang, quán Trấn Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía đông đến phía bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, phía trên đắp tường Hoàng thành, phía dưới làm cửa cống, lấy ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến gạch vuông xây lên, lấy sắt xây ngang” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, tr. 81). Hoàng thành xây bằng gạch đá, phía trên có ụ bắn, mở cửa Đông (phía Hàng Cân) và cửa Bảo Khánh (phía Giảng Võ). Thành Nội (tức Cấm Thành), còn gọi là Phượng thành, Cung thành là trung tâm của Kinh thành, được mở rộng thêm từ năm 1490.
 
Nhằm củng cố quyền lực cũng như phục vụ công cuộc điều hành đất nước, nhà Lê sơ cho xây dựng và bố trí lại nhiều cung điện, lầu gác phía trong Cung thành với trung tâm là điện Kính Thiên xây năm 1428 và năm 1467 xây thêm hai lan can với hai con rồng đá ở thềm điện. Trước điện Kính Thiên có điện Thị Triều, nơi các quan văn võ vào yết kiến nhà vua, bên trái là điện Vạn Thọ, bên phải là điện Chí Kính. Ngoài ra còn có các điện Càn Chánh, Cẩn Đức, Thúy Ngọc, Giảng Võ, Thạch Thất, Thượng Dương,… các cung Cảnh Linh, Vĩnh Linh… Phía đông Cung thành dành cho hoàng thái tử, điện Phụng Tiên để thờ tổ tiên,… Ngoài ra trong Cung thành còn có nhiều lầu gác, đền miếu, các ao cảnh, giả sơn, vườn thượng uyển làm nơi thưởng ngoạn cho thành viên hoàng tộc.
 
Dưới triều Lê sơ, bên cạnh việc tôn tạo, tu bổ, có rất nhiều công trình kiến trúc mới trong Hoàng thành được xây dựng. Phía nam cửa Đại Hưng có đình Quảng Văn, nơi niêm yết các pháp lệnh, cáo thị của triều đình, viện Đãi Lậu là nơi các quan chờ để vào chầu vua, trước đó ở ngoài cửa tây, đến đời vua Lê Thánh Tông chuyển về ngoài cửa Đại Hưng. Cùng với đó, hàng loạt các phủ đệ, dinh thự quan lại, công đường sáu bộ và các cơ quan triều đình, doanh trại quân đội… được xây dựng.
 
Tiếp tục duy trì chế độ thi cử chọn hiền tài, dưới triều Lê Thánh Tông, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng lại, mở mang bề thế hơn, bao gồm điện Đại Thành thờ Khổng Tử, hai dãy dải vũ đông và tây thờ các bậc tiên hiền, tiên nho cùng với điện Cảnh Phục, nhà bếp, kho tế khí… Quốc Tử Giám hay nhà Thái Học ở phía sau Văn Miếu được xây dựng, trở thành trường học cao cấp, có quy mô rộng lớn nhất trong thời trung đại.
 
Nhà Lê đưa Nho giáo lên địa vị chính thống và hết sức đề cao chế độ khoa cử, lấy đó là phương thức chủ yếu đào tạo và tuyển dụng đội ngũ quan lại. Do ảnh hưởng chi phối của Nho giáo nên tinh thần thượng võ của tầng lớp thống trị thời Lê không còn như thời Lý, Trần. Tuy nhiên, do nhu cầu bảo vệ vương triều và củng cố quốc phòng, nhà Lê vẫn coi trọng việc đào tạo võ quan và tích cực huấn luyện quân sĩ, khu Giảng Võ ở phía tây kinh thành được mở rộng và kiến thiết thêm làm nơi tập luyện võ nghệ và thao diễn quân đội.
 
Bên cạnh một Đông Kinh của vua quan, còn có một “Đông Kinh” của dân chúng. Khu phố phường dân cư ngoài Hoàng thành tiếp tục phát triển. Năm 1466, vùng kinh sư đặt thành phủ Trung Đô (1469 đổi tên là phủ Phụng Thiên) gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương, chia làm 36 phường. Quy hoạch 36 phố phường của Thăng Long - Hà Nội bắt đầu có từ ngày đó.
 
Phường vừa là một đơn vị hành chính cơ sở, tương đương như xã ở nông thôn, vừa là nơi tập hợp những người cùng nghề. Cư dân 36 phố phường Đông Kinh bao gồm cả nông dân, thợ thủ công và thương nhân, trong đó có những phố - chợ buôn bán tấp nập và những phường thợ thủ công nổi tiếng như phường Yên Thái làm giấy, phường Thụy Chương (Thụy Khuê) và phường Nghi Tàm (hồ Tây) dệt vải lụa, phường Hà Tân bên sông Hồng (Giang Tân) nung vôi, phường Hàng Đào dệt điều; phường Tả Nhất (Phố Huế) làm quạt; phường Thịnh Quang (ngoài Ô Chợ Dừa) làm long nhãn… Bộ mặt phố phường Thăng Long thời Lê ngày càng đông vui, nhộn nhịp.
 
Những năm cuối thời Lê, Đông Kinh là nơi diễn ra những cuộc ăn chơi sa đọa của “vua quỷ” Lê Uy Mục, “vua lợn” Lê Tương Dực và cũng là chiến trường xung đột giữa các phe phái phong kiến, là mục tiêu tiến công của các cuộc khởi nghĩa nông dân. Vẻ sầm uất, phồn hoa của Đông Kinh vì thế mà phai nhạt dần, mở đầu cho thời kỳ chính trị bất ổn và những tranh đoạt quyền lực khốc liệt trong xã hội.
 
 
Đỗ Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)