Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 11/04/2017 09:23
Miếu Giếng Bưởi – nơi phụng thờ hai vị Phúc Thần thời Lý

 Miếu Giếng Bưởi nằm toạ lạc tại số 596 đường Thuỵ Khuê, nơi có nhiều tuyến đường toả ra các hướng, đó là ngã ba đường giao cắt của hai tuyến phố Lạc Long Quân và Thuỵ Khuê, phía bên tay phải của di tích là nơi giao cắt của các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Bưởi cùng với Hoàng Quốc Việt. Đây là một di tích có thế đất đẹp về mặt phong thuỷ nằm ở vị trí trung tâm, rất thuận lợi cho việc giao thông đi lại, buôn bán của cư dân.

 

 

Về kiến trúc, miếu Giếng Bưởi có bố cục mặt bằng hình chữ “Nhất” cùng với các hạng mục khác như sân, cổng miếu và hệ thống tường bao quanh khép kín di tích. Những hạng mục này có quy mô nhỏ và mới được xây dựng trong những năm gần đây. Từ phía ngoài đường Thuỵ Khuê bước vào qua cổng miếu, cổng này được làm theo kiểu “Tứ trụ mang kiểu dáng nghi môn”. Tuy mới được làm nhưng hạng mục này vẫn mang những nét kiến trúc cổ truyền xưa kia. Cổng gồm có 4 trụ biểu toạ thành ba lối ra vào (trong các ngôi chùa thường gọi là tam quan, còn trong Văn Miếu gọi là tứ trụ…), phía trên để liên kết các trụ lại với nhau, người ta đã tạo ra ba nếp mái làm theo kiểu dáng “Trùng thiềm phúc ốc” với các góc đao uốn cong. Hai trụ biểu lớn được trang trí khá tỉ mỉ, trên cùng là bốn con phượng làm theo kiểu dạng lá lật úp bụng vào đỉnh cột, đuôi chụm lại tựa như ngòi bút lớn, phía dưới là một đấu kê được trang trí thành mái vòm để nâng đỡ bốn con phượng này, tiếp đến là hộp lồng đèn hình chữ nhật đục thủng bốn mặt hình chữ “Triện Tàu”, phía dưới là một tán cột nhô ra các mui luyện uốn cong tượng như hứng lấy dòng sinh lực chảy từ trên xuống, đỡ lấy toàn bộ phía trên là thân cột cao và bốn mặt được soi gờ kẻ chỉ, các mặt phía trước có đắp nổi các đôi câu đối với nội dung ca ngợi cảnh đẹp cũng như công đức của vị thần, đỡ lấy toàn bộ đỉnh và thân trụ là đế cột được làm theo kiểu dạng trái dành. Ở hai cột phụ được làm tương tự như cột cái, song có kích thước nhỏ hơn và ở đỉnh cột lại đắp thành tán dạng mái vòm che cho hộp đèn lồng hình chữ nhật nhỏ. Liên kết các trụ lại với nhau thông qua ba hệ mái, ở những mái này được làm bằng chất liệu bê tông, ngói, có kích thước nhỏ gọn và phù hợp với quy mô của công trình này.

         

Bước qua cổng là đến khoảng sân nhỏ hình chữ nhật được lát bằng gạch đỏ, tiếp đến là các bậc hiên được bó vỉa để dẫn vào bên trong công trình – không gian thờ chính của di tích. Đó là đơn nguyên có quy mô kiến trúc lớn nhất của di tích, là ngôi nhà có kết cấu dạng hình chữ “đinh”. Toà tiền tế gồm có 1 gian 2 chái nhỏ, được làm theo kiểu “Tàu đao, lá mái” đã tạo thành bốn đầu đao uốn cong chùng xuống rồi lá vút lên cao ở bốn góc của toà nhà. Toàn bộ công trình được làm bằng các chất liệu mới như: bộ khung và hệ mái được làm bằng bê tông có sơn giả gỗ, cùng với gạch và ngói lợp ở hệ mái. Các bộ vì ở đơn nguyên này được làm theo kiểu “Giá chiêng - kẻ chuyền”, trung tâm là bộ giá chiêng, hai kẻ được ăn mộng vào thành giá chiêng và chuyền xuống phía dưới để đỡ lấy các khoảng hoành của hai hệ mái. Đỡ lấy toàn bộ hệ mái là hệ thống các cột và chân tảng có chức năng gánh và đỡ toàn bộ sức nặng của công trình. Tiếp đến là Cung thờ thánh được làm khá đơn giản, chỉ là một đơn nguyên gồm có 1 gian nối liền trực tiếp với đơn nguyên Tiền tế. Có thể nói với kết cấu hệ mái là “Kèo kẻ” được nâng đỡ bởi hệ thống tường bao che khép kín ba mặt. Trung tâm của Cung thánh là nơi bày biện đồ thờ như: long ngai bài vị, đỉnh, bát hương, tam sự, cây đèn, nến, bình hoa…

         

Về vị thánh được thờ tại di tích này là hai nhân vật thời Lý, vợ chồng “Ông Dầu, Bà Dầu”. Đó là hai vị phúc thần được nhân dân làng An Thái thờ phụng từ xa xưa và ở vùng đất này vẫn lưu truyền câu chuyện về hai vị thần này. Hiện còn truyền thuyết lưu hành ở địa phương cho rằng hai vợ chồng ông Dầu bà Dầu bị nhà vua bức tử mà chết. Đó chính là cách lý giải hiện tượng cạn dòng của sông Thiên Phù và Tô Lịch. Điều này hé mở cho chúng ta nhận diện bước đầu tục tế “Hiến sinh bằng người” còn di lưu từ thời cổ đại cho đến buổi đầu thời Lý ở nước ta.

         

Về lễ hội tưởng niệm hai vị thần này, cứ vào ngày 30 tháng Mười một âm lịch hàng năm được tổ chức. Có một số chi tiết đáng lưu ý trong lễ hội đó là việc trước đây do người vợ nhảy xuống sông trước, người chồng nhảy theo sau nên lúc rước nghinh giá, kiệu vợ đi trước kiệu chồng. Chi tiết thứ hai là 6 ngày sau, em ruột Vũ Phục làm ăn ở xa, được tin báo, chạy về gần đến nơi thì vấp phải rễ cây, ngã vỡ đầu, lăn xuống nước và cũng chết luôn. Cho nên vào ngày lễ hội hàng năm, dân vùng Bưởi lại mang lễ vật theo sở thích của hai vợ chồng lúc còn sống đến cùng tế tại ngôi đền này. Lễ vật rất trọng thể, ngoài xôi xéo, thịt bò thui, cơm nếp, gà mái ghẹ, canh đậu, chè kho còn tế lợn sống rồi đem cắt tiết lấy bốn bát tiết canh đổ xuống nước nhắc lại trường hợp bị chết của người em.

         

Có thể nói, di tích miếu Giếng Bưởi tuy có quy mô nhỏ hẹp, nhưng nó đã mang trong mình một câu chuyện lịch sử ly kỳ, đó là truyền thống xả thân vì nghĩa của nhân dân ta, đặc biệt là tập tục lễ hội rất ý nghĩa và cụ thể. Miếu Giếng Bưởi và những giá trị to lớn ẩn chứa bên trong di tích đặt ra cho chúng ta hôm nay là cần đặc biệt quan tâm bảo tồn và lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của người xưa.

 

Hoài Phương tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)