Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 20/06/2017 04:36
Tú Mỡ - Cuộc đời và sự nghiệp thơ ca

 Tú Mỡ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Nội. Thủa nhỏ ông học trường tiểu học Hàng Vôi, rồi học lên trường Bưởi. Thủa là học trò ông nổi tiếng là nghịch ngợm, thích pha trò và thích châm chọc. Chính bởi tính cánh này đã hình thành dần trong ông trường phái thơ trào phúng, châm biếm. Bài Phú thầy phán là một trong số những bài thơ rất hay trong sự nghiệp của Tú Mỡ.

 

Bài phú này đặc tả thần thái, phong độ, nếp sống, cung cách sinh hoạt, nghĩ suy, ứng xử của một lớp công chức nhà nước thời Bảo hộ. Một lớp người “cạo giấy” nơi công sở mà tính cách đã sớm định hình đến thành điển hình. Bài phú gồm 44 câu, câu nào cũng hay, xin được trích dẫn vài đoạn:

Trong đóm ngoài đuốc, trông bề ngoài màu mỡ riêu cua;

Tiếng cả nhà thanh, xét kỹ thân hình pháo xác.

Cuối tháng ba mươi ba mốt, giấy bạc rung rinh;

Qua ngày mười một, mười hai, ví tiền rỗng toác.

Sổ tiêu tính phác, hy hoay cộng cộng trừ trừ;

Lương tháng thấy vèo, tiu ngỉu ngơ ngơ ngác ngác

Tiếng Lang sa thoắng trơn nước chảy ,“uẩy” cùng “nông”;

Câu Hán tự dốt đặc cán mai, đọc “tộ” hóa “tác”

Giở những chuyện văn chương xốc nổi, “tam tổ thánh hiền”

Bàn những điều nghĩa khí viển vông, “thiên hô bát sát”

Lỡ buổi đi trưa, nhìn trước nhìn sau lấm lét, rụt rè như rắn ráo mùng năm

Lỡ khi lầm lỗi, đứng lên ngồi xuống băn khoăn, ủ rũ như diều hâu tháng chạp

Chuyện nào có ra chuyện, dở dại dở khôn;

Đùa nào có ra đùa, nửa mỡ nửa nạc.

Tập hợp trong tập thơ Dòng nước ngược, thơ Tú Mỡ những năm ba mươi thế kỷ hai mươi là cả một tập biếm họa chân dung những ông quan cai trị xứ thuộc địa, cả lớn lẫn bé:

Trời cho cái mã bên ngoài

Để che đậy cái… sơ sài bên trong

Hay sự đối lập giữa quan và dân:

Quan được tăng lương, dân cũng tăng

Tăng sưu, tăng thuế đến nhăn răng

Còn manh khố rách càng thêm rách

Đời sống lầm than ai thấu chăng?

Dòng nước ngược còn là bức tranh đời gồm những chuyện đời vừa đáng cười, vừa đáng khóc trong cảnh sống nông thôn và thành thị…

Có thể dễ nhận thấy những năm ba mươi đã phát lộ trọn vẹn tài năng trào phúng của Tú Mỡ. Nhưng cái thời đắc ý làm nên một sự nghiệp thơ trào phúng của Tú Mỡ đã phải tạm ngừng từ năm 1939 khi ông nhận được lời cảnh cáo của Giám đốc Sở Tài chính người Pháp lúc đó cho rằng ông đã viết những bài thơ châm biếm ngầm đả kích chế độ Pháp. Cũng chính vì gánh nặng phải lo cơm áo cho cả gia đình nên Tú Mỡ đã phải làm cam đoan từ nay trở đi không được tiếp tục làm các bài thơ đã kích chế độ nữa.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tú Mỡ vẫn tiếp tục nghề nghiệp chủ sự tài chính của mình. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ông cùng gia đình tản cư về Bắc Giang và từ đây ông có cơ hội để chuyển sang công việc yêu thích làm thơ trào phúng, đả kích đánh giặc đúng với sở trường của mình với bút danh Bút Chiến đấu. Giai đoạn này ông có những bài thơ trào phúng sắc nhọn liên tục xuất hiện trên các báo như Văn điếu tướng Lơcléc, “Quan lớn” xin hàng, Con trâu kháng chiến, Nồi cá làm vạ cho giặc, Chữa mắt rồng, Câu chuyện tướng đi ỉa, Kế hoạch Nava “thượng thò hạ thụt”… Ông thực sự trở thành nhà thơ bình dân, ở trong lòng nhân dân. Không chỉ sắc nhọn trong các bài thơ trào phúng đả kích địch, Tú Mỡ cũng rất hào hứng trong những bài thơ ca ngợi nhân dân, trong chuyên mục “Anh hùng vô tận” của báo Cứu quốc, ông kể:

Huyện Lang Tài tỉnh Bắc Ninh

Có người nghĩa hiệp Văn Trinh họ Bùi

Lý Viết Va vốn người dân Thổ

Châu Võ Nhai quê ở Văn Lang

Có người chiến sĩ vô danh

Đốt kho thuốc đạn một mình mới gan

Rõ ràng đây là lối kể của vè, của truyện dân gian. Dễ hiểu vì sao thơ Tú Mỡ rất nhiều bài nhanh chóng được truyền tụng và trở thành của chung… Với Nụ cười kháng chiến và Anh hùng vô tận, với hàng chục tập vè và chèo, Tú Mỡ đã có đóng góp thật xuất sắc cho sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. Từ sau năm 1954 vẫn tiếp tục là một thời kỳ đắc ý trong sự nghiệp sáng tác của Tú Mỡ. Ông viết tiếp Nụ cười chính nghĩa để đả kích đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trong âm mưu xâm lược và kéo dài việc chia cắt đất nước. Những bài Tú Mỡ viết dưới tiêu đề Nụ cười chính nghĩa đã trở thành những bài thơ đặc sắc trong nền thơ đả kích địch như bài Độc lập chi bay… rách váy bà, “Cuốc khánh” hay “cuốc sỉ”, Ngô Đình Diệm khóc Mắc- xay- xay, Tay-lơ cùng với “quay lơ” một vần…

Vào tuổi sau sáu mươi, một mạch trữ tình trong thơ Tú Mỡ bước đầu được khởi động, trước hết là trong gia đình:

Ta là thủ trưởng tại gia

Vợ là cấp dưỡng, con là giao thông

Cháu là thường trực “lông tông”

Khi nào có khách mời ông vào nhà.

Cố nhiên đã gọi là thơ Tú Mỡ thì làm sao mà mất đi được cái vui hóm hỉnh vốn có trong máu thịt, trong thơ của ông, khi ông vui với đời, với bạn bè, vui với đồng nghiệp, vui với mình, với con cháu và gia đình…

 

Cái tên Tú Mỡ vẫn cứ là một hình dung quen thuộc và thân thuộc trong nhiều thế hệ độc giả Việt nam suốt từ những năm ba mươi cho đến cuối thế kỷ hai mươi.


Trần Linh tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)