Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 25/04/2017 09:03
Một cuốn sách kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính khoa học và tính nghệ thuật

 Cuốn sách ảnh song ngữ “Tranh sơn dầu phỏng dựng về Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX” dưới sự chủ trì của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cùng sự tham gia biên soạn của họa sĩ Trịnh Quang Vũ và PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã cung cấp một nguồn tư liệu quý bằng hình ảnh, ghi lại về cảnh và người của Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX.

 

Họa sĩ Trịnh Quang Vũ là một nghệ sĩ đa tài. Ngoài chuyên môn sâu, được đào tạo và làm nghề bài bản, chuyên nghiệp về lĩnh vực hội họa, ông còn đi sâu nghiên cứu lịch sử Thăng Long - Hà Nội, lịch sử trang phục Việt và nhiều lĩnh vực văn hóa - lịch sử chuyên sâu khác. Kết quả của những nghiên cứu tâm huyết đó là nhiều đầu sách do ông là tác giả biên soạn đã được xuất bản, có những đầu sách được tái bản nhiều lần.

 

Với sự gắn bó và tình yêu sâu nặng với Thăng Long, ông đã dành công sức nhiều năm phục dựng nhiều tác phẩm hội họa sơn dầu về Thăng Long - Hà Nội xưa, lấy cảm hứng và căn cứ từ những cuốn sách, tư liệu, tranh ảnh về Thăng Long - Hà Nội. Có thể kể một số cuốn sách chính: J.B. Tavernier, Du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Paris, 1679; S. Baron, Miêu tả vương quốc Đàng Ngoài, London, 1811; J. Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong những năm 1792 và 1793, London, 1806; Dr Hocquard, Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, Paris, 1892; A. Masson, Hà Nội trong thời kỳ hào hùng, Paris, 1929; P. Boudet và A. Masson, Bộ tranh lịch sử xứ Đông Pháp, Paris, 1931… cùng nhiều sách và tư liệu khác.

         

Khoảng năm 2006 - 2007, họa sĩ Trịnh Quang Vũ phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức đợt triển lãm bộ tranh sơn dầu nói trên, được người xem hết sức hoan nghênh, đánh giá cao. Trên cơ sở bộ tranh đó, họa sĩ Trịnh Quang Vũ tập hợp, biên soạn thành một cuốn sách ảnh để giới thiệu, quảng bá đến đông đảo độc giả.

 

 

Cuốn sách được xuất bản dưới hình thức sách ảnh. Sách in 4 màu, chất lượng in trung thành với tranh nguyên bản, trên giấy ảnh cao cấp, khổ 20x20cm. Phần chữ (nghiên cứu và chú thích) có dung lượng hợp lý, khoa học không chỉ phản ánh đầy đủ, toàn diện về giai đoạn lịch sử mà nội dung các bức tranh mô tả mà còn đảm bảo chính xác các sự kiện, nhân vật, công trình, thời gian… căn cứ theo nguồn trích. Mở đầu sách là bài nghiên cứu giới thiệu của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ. Nội dung phần viết hàm súc, tuy ngắn gọn, súc tích, nhưng đã thể hiện được bức tranh toàn cảnh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Có thể nhận định, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ hiện nay là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử trung đại Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX, được giới lịch sử nước nhà và quốc tế thừa nhận. Tiếp theo bài nghiên cứu, sách giới thiệu phần tranh vẽ của họa sĩ Trịnh Quang Vũ với chú thích, chú giải của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ. Hơn thế, đây là cuốn song ngữ Việt - Anh. Phần dịch ra tiếng Anh do chuyên gia dịch thuật của Nhà xuất bản Thế giới thực hiện, đảm bảo độ chính xác và chuyển tải được đầy đủ nội dung sách. Có thể nói đây là một cuốn sách có chất lượng tốt về nội dung, đẹp về hình thức.

 

Ban đầu, tập bản thảo do họa sĩ Trịnh Quang Vũ xây dựng được chia thành 3 chương tương ứng với 3 thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Với kết cấu này, cuốn sách chưa thực sự khoa học. Bởi thế mà, nó đã được biên soạn lại theo hướng dòng chảy của lịch sử là khái quát bức tranh toàn cảnh của Thăng Long - Kẻ Chợ thời Lê Trung hưng (Lê, Mạc, Trịnh) - Tây Sơn - Nguyễn. Do đó, việc sắp xếp thứ tự, bố cục tranh cũng thay đổi cho phù hợp, nhất quán với nội dung nghiên cứu.

 

 

Một điều khá thú vị trong quá trình “nhào nặn” tác phẩm là cuốn sách đã được biên tập và rút xuống còn 48 bức tranh, ít hơn 2 bức so với dự kiến ban đầu là 50 bức tranh sơn dầu. Trong 2 bức tranh bị loại có 1 bức là bức vẽ vua Quang Trung phỏng dựng theo bức tranh vua Quang Trung do vua Càn Long tặng còn 1 bức là vẽ vua Minh Mệnh phỏng dựng theo tranh vẽ của họa sĩ đương thời. Bức tranh vua Quang Trung cưỡi ngựa, mặc giáp trụ nói trên do Tạp chí Sử Địa của Sài Gòn xuất bản lần đầu vào năm 1969, từ đó đến nay, các sách và tư liệu kế thừa, trích dẫn đều mặc nhiên thừa nhận. Nhưng gần đây, dựa trên tư liệu tin cậy và các chứng lý khoa học, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã cải chính bức tranh đó chính là vua Càn Long (Trung Quốc), không phải vua Quang Trung như vẫn nhầm tưởng, còn bức tranh vẽ vua Quang Trung do Càn Long tặng theo như lịch sử đề cập, hiện chưa tìm được. Mặc dù tranh vẽ vua Quang Trung chỉ là phỏng dựng, nhân vật vua Quang Trung trên tranh của họa sĩ Trịnh Quang Vũ có gương mặt khác với vua Càn Long ở bức tranh gốc, nhưng căn cứ nguyên gốc để phỏng dựng là tranh vẽ vua Càn Long. Do vậy dễ gây sự liên tưởng, hiểu nhầm của độc giả, làm giảm tính khoa học và giá trị cuốn sách. Còn bức vẽ vua Minh Mệnh phỏng dựng theo tranh vẽ của họa sĩ đương thời là thiếu chính xác. Hơn thế, trong sách cũng có một bức vẽ khác về vua Minh Mệnh có nguồn gốc cụ thể của John Crawfurd. Vấn đề này đã được các tác giả ủng hộ, đồng thuận và nhất trí cao.

 

         

Có thể nói đây là một cuốn sách tốt, có giá trị cả về khoa học lẫn nghệ thuật. Việc tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn sách của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội là việc làm rất ý nghĩa. Tôi tin tưởng rằng cuốn sách sẽ hữu ích cho các nhà nghiên cứu cũng như các độc giả rộng rãi, những người yêu nghệ thuật và có nhu cầu tìm hiểu về Thủ đô ngàn năm văn hiến yêu dấu của chúng ta.

 

 

Trang Phạm 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)