Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 19/04/2017 09:32
Chùa Chúc Thánh – Chúc Thánh tự

 Chùa Chúc Thánh hay Chúc Thánh Tự hiện toạ lạc ở ngõ 370 phố Thuỵ Khuê. Chùa Chúc Thánh là một trong những di tích có niên đại ra đời sớm ở nước ta. Chùa thờ Phật, Mẫu cầu phúc lành cho dân làng, là nơi bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân địa phương.

 

Quy hoạch mặt bằng của chùa Chúc Thánh gồm Tam quan, Sân chùa và chùa Chính (Tiền đường và Thượng điện).

         

Tam quan chùa xây kiểu chồng diêm, hai cổng phụ làm kiểu đơn giản. Phía ngoài giáp cổng phụ được xây hai trụ cao, đỉnh trụ đắp hình 4 con chim phượng chụm đuôi vào nhau thành hình trái dành. Thân trụ được đắp nổi các câu đối bằng chữ Hán.

         

Sau tam quan qua khoảng sân rộng là đến chùa chính. Nền chùa được tôn cao 0,7m so với mặt sân, phía trước cửa chùa về phía hai bên liền với tường hồi là hai cột đồng trụ xây cao, đỉnh trụ đắp hình nậm rượu, phía dưới có các hình trang trí, thân trụ tạo khung đắp nổi câu đối chữ Hán. Mái chùa được lợp ngói ta tạo hai tầng mái kiểu chồng diêm, phân cách giữa hai lớp mái là bức tường xây, trên trang trí đắp nổi hình trúc, mai, đào, lựu… giữa nóc mái tạo khung ghi 3 chữ đại tự “Chúc Thánh tự” bằng chữ Hán (chùa Chúc Thánh).

         

Chùa chính là một kiến trúc lớn hình chữ đinh gồm 2 nếp: Tiền đường và thượng điện. Các nếp nhà này nằm sát cạnh nhau và được khép kín bởi hệ thống tường bao quanh làm cho không gian của Tam bảo chùa thêm rộng lớn, khang trang. Tiền đường là một toà nhà lớn gồm 5 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Trong chùa, vì đỡ mái được làm theo 2 dạng vì khác nhau: Các bộ vì giữa có kết cấu dạng thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ, 2 vì hồi làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Hàng hiên trước nhà tiền đường có diện tích rộng tương ứng với 7 khoảnh hoành. Trên tàu đỡ mái bằng xà ngang bằng gỗ lim có chạm trổ trang trí vân mây, hoa lá nhằm làm giảm nhẹ sự nặng nề và tăng thêm vẻ đẹp thẩm mỹ, chắc khoẻ cho ngôi chùa cổ.

         

Thượng điện gồm 3 gian hai dĩ có cùng phong cách với tiền đường, bộ vì chồng rường có cột trốn trên xà thượng, các con rường được xếp chồng lên nhau, trang trí nhẹ nhàng vân mây, hoa lá. Các bức cốn toà thượng điện được trang trí vân chữ triện, phía dưới câu đầu của các vì được gắn với cửa võng, hoành phi gỗ sơn son thếp vàng làm tăng thêm sự lộng lẫy cho nơi toạ lạc của các vị Phật.

         

Trong toà thượng điện được xây các bệ gạch cao dần từ ngoài vào làm nơi toạ lạc của các vị Phật. Ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất của thượng điện là 3 pho Tam thế thường trụ diệu pháp thân biểu trưng cho 3 thế giới Phật: quá khứ, hiện tại và vị lai đang ngồi kiết già trên toà sen.

         

Lớp thứ hai gồm tượng A Di Đà có kích thước lớn hơn ngồi ở giữa, hai bên là Quan Thế Âm và Đại Thế Trí.

         

Lớp thứ ba gồm tượng Di Lặc ngồi giữa hai bên là 2 pho tượng hầu.

