Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 10/03/2017 03:22
Người Hà Nội - Văn Hà Nội

 Hiếm, hoặc có thể nói chưa có vùng đất nào có sự sống đậm nét và sinh động đến thế trong văn - thơ - nhạc - họa như Thăng Long, Hà Nội. Thật dễ hiểu vì Hà Nội là nơi hội tụ vốn người, vốn tài năng và tinh hoa của đất nước để góp cho cả nước.

 

Nói đến văn về Hà Nội có lẽ phải kể đến Nguyễn Tuân - người làng Mọc và Tô Hoài với quê ngoại và cũng là quê ở ,vùng Bưởi. Họ là hai bậc đàn anh, hai vị trưởng lão, hai người thực sự đứng ở hàng đầu hiếm hoi những cây bút của Hà Nội viết về người và cảnh Hà Nội, về quá khứ và hiện tại của Hà Nội. Hai người đã cho ta thấy với biết bao tài hoa, cái riêng, thật là riêng của Hà Nội: cho ta thấy Hà Nội như là sự thâu thái, sự kết tinh những gì là tốt đẹp, những gì là thăng hoa của phẩm cách Việt Nam. Vang bóng một thời rồi Người Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân; Tự truyện rồi Cát bụi chân ai của Tô Hoài, đó là những cuốn sách mà đọc đi đọc lại ta không thấy chán giữa bộn bề bao nhiêu cuốn sách.

Nói vậy không phải những người viết văn đặc sắc về Hà Nội chỉ có Nguyễn Tuân và Tô Hoài. Có nghĩa là việc có quê sinh Hà Nội mới chỉ là cần mà chưa đủ, hoặc cũng có thể đủ mà không cần. Nói cách khác, lại cũng không thành vấn đề. Từ đây, ta có thể nghĩ tới Thạch Lam và Nguyễn Huy Tưởng. Thạch Lam - quê nội ở Quảng Nam, quê ngoại ở Cẩm Giàng - Hải Dương. Tuổi thơ và tuổi học trò ông sống ở phố huyện Cẩm Giàng. Sớm qua đời vào năm 32 tuổi, nên tuổi lập nghiệp làm báo, viết văn của Thạch Lam ở Hà Nội cũng chỉ trên dưới 10 năm. Năm 1937, khi ông là thành viên chính thức của Tự lực văn đoàn và viết những truyện ngắn đầu tay in thành sách trong tập Gió đầu mùa, đã có những truyện ngắn rất hay về Hà Nội như Tối ba mươi, Cô hàng xén, Hai lần chết… Nhưng, Thạch Lam thật sự trở thành cây bút Hà Nội sáng giá mà không ai có thể phân vân hay nghi ngờ khi ông cho ra mắt những trang Hà Nội ba mươi sáu phố phường vào năm 1942, năm ông qua đời, trong ngôi nhà lá lạnh lẽo bên hồ Tây. Tập ký mỏng, xinh xắn và đẹp như tranh này cho ta thấy biết bao là chăm chú, là trân trọng của Thạch Lam trước cái đẹp được ẩn giấu và lưu giữ nơi những thú vui sinh hoạt và sản phẩm bình thường của Hà Nội “nghìn năm văn vật”.

Nếu Thạch Lam cho ta cảm nhận với tất cả các giác quan về cảnh trí và hương vị hiện tại của đời thường Hà Nội thì Nguyễn Huy Tưởng lại là người thật chăm chỉ dành cho Hà Nội một mối quan tâm đến bền bỉ và dài lâu trong suốt 20 năm đời viết của mình, kể từ Đêm hội Long Trì và Vũ Như Tô năm 1942, đến Sống mãi với Thủ đô và Lũy hoa năm 1960. Ông người làng Dục Tú phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, nay là Đông Anh, Hà Nội. Gọi ông là người Hà Nội cũng phải, nhưng đúng hơn là người Kinh Bắc, với nửa phần Bắc - Bắc Ninh, nửa phần Kinh - Hà Nội. Ở nhà văn có tư cách là nhà văn hóa này, Hà Nội được hiện lên trong suốt chiều dày lịch sử. 

Và không thể không nhắc đến, một Hà Nội lam lũ ở ngoại ô, không giống với Nguyễn Tuân, Thạch Lam đã đành, mà cũng không giống với thế giới ngoại ô vương vấn nhiều kỷ niệm tuổi thơ của Tô Hoài. Đó chính là những truyện ngắn đặc sắc của Nam Cao (người gốc quê Hà Nam), cả truyện dài Truyện người hàng xóm và tiểu thuyết Sống mòn, hai tác phẩm chưa kịp in thành sách khi Nam cao còn sống. Cả hai tác phẩm này đều viết về Hà Nội, với bối cảnh sống và nhân vật đều là người cư ngụ ở Hà Nội. Nhắc đến Nam Cao, không thể quên Vũ Trọng Phụng – người gốc quê Mỹ Hào, Hưng Yên, nhưng sống và viết ở Cầu Gỗ, ngõ Sầm Công, Hàng Bạc, rồi mất ở Ngã Tư Sở. Vũ Trọng Phụng, người đã viết bao nhiêu là phóng sự và tiểu thuyết về Hà Nội. Người cho thấy, hơn bất cứ ai, một mặt trái nhầy nhụa và nhếch nhác của Hà Nội với biết bao là khinh ghét và căm phẫn.

Cũng không thể bỏ qua Vũ Bằng trong Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai, Tam Lang trong Tôi kéo xe, Trọng Lang trong Hà Nội lầm than, Nguyễn Đình Lạp trong Ngoại ô và Ngõ hẻm…

 

Có thể đúc kết được rằng, người Hà Nội viết hay về Hà Nội như Nguyễn Tuân, Tô Hoài. Người không phải quê Hà Nội nhưng sống nhiều với Hà Nội, nên cũng viết hay về Hà Nội, như Thạch Lam, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Bằng hoặc Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… Điều quan trọng hơn thế, như một khẳng định chắc chắn, đó là: Hà Nội, nơi nuôi dưỡng, nơi gieo trồng, nơi làm nảy nở và phát triển những tài năng, những sáng tạo tài hoa của đất nước, trong đó có Hà Nội, trong đó Hà Nội là trái tim của cả nước. Để cho họ có thể viết hay về Hà Nội, cũng như viết hay về bất cứ đề tài nào.

Trần Duy tổng hợp.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)