         

Lớp cuối cùng là Toà Cửu Long, tái hiện hình ảnh đức Phật Thích Ca lúc mới ra đời. Ngoài toà tiền đường, bên phải là ban thờ Đức Ông mặt đỏ ngồi giữa hai bên là hai pho tượng hầu, đối diện bên trái là tượng Thánh Tăng, ở giữa hai bên là 2 tượng hộ pháp.

         

Trong hệ thống tượng tròn của chùa có các pho Tam Thế, A Di Đà được ra đời sớm hơn cả (khoảng thế kỷ XVIII). Đặc trưng chung của nhóm tượng này là tư thế ngồi tự nhiên, thoải mái, khuôn mặt hơi tròn, ngực nở, eo thót cung mày lớn cùng đài sen nở rộng, các cánh sen dày mập, mũi sen chạm nổi các hoạ tiết đặc trưng sắc nét.

         

Hiện chùa Chúc Thánh còn bảo lưu được khối lượng di vật khá phong phú mang giá trị khoa học lịch sử nghệ thuật cao: 5 tấm bia đá (có một tấm bia thời Lê “Hậu Phật bi ký”), 2 quả chuông đồng niên đại thời Tây Sơn còn có bộ sưu tập tượng tròn với gần 50 pho tượng. Đáng chú ý hơn cả có các pho tượng: Bộ tượng tam thế, tượng A Di Đà, tượng Thích ca sơ sinh và toà cửu long.

         

Chùa Chúc Thánh trước đây có quy mô kiến trúc bề thế với nhiều nếp nhà được xây dựng trên một khu đất có cảnh quản thiên nhiên tuyệt đẹp, thoáng đãng, riêng biệt ở thế đất địa linh, gần hồ Tây. Trải qua quá trình tồn tại, chùa Chúc Thánh còn bảo lưu được kiến trúc gỗ truyền thống mang phong cách của nghệ thuật thời Nguyễn. Trong khối di tích vật chất cổ kính này, đáng chú ý là các pho tượng tròn, với số lượng tượng khá đầy đủ mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao, các pho tượng được tạo tác công phu, tỷ mỉ và được thếp vàng lộng lẫy. Đó là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, thể hiện một trình độ kỹ thuật tinh xảo, điêu luyện của đôi bàn tay khéo léo của ông cha ta. Các pho tượng được tạo tác vào những thời gian khác nhau mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX. Đây là những tác phẩm quý giá góp phần tìm hiểu nghệ thuật tạc tượng trong lịch sử dân tộc.

         

Bộ di vật trong chùa khá phong phú, đa dạng với đầy đủ các loại hình: văn bia thời Lê, chuông đồng thời Tây Sơn, hệ thống hoành phi, câu đối… mang giá trị lịch sử, văn hoá cao. Nhóm di vật gỗ được chạm khắc tinh xảo làm tôn thêm vẻ đẹp cổ kính cho di tích. Ngoài giá trị nghệ thuật, các văn bia hiện còn là nguồn tư liệu quý trong việc tìm hiểu về đời sống, xã hội của một làng cổ về lịch sử tạo dựng đình, chùa, đền được ghi lại qua hệ thống bia đá, chuông đồng liền kề với chùa Chúc Thánh, ngôi chùa hợp thành một quần thể tôn giáo hoàn chỉnh, là nơi bảo tồn, lưu giữ những truyền thống văn hoá tốt đẹp, nơi cấu kết mối quan hệ cộng đồng, nơi giáo dục điều chỉnh các hành vi tốt đẹp cho mọi thành viên trong xã hội.

 

         

Có thể nói, với những phân tích trên đây rõ ràng giá trị nghệ thuật độc đáo của các pho tượng cổ cùng hệ thống di vật đã làm cho ngôi chùa trở thành niềm tự hào của nhân dân vùng Bưởi nói riêng và quận Tây Hồ nói chung.

 

Giáp Hoàng tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